Doanh nghiệp chung tay đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế

Thục Vy| 08/06/2021 15:47

(TN&MT) - Hơn một năm xuất hiện đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã gặp nhiều khó khăn, xáo trộn. Với quyết tâm chung tay cùng Chính phủ và cộng đồng trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, nhiều ban ngành, tổ chức đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến bất thường.

Phun thuốc khử khuẩn tại Công ty TNHH APPALER FAR  EASTERN (Việt Nam) ở KCN VSIP Bình Dương

Ngăn chặn dịch bệnh

Dịch Covid-19 lần thứ 4 quay trở lại đã khiến nhiều doanh nghiệp trên địa các tỉnh Bình Dương, Long An, TP.HCM... gặp rất nhiều khó khăn. Trong hoàn cảnh này, một số doanh nghiệp chọn giải pháp “tạm dừng”, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục sản xuất kinh doanh song song với phòng chống dịch, đặc biệt là công tác bảo vệ môi trường, vệ sinh nơi làm việc, nơi ở rất được quan tâm. 

Đơn cử, tại các khu công nghiệp (KCN) VSIP ở Bình Dương có khoảng 160.000 lao động làm việc. Với số lượng doạnh nghiệp và người lao động đông đúc như thế nên nguy cơ lây bệnh và ô nhiễm môi trường vẫn luôn hiển hiện. Do đó, ngoài việc phát triển sản xuất kinh doanh thì công tác phòng, chống dịch, bảo vệ môi trường được triển khai nghiêm ngặt hơn cả. Theo đó, 100% công nhân lao động, khách vào doanh nghiệp làm việc phải đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn. Hệ thống giám sát ở doanh nghiệp được duy trì liên tục nhắc nhở những ai lơ là thực hiện ngay việc đeo khẩu trang trong nhà máy.

Bà Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Công đoàn KCN VSIP Bình Dương cho biết, qua kiểm tra, hầu hết các doanh nghiệp đều thực hiện nghiêm công tác phòng dịch. Các doanh nghiệp đã mua sắm kịp thời và đầy đủ phương tiện kiểm tra y tế, khẩu trang, nước rửa tay kháng khuẩn cho toàn bộ cán bộ công nhân viên; công đoàn cơ sở thường xuyên tuyên truyền đến tất cả đoàn viên công đoàn, công nhân lao động về diễn biến cũng như tác hại của dịch bệnh Covid-19; xây dựng mạng lưới loa tuyên truyền về dịch bệnh và cho phát thanh liên tục diễn biến dịch bệnh và cách phòng, chống vào giờ nghỉ giải lao hai lần 1 ngày; treo băng rôn tuyên truyền dán ở các phòng, ban, tổ đội ở các xưởng sản xuất…

Ngoài công tác phòng chống dịch, KCN VSIP cũng đã triển khai công tác quản lý môi trường cho cả hệ thống từ ngày đầu xây dựng đến nay. Cụ thể, áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo mô hình khép kín từ khâu quản lý và sử dụng hiệu quả đầu vào đối với nguồn tài nguyên điện, nước đến phân loại và xử lý nghiêm ngặt đầu ra của các nguồn nước thải, rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại xử lý đúng yêu cầu quy chuẩn Việt Nam và quốc tế. Ngoài ra, mảng xanh trong khu vực nhà máy tiếp tục hoàn thiện và duy trì tỷ lệ phủ cây xanh trong khu công nghiệp chiếm hơn 30% diện tích sử dụng.

Công nhân Công ty ACUMEN tuân thủ thông điệp 5K trong phòng chống dịch.

Sẻ chia khó khăn

Trải qua một năm kinh doanh chật vật, ông Nguyễn Văn Khanh - chủ một doanh nghiệp vận tải ở TP.HCM cho biết, năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát vào khoảng tháng 3 là thời điểm sau Tết Nguyên đán, ít nhất doanh nghiệp cũng đã có doanh thu vào dịp Tết. Năm 2021, dịch bùng phát đúng thời điểm trước Tết đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của công ty, doanh thu giảm 60-70%.

Không chỉ các doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn mà các bến xe, kho bãi cũng đang phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề do mối quan hệ cộng sinh giữa dịch vụ vận tải và các bến bãi. Nhiều doanh nghiệp vận tải lớn vốn nhanh nhạy trên thị trường cũng chấp nhận cảnh thất thu nặng nề. 

Đại diện Công ty xe khách Việt Tân Phát cho hay, doanh nghiệp có gần 100 đầu xe hoạt động tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Dịp Tết cũng là giai đoạn cao điểm trong năm để doanh nghiệp có thể bù đắp doanh thu cho những giai đoạn thấp điểm trong năm. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát vào thời điểm cận Tết rất nhiều khách hàng đặt vé từ trước hủy vé dẫn tới số chuyến giảm mạnh. Không những vậy, trên mỗi chuyến xe lượng khách cũng chỉ còn 40-50% so với cùng kỳ. Với tình trạng dịch bệnh kéo dài, hoạt động du lịch bị đình trệ sẽ khiến công ty thiệt hại rất lớn.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, nhiều ban ngành, tổ chức, đơn vị đã chung tay giúp sức cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất. Theo ông Võ Đình Phong - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Bình Dương, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của tỉnh Bình Dương về công tác phòng, chống dịch bệnh, khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Thời gian qua, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, xây dựng phương án tháo gỡ khó khăn phù hợp với tình hình. Trước mắt, Ngân hàng đã chủ động xây dựng chương trình hỗ trợ cho khách hàng vay vốn, thông qua các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu…

Bước đầu, ngành Ngân hàng đã hỗ trợ cho 34 khách hàng với dư nợ 544 tỷ đồng. Đồng thời, ngành Ngân hàng cũng đã có văn bản đề nghị các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Dương phối hợp hỗ trợ các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện các giải pháp xử lý rủi ro, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại theo quy định.

Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, Sở đã tổng hợp được thông tin từ Ngân hàng Chính sách Xã hội có 13 doanh nghiệp vay hơn 1,4 tỷ đồng để trả lương cho người lao động, BHXH tỉnh Bình Dương ghi nhận 14 doanh nghiệp xin tạm hoãn đóng BHXH với số tiền là 17,9 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp chung tay đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO