Doanh nghiệp - doanh nhân

Doanh nghiệp chủ động thích ứng với biến động thị trường, hướng tới xuất khẩu bền vững

Thu Thuỷ 14/08/2024 - 14:56

Trước những tiêu chuẩn ngày càng cao từ người tiêu dùng và thị trường, các doanh nghiệp đều chủ động thích ứng để vượt qua thách thức và hướng tới xuất khẩu bền vững.

Đa dạng hoá thị trường và sản phẩm

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may đạt gần 23,7 tỷ USD, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ. Kỳ vọng toàn ngành cán đích 44 tỷ USD trong năm nay.

Sản phẩm dệt may của Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ nay cho đến cuối năm vào dịp cao điểm mua sắm, các doanh nghiệp đang nỗ lực đưa ra nhiều sản phẩm mới về chất liệu, mẫu mã, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của đối tác, để đạt mục tiêu xuất khẩu đặt ra.

1(6).jpg
7 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may đạt gần 23,7 tỷ USD

Dù thị trường dệt may toàn cầu vẫn chưa thực sự phục hồi, ngành dệt may nước ta vẫn ghi nhận nhiều điểm sáng khác biệt, tăng trưởng hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ lực là nhờ sự linh hoạt trong ký kết đơn hàng và sự chuyển đổi sản xuất nhanh.

Mới đây, tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, mục tiêu của ngành là tiếp tục đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào một số thị trường nhất định; đồng thời đa dạng hóa sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh. Để thực hiện mục tiêu đó, bên cạnh vai trò chính của doanh nghiệp thì những thông tin của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò quan trọng để ngành hàng kịp thời nắm bắt diễn biến mới của thị trường.

Hiện nay ngành dệt may của Việt Nam không chỉ gặp phải sự cạnh tranh của các thị trường xuất khẩu khác, mà còn đối mặt với những tiêu chuẩn, những biện pháp phòng vệ thương mại từ thị trường nhập khẩu. Đặc biệt, những thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU đưa ra những quy định rất khắt khe về xanh hóa, bảo vệ môi trường.

Thời gian qua, việc rất nhiều nhãn hàng, tập đoàn bán lẻ lớn đứng trên bờ phá sản hoặc đã nộp đơn phá sản là vấn đề tác động lớn tới doanh nghiệp. Do đó, những cảnh báo của thương vụ rất cần thiết, để doanh nghiệp tránh được thiệt hại càng nhiều càng tốt.

2(3).jpg
Những thị trường xuất khẩu lớn thường đưa ra những quy định rất khắt khe về xanh hóa, bảo vệ môi trường đối với sản phẩm

Khuyến khích sản xuất theo hướng tiếp cận kinh tế tuần hoàn

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giầy - Túi xách Việt Nam chia sẻ, ngành da giày cũng đối mặt với nhiều thách thức. 6 tháng đầu năm, xuất khẩu ngành da giày có nhiều khởi sắc rõ rệt. Kim ngạch xuất khẩu đạt 12,8 tỷ tăng hơn 10%, dự kiến cả năm, ngành sẽ đạt kim ngạch 26-27 tỷ USD năm 2024.

Cũng theo bà Xuân, Ấn Độ là thị trường xuất khẩu lớn của ngành nhưng xuất khẩu da giày sang thị trường này vẫn có nhiều vướng mắc. Các nhà máy khi xuất khẩu vào Ấn Độ buộc phải tuân thủ các điều kiện kiểm soát trực tiếp tại nhà máy và phải được cấp giấy chứng nhận thì mới có thể xuất khẩu vào thị trường này. Tuy nhiên quá trình cấp phép gặp vướng mắc, kéo dài thời gian. Vì vậy, Hiệp hội Da - Giầy - Túi xách Việt Nam kiến nghị, cần có sự hỗ trợ sâu sát của thương vụ để doanh nghiệp đẩy nhanh được thủ tục này.

Nếu như trước đây, các hoạt động về phát triển bền vững chủ yếu do khách hàng đưa ra và mang tính khuyến khích thì ngày nay đã được luật hóa thông qua chính sách được ban hành từ chính phủ của các quốc gia nhập khẩu sản phẩm da giày lớn. Cụ thể, thị trường EU đã đưa ra một loạt chính sách mới về sản phẩm sinh thái hay là trách nhiệm mở rộng đối với nhà sản xuất, truy xuất chuỗi cung ứng, tái chế, nhất là yêu cầu về giảm thiểu phát thải carbon...

Bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, tất cả những quy định này nhằm tăng chất lượng và tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế tuần hoàn trong ngành. Song những chính sách này đang tác động tới toàn bộ chuỗi cung ứng, tạo ra thách thức rất lớn đối với các nhà sản xuất, trong đó có Việt Nam.

3(3).jpg
Những tháng đầu năm, xuất khẩu ngành da giày có nhiều khởi sắc rõ rệt

Hai ngành dệt may và da giày đã kiến nghị Bộ Công Thương thành lập và phát triển trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu tại Việt Nam. Điều này sẽ góp phần giải quyết vấn đề về truy xuất chuỗi cung ứng, yếu tố quan trọng để xuất khẩu thành công.

Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, xu thế chung hiện nay là các thị trường lớn, trong đó có Hoa Kỳ, tiếp tục vận dụng các rào cản thương mại về kỹ thuật, vệ sinh, an toàn, môi trường, trách nhiệm xã hội… nhằm bảo hộ sản xuất và bảo vệ người tiêu dùng trong nước, làm tăng chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp sản xuất mặt hàng xuất khẩu.

Vì vậy, các bộ ngành cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách theo hướng khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu theo hướng tiếp cận kinh tế tuần hoàn, các yếu tố về sản xuất và tiêu dùng bền vững với mục đích thay đổi dần tư duy sản xuất của doanh nghiệp, khuyến khích áp dụng công nghệ, nguyên vật liệu, sử dụng năng lượng tái tạo để sẵn sàng đáp ứng tiêu chuẩn và quy định tại thị trường Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp trong ngành hàng liên quan cần tiếp tục phát triển theo hướng chuyên môn hoá, hiện đại hóa; cải thiện cơ cấu sản phẩm, tập trung phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao sức cạnh tranh của ngành; thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ và đẩy mạnh quá trình nội địa hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp chủ động thích ứng với biến động thị trường, hướng tới xuất khẩu bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO