Khẩn trương phân bổ vắc xin, ngừa dịch bệnh mùa Đông – Xuân
Chiều ngày 15/12 tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức họp báo thông tin về công tác y tế với các công việc trọng tâm về khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh mùa Đông – Xuân.
Theo Bộ Y tế, trong thời gian qua, Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận các thông tin về việc gia tăng các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp và các trường hợp mắc cúm A (H5/N1), Covid-19 tại một số quốc gia trong khu vực. Bộ Y tế đang tập trung các giải pháp ngăn dịch bệnh bùng phát trong mùa Đông – Xuân này, chủ động ứng phó nếu Covid-19 quay trở lại.
TS Hà Anh Đức - Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho biết, hiện đang trong giai đoạn vào mùa Đông Xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là nguyên nhân của sự xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp như cúm, sởi, rubella, ho gà..., tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm. Đây cũng là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch cuối năm tăng cao, là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, có thể làm gia tăng số mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là với nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh như trẻ em có sức đề kháng yếu, người cao tuổi có bệnh lý nền.
Cũng theo Chánh Văn phòng Bộ Y tế, tình hình Covid-19 vẫn đang được kiểm soát; số ca mắc ghi nhận thấp, rải rác tại một số địa phương và phần lớn có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng; số ca nhập viện và số bệnh nhân nặng tại các cơ sở điều trị thấp. Tuy nhiên,để tiếp tục kiểm soát hiệu quả, bền vững với Covid-19 và chuẩn bị sẵn sàng, chủ động ứng phó trong trường hợp Covid-19 quay trở lại, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh Covid-19, giai đoạn 2023 - 2025, trong đó có phương án sẵn sàng đảm bảo công tác y tế trong tình huống dịch Covid-19 có biến chủng mới nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống.
Đối với cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1, trong năm 2023, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc ở người.
Tuy nhiên, theo Cục Thú y, Bộ NN-PTNT, dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm vẫn xảy ra rải rác ở các địa phương. Thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường hiện nay là điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển. Để chủ động ngăn chặn cúm gia cầm xâm nhập và lây nhiễm sang người, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường công tác phòng, chống.
Đối với công tác phân bổ vắc xin tiêm cho trẻ nhỏ, sau thời gian thiếu hụt vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, nhiều trẻ tiêm thiếu, không đủ liều, không đúng lịch, Bộ Y tế đã khẩn trương tổ chức tiếp nhận, thông báo kế hoạch tổ chức tiêm chủng 490.600 liều vắc xin DPT-VGB-Hib (SII) do Chính phủ Úc viện trợ. Đồng thời, ngay tối nay, 15/12, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ nhận số vắc xin này tại sân bay Nội Bài và thực hiện kế hoạch phân bổ cho 63 tỉnh, thành phố tổ chức tiêm chủng vắc xin 5 trong 1 từ tháng 12/2023, dự kiến số vắc xin này đủ sử dụng từ 1-2 tháng tới.
Đối với các vướng mắc về mua sắm trong bệnh viện công đã được tháo gỡ, việc cung ứng thuốc trong bệnh viện công đang cơ bản đáp ứng yêu cầu người bệnh. Bộ Y tế đang xây dựng các Thông tư và các quy trình thầu và sẽ ban hành sớm trong Quý I/2024.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo: Để phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, người dân cần tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân như: Đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người; thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao; Đặc biệt tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở…và khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.