Theo đó, năng lượng không hoàn toàn là những vấn đề vỹ mô. Mỗi bạn trẻ có thể trở thành “hạt nhân” chuyển đổi của cộng đồng, xã hội nơi mình sinh sống; cũng có thể học tập, rèn luyện để nâng cao năng lực, trình độ tham gia hoạt động, công tác trong các lĩnh vực chuyển đổi năng lượng.
Ý tưởng tổ chức khóa tập huấn đến từ một khảo sát về mối quan tâm của thanh niên đối với chuyển đổi năng lượng. Kết quả cho thấy, các bạn thanh niên rất quan tâm vấn đề môi trường và BĐKH. Nhiều bạn trẻ rất hiểu và tham gia khá nhiều hoạt động về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, riêng đối với chuyển đổi năng lượng - một trong những trọng tâm của chuyển đổi xanh, các bạn chỉ mới dừng lại ở việc có nghe qua về khái niệm, chưa hiểu sâu cũng như nhận thức được vai trò của giới trẻ có thể đóng góp như thế nào vào quá trình này.
Trong khuôn khổ Dự án Green Youth Labs, một phần trong Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) được Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Đức hỗ trợ, Tổ chức Live & Learn và Viện FES đã xây dựng khóa tập huấn, nhằm nâng cao nhận thức cho giới trẻ về chuyển đổi năng lượng, đặc điểm của các nguồn năng lượng phổ biến hiện nay và tác động đến môi trường, BĐKH.
Theo bà Nguyễn Hoàng Ngân - điều phối viên Dự án Green Youth Labs, Viện FES, năng lượng là vấn đề liên quan đến tất cả mọi người, đặc biệt, thanh niên là nhân tố truyền cảm hứng và là thế hệ tương lai thì càng cần hiểu biết về năng lượng. Năm 2022, 150 bạn trẻ đến từ 25 tỉnh, thành phố trên cả nước đã cùng tham gia các hoạt động nâng cao nhận thức về chuyển đổi năng lượng. Họ tiếp nhận thông tin và đồng thời, cũng chia sẻ câu chuyện của chính nơi mình đang sinh sống liên quan đến sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, sử dụng điện từ năng lượng tái tạo, giao thông xanh hay bếp nấu tiết kiệm nhiên liệu… Đó là những góc nhìn rất cởi mở, đa dạng và gần gũi từ mọi miền Tổ quốc.
Trong khuôn khổ hoạt động của dự án, Viện cũng tổ chức Cuộc thi Sáng kiến thanh niên chuyển đổi năng lượng đảm bảo công bằng xã hội. Mỗi năm, Viện sẽ tài trợ cho 10 dự án với tổng giá trị 15.000 Euro. Không chỉ về mặt tài chính, các bạn trẻ còn được các chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực để hiện thực hóa các ý tưởng của mình. Chính các chuyên gia, những người làm dự án cũng học hỏi nhiều từ các bạn thanh niên, từ những sáng kiến độc, lạ cũng như cách thức triển khai để sáng kiến đi vào cuộc sống, mang lại giá trị cho cộng đồng và đem lại hiệu ứng xã hội. Sáng tạo, nắm bắt nhanh các xu thế thời đại, công nghệ và không ngại thử thách - đó là những phẩm chất của thanh niên thế hệ mới.
Nổi bật có thể kể đến sáng kiến “Tuần hoàn năng lượng thủy sản” nhằm hoàn thiện quy trình nuôi trồng và thu hồi vi tảo từ nguồn nước thải thủy sản và thử nghiệm tại chợ thủy sản Thọ Quang - Đà Nẵng. Qua đó, thu hút doanh nghiệp và hộ gia đình xung quanh tham gia vào chuỗi liên kết, tạo thêm thu nhập và góp phần xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường ở chợ địa phương.
Sáng kiến “Nhà vườn tiết kiệm năng lượng” của nhóm Heo Đất nhằm cung cấp kiến thức về thực hành tiết kiệm năng lượng trong nông nghiệp và sinh hoạt cho 20 hộ làm vườn và dịch vụ du lịch tại khu du lịch cộng đồng Cồn Sơn, Bình Thủy, Cần Thơ. Nhóm sự án cũng hỗ trợ các hộ gia đình này thay lắp thiết bị tiết kiệm điện, thiết bị quan sát chỉ số điện, thực hành ủ phân hữu cơ... để tạo ra các mô hình nhà vườn mẫu về tiết kiệm năng lượng. Điều này góp phần tạo nét riêng cho du lịch địa phương.
Bên cạnh lĩnh vực kỹ thuật, những ý tưởng trong lĩnh vực xã hội cũng gây bất ngờ vì tính sáng tạo , nổi bật là cuộc thi thơ về năng lượng đầu tiên tại Việt Nam “Nguồn sáng của tôi" của nhóm Vườn Cỏ Ươm. Đây là ý tưởng tổ chức một sân chơi nghệ thuật để các bạn trẻ miền Nam quan tâm tới chủ đề năng lượng thể hiện quan điểm của mình về năng lượng thông qua hình thức viết thơ. Có những em nhỏ mới 12 tuổi đã có bài thơ nhận giải.
Bà Nguyễn Hoàng Ngân chia sẻ: Trong lựa chọn dự án để hỗ trợ, chúng tôi nhấn mạnh: Điều gì tạo cảm hứng cho các bạn tham gia hoạt động này? Các bạn trẻ được khuyến khích phát triển từ các ý tưởng đơn giản đến phức tạp gắn với thực tiễn.
Chuyển đổi năng lượng là một quá trình dài và cần sự chung tay của cả cộng đồng. Chính những hành động của các bạn trẻ sẽ giúp cộng đồng hiểu và ủng hộ chuyển đổi năng lượng. Nhiều hành động liên kết cùng nhau sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa ra toàn xã hội. Điều này cũng góp phần tạo sự đồng thuận khi Nhà nước ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến chuyển đổi năng lượng trong thời gian tới.