Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, trong tháng 7/2019, tổng lượng dòng chảy về đầu nguồn sông Cửu Long tăng dần nhưng vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Đến ngày 29/7, mực nước lớn nhất tại trạm Tân Châu là 0,96m thấp hơn 1,46 m so với TBNN (2,42 m), tại Châu Đốc là 1,03m thấp hơn 0,97 m so với TBNN (2m). Những ngày đầu tháng 8/2019, do ảnh hưởng của bão số 3 nên khu vực Thượng Lào có mưa lớn, bổ sung nước cho lưu vực hạ lưu sông Mê Công. Đến ngày 3/8, mực nước lớn nhất Tân Châu và Châu Đốc đã vượt 1,5m.
Số liệu quan trắc của Ủy hội sông Mê Công quốc tế cho thấy, lượng mưa từ đầu mùa mưa đến nay tại các trạm trên dòng chính sông Mê Công hầu hết đều thấp nên mực nước tại tất cả các trạm trên dòng chính đến ngày 1/8 cũng thấp hơn nhiều so với TBNN. Sang tháng 8 và 9/2019, lượng mưa dự báo tăng đôi chút nhưng do mực nước Biển Hồ và nội đồng ĐBSCL đang thấp nên mực nước lũ ĐBSL dự báo nhiều khả năng cải thiện không đáng kể. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong tháng 8, tổng lượng mưa khu vực này phổ biến từ 150 - 250mm, có nơi cao hơn. Tổng lượng dòng chảy về đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục tăng và ở mức thấp hơn TBNN từ 28 - 31%. Mực nước sông Cửu Long lên dần và đạt mức cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu 2,5m, trên sông Hậu tại Châu Đốc 2,2m.
Viện Quy hoạch Thủy lợi dự kiến, mực nước lớn trên 1,5m chỉ tập trung ở các huyện đầu nguồn như: huyện An Phú, thị xã Tân Châu và huyện Phú Tân của tỉnh An Giang, huyện Hồng Ngự, Thị xã Hồng Ngự và huyện Tân Hồng của tỉnh Đồng Tháp. Vùng nội đồng, ven biển có mực nước cao ở ven sông chính, cửa sông, cửa biển và thấp dần vào phía trong.
Ước tính đến đầu tháng 8, cả 3 vùng thượng, giữa và vùng ven biển sẽ thu hoạch xong khoảng 50% diện tích lúa Hè Thu. Vụ Thu Đông đã xuống giống hơn 300.000 ha trên tổng số khoảng 750.000 ha theo kế hoạch, chủ yếu trên địa bàn các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hậu Giang. Với mức lũ cuối tháng 8 ở mức thấp như nhận định ở trên, hầu như các khu vực sản xuất lúa Hè Thu và Thu Đông sẽ không bị ảnh hưởng.
Nhận định về tình hình lũ trên các sông ở vùng ĐBSCL, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Hoàng Đức Cường cho biết, do thiếu hụt lượng mưa và dòng chảy ở thượng nguồn sông Mê Công nên đỉnh lũ năm ở ĐBSCL có khả năng sẽ ở mức thấp (báo động 1), thời gian xuất hiện mực nước đỉnh lũ khả năng xảy ra vào cuối tháng 9 đầu tháng 10/2019. Dự báo đỉnh lũ năm 2019 trên sông Cửu Long (tại trạm Tân Châu và Châu Đốc) ở mức thấp, tổng lượng dòng chảy thượng nguồn sông Mê Công về khu vực ĐBSCL thiếu hụt nhiều so với TBNN, đặc biệt, sau tháng 9/2019, lượng mưa giảm nhanh dẫn đến dòng chảy cũng suy giảm nhanh. Do đó, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ bị chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều.
Ông Cường cũng cảnh báo, vùng cửa sông Nam Bộ có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019 - 2020, đặc biệt, tình trạng xâm nhập mặn có thể diễn ra rất sớm từ những tháng đầu năm 2020. Bởi vậy, các địa phương ở ĐBSCL nói riêng và khu vực Nam Bộ nói chung cần sớm có các biện pháp chủ động phòng chống .
Theo các chuyên gia, tuy lũ đang ở mức thấp nhưng hiện nay đã và đang bắt đầu xuất hiện các trận bão và áp thấp nhiệt đới tác động trực tiếp gây mưa lớn trên lưu vực hạ lưu sông Mê Công. Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng thủy điện thượng nguồn có thể xả lũ đột ngột. Vì vậy, các địa phương đồng thời cũng phải theo dõi chặt chẽ các thông tin dự báo để chuẩn bị các giải pháp, nhân lực, vật lực kịp thời ứng phó khi lũ lên.