Hiện nay, với nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua: Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 9, tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, con đường Xuyên Á từ nước bạn Lào về Cửa Việt, Cam Lộ có điều kiện thuận lợi trong việc giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các nơi trong và ngoài tỉnh, đồng thời có thể tham gia các luồng thương mại quốc gia, quốc tế.
Khởi sắc Cam Lộ
Về Cam Lộ (Quảng Trị) những ngày đầu năm 2023, chúng tôi chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ của vùng đất từng bị bom đạn tàn phá nặng nề, không một mái nhà còn nguyên vẹn, ruộng vườn hoang hóa, đất dai dày đặc bom mìn và dây kẽm gai.
50 năm kể từ ngày quê hương được giải phóng, 31 năm sau ngày tái lập huyện, với tinh thần vượt khó vươn lên, huyện Cam Lộ đã đầu tư công sức, tập trung trí lực để khai thác tiềm năng thế mạnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) phát triển, giữ vững quốc phòng - an ninh, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Theo Đại tá, nhà báo, nhà văn Lê Anh Dũng - nguyên phóng viên chiến trường Báo Quân đội nhân dân: “Nếu có dịp làm một cuộc bộ hành lên Cao điểm 544 để nhìn ngắm quê hương Cam Lộ sau chiến tranh, dọc dài theo hai bên
Đường 9 là cả một bài ca về sự hồi sinh, đắp đầy mơ ước của những con người vừa thoát ra khỏi đạn bom, trận mạc. Nếu phóng tầm mắt xa hơn, hay có những chuyến “về nguồn”, mọi người sẽ thấy những trang lịch sử thật thân gần với đất quê hương: Tân Lâm, Đầu Mầu, Cao điểm 241, Cùa, Động Tròn, Hồ Khế, Đá Bạc… Từ một nền nông nghiệp sản xuất nhỏ, lạc hậu, thiếu thốn, đến nay, Cam Lộ đã có bước phát triển toàn diện, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất theo hướng bền vững. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ được đẩy mạnh phát triển và chiếm tỉ trọng 72% trong cơ cấu nền kinh tế”.
Theo chân Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Anh Tuấn, chúng tôi tận mắt chứng kiến vùng đất đỏ bazan ở Cùa và vùng gò đồi phù hợp với việc phát triển cây công nghiệp dài ngày, cây dược liệu và trồng rừng, mũi nhọn là cây cao su, Hồ tiêu; vùng bãi bồi ven sông Hiếu phù hợp cho phát triển cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả, chủ lực là cây lạc; vùng trọng điểm lúa, rau, đậu, thực phẩm tập trung ở các xã đồng bằng của huyện (Cam Thủy, Cam Hiếu, Thanh An).
Chủ tịch Trần Anh Tuấn phấn khởi cho biết, năm 2022, các chỉ tiêu KT-XH đạt cao, tốc độ tăng trưởng (13,1%), đạt cao nhất trong các năm trở lại đây. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội: 818 tỷ đồng, đạt 163,6% kế hoạch. Thu ngân sách: 162.127 triệu đồng; nếu trừ thu từ sử dụng đất thì thu trên địa bàn đạt 151,25% so với kế hoạch.
Huyện Cam Lộ chú trọng phát triển các loại cây dược liệu với định hướng trở thành trung tâm dược liệu. Tổng số diện tích an xoa toàn huyện 17,7ha; năng suất bình quân 150tạ/ha,. Tiếp tục chỉ đạo trồng mới đối với một số loại cây dược liệu khác, đến nay, diện tích cây dược liệu trên địa bàn huyện hiện có trên 200ha.
Mặt khác, huyện kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư có năng lực thực sự, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tạo nguồn thu ngân sách như các dự án Nhà máy bia Camel, gỗ Tiến Phong, may xuất nhập khẩu Tân Định, Lâm sản An Thái.
Nổi bật, trong năm, huyện đã thu hút 11 dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp, nâng tổng số dự án đăng ký đầu tư lên 51, trong đó có 31 dự án đã đi vào hoạt động, 4 dự án đang triển khai xây dựng, 16 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.069.040 triệu đồng. Thu hút và tổ chức các buổi làm việc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm năng đến từ nước ngoài như Mỹ, Nhật Bản và các tỉnh phía Nam về liên kết và tiêu thụ sản phẩm địa phương; trong đó, đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Canada số lượng 3 tấn cao An Xoa... Với những thành tựu đạt được, năm 2022, Cam Lộ vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Trù phú vùng Cùa
Từ Thị trấn Cam Lộ qua con đường nhựa quanh co uốn lượn băng qua vùng núi đồi, 2 bên xanh rì rừng keo là đến Cùa - vùng đất đỏ bazan gồm 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa.
Vùng Cùa được ghi lại trong lịch sử bởi dấu tích của thành Tân Sở, cái nôi của phong trào Cần Vương, là kinh đô kháng chiến của triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, đây là vùng đất gánh chịu những hậu quả nặng nề bởi bom đạn và chất độc da cam. Sau giải phóng, vùng Cùa nhanh chóng hồi sinh. Hiện tại, Cùa là vùng đất đầy hứa hẹn với những đồi cao su bạt ngàn, những vườn hồ tiêu xanh mướt bên cạnh những vườn cây dược liệuvà được phủ xanh bởi những vườn chè cổ thụ hiếm có.
Toàn vùng Cùa có gần 2.000 ha cây cao su đã thu hút được nhà máy chế biến mủ cao su đầu tư tại địa bàn công suất 5.000 tấn sản phẩm/năm, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đặc sản tiêu Cùa nổi tiếng với diện tích gần 300ha, được giải thưởng “Chất lượng quốc tế thế kỷ, hạng vàng”.
Nổi tiếng gần xa bởi chất lượng thơm ngon cũng như tuổi thọ, từ lâu, những vườn chè cổ thụ trên 100 năm tuổi đã trở thành niềm tự hào của người dân xứ Cùa. Chè Cùa trở thành món quà hạng sang của “vùng Cùa”.
Từ rất lâu đời, nghề trồng và chế biến cây dược liệu ở đây đã hình thành nhưng chủ yếu nhỏ lẻ, nhưng khoảng 5 - 6 năm nay, cây dược liệu và ngành nghề chế biến cây dược liệu đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực. Nhiều đơn vị đã đến vùng đất này xây dựng nhà máy, đồng hành cùng nông dân trồng và chế biến cây dược liệu.
Phát huy tiềm năng nguyên liệu sẵn có, người dân vùng Cùa đã nghiên cứu sản xuất thành công các loại cao dược liệu để bán ra thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng, cho giá trị kinh tế cao… Đặc biệt, cao chè vằng là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Quảng Trị.
Xuân này, đến Cùa, múc gáo nước ở giếng cổ rửa mặt, ăn bát cơm nấu từ gạo cồ sạch, thưởng thức gà “ngày ăn mối, tối ngủ cây” thịt săn chắc và thơm ngon, nếm gia vị đặc trưng của vùng đất đỏ bazan và ngắm những cô gái vùng Cùa xinh đẹp thì còn gì bằng.