Đô thị Net Zero - Hãy bắt đầu từ không gian xanh
(TN&MT) - Phát triển đô thị bền vững, đô thị thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) hay đô thị Net Zero không còn là khuyến cáo mà đã trở thành nhiệm vụ, là mục tiêu hướng đến của đô thị Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.
Thiếu mảng xanh - mất cân bằng nhiệt đô thị
Tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu (COP26) diễn ra ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh cách đây 3 năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết: “Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước đang phát triển kể cả tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó, thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050”.
Net Zero là trạng thái mà tổng lượng khí thải nhà kính bằng “0” (bao gồm Carbon Dioxide-CO2, Methane-CH4, Nitrousoxide-N2O, Hydrofluorocarbons-HFCs bằng 0) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khái niệm này được đề cập lần đầu trong Báo cáo đánh giá thứ 5 của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) và Thỏa thuận Paris năm 2015. Kể từ đó, Net Zero là mục tiêu hướng đến của nhiều quốc gia, thành phố, tập đoàn và nhà đầu tư trên thế giới.
Quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị nhanh, thiếu tính bền vững ở nước ta những thập kỷ qua đã và đang làm cho các đô thị phải đối mặt trước nhiều tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước, trong đó có tác động của BĐKH. Sự bùng nổ thiếu kiểm soát về dân số, về các phương tiện giao thông cá nhân; tần suất sử dụng thiết bị điều hòa nhiệt độ, thiết bị làm lạnh ngày càng cao; quá trình thi công xây dựng ồ ạt các dự án kiến trúc và công trình giao thông… làm gia tăng các loại khí nhà kính như: CO2, CH4, CFC, Ozon… tăng khả năng hấp thụ nhiệt của môi trường khí quyển, làm cho nhiệt độ đô thị tăng cao.
Hiệu ứng nhà kính gây tác hại trực tiếp đến môi trường sống và tuổi thọ của con người, như vào mùa hè, ngoài trời nắng có thể lên đến 45oC, gây sốc nhiệt cho trẻ em và người cao tuổi, làm hệ miễn dịch suy giảm, ảnh hưởng đến tuổi thọ của con người, chưa kể đến chất lượng không khí giảm sút, thường xuyên ở mức nguy hại bởi bụi PM2.5, PM10 làm ảnh hưởng xấu đến đường hô hấp, các vấn đề tim mạch, tăng nguy cơ đột quỵ…
Để giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, cải thiện môi trường sống cho con người, không gian xanh (KGX) trong đô thị là yếu tố cực kỳ quan trọng.
Vậy KGX là gì? Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), KGX là một phạm trù rộng, bao gồm: cây xanh trên hè phố, công viên, thảm cỏ, cây xanh, bồn hoa trong khuôn viên nhà ở, công trình công cộng, lâm viên, dải cây xanh bao quanh thành phố, mặt nước sông, hồ, đầm trong đô thị…
KGX ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe thể chất của con người, việc tiếp xúc với cây xanh có thể tăng khả năng sáng tạo, năng suất và hiệu suất làm việc. Thảm thực vật loại bỏ hóa chất và lọc các hạt vật chất, nitơ dioxide, lưu huỳnh dioxide và carbon monoxide khỏi không khí. KGX làm giảm ô nhiễm tiếng ồn, vốn gây căng thẳng, ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người nhất là người già và trẻ em. KGX, cây xanh tạo bóng râm, làm chệch hướng bức xạ mặt trời, làm giảm nhiệt độ không khí dưới vùng cây xanh và tăng độ ẩm cho bầu khí quyển từ 2% - 5%.
Trong một nghiên cứu của WHO về mối tương quan giữa hạnh phúc và tương tác với thiên nhiên đã cho thấy, những người thường xuyên tương tác với thiên nhiên, sống cùng thiên nhiên sẽ cảm thấy cuộc sống tràn đầy năng lượng hơn, hạnh phúc hơn. Còn trong bệnh viện, những bệnh nhân có thói quen ngồi bên cửa sổ ngắm nhìn cảnh quan xung quanh nơi có nhiều cây xanh, rực rỡ sắc hoa sẽ cần ít thuốc giảm đau hơn, lành bệnh nhanh hơn và xuất viện nhanh hơn so với những người nằm ở phòng bệnh không có cửa sổ, hoặc cửa sổ mở ra không gian hẹp, chỉ thấy tường với tường. Và đó chính là lý do vì sao ngày nay, trong khuôn viên những cơ sở y tế lớn trên thế giới, các “khu vườn chữa bệnh” đang ngày càng được quan tâm và phát triển.
KGX cũng có tác động cải thiện sức khỏe tinh thần, giúp con người có cái nhìn lạc quan hơn khi bị mất việc làm; mất kết nối với đồng nghiệp, bạn bè, gia đình và các vấn đề liên quan đến pháp luật. KGX tạo điều kiện để con người và cộng đồng giao lưu, gắn kết với nhau, xây dựng mối quan hệ lành mạnh và mang lại sự thư giãn cho con người sau thời gian làm việc, học tập mệt mỏi, căng thẳng. KGX cũng thu hút mọi người hoạt động thể thao như đi bộ, chạy bộ, đạp xe…để nâng cao sức khỏe.
Không gian xanh là một phạm trù rộng, bao gồm: cây xanh trên hè phố, công viên, thảm cỏ, cây xanh, bồn hoa trong khuôn viên nhà ở, công trình công cộng, lâm viên, dải cây xanh bao quanh thành phố, mặt nước sông, hồ, đầm trong đô thị...
Trong một nghiên cứu của WHO về mối tương quan giữa hạnh phúc và tương tác với thiên nhiên đã cho thấy, những người thường xuyên tương tác với thiên nhiên, sống cùng thiên nhiên sẽ cảm thấy cuộc sống tràn đầy năng lượng hơn, hạnh phúc hơn...
Gần đây, Google đã đầu tư hơn 2 tỷ USD để đưa thiết kế nội thất xanh thân thiện với môi trường, với con người vào văn phòng Manhattan của họ. Với đô thị, KGX giúp chống lại nhiệt độ tăng cao - một vấn đề đang gia tăng do quá trình đô thị hóa, xây dựng hóa ngày càng tăng với việc lớp phủ đất tự nhiên bị phá hủy. Các vấn đề đã và đang xảy ra trong quá trình đô thị hóa, dẫn đến ô nhiễm không khí gia tăng, nguy cơ mắc bệnh/ tử vong ở những nhóm dân số dễ bị tổn thương, số lượt đến bệnh viện tăng lên trong thời tiết nắng nóng khắc nghiệt...
Người ta đã tính toán, một cây xanh đô thị có tán rộng sẽ hấp thụ 25kg CO2/năm. Cây xanh có khả năng lưu giữ một phần nước mưa trên cây, giữ cho mặt đất xốp cùng với hệ rễ cây đâm sâu xuống đất giúp cho nước mưa thẩm thấu nhanh xuống đất, làm giảm tình trạng úng ngập trong đô thị. Cũng nhờ tính năng này mà ở vùng trung du và miền núi, rừng cây có tác dụng điều hòa nước mưa, làm giảm xói lở đất, giảm lũ tràn, lũ ống, lũ quét. Nhờ tạo ra các khoảng trống trong đất, hệ rễ cây góp phần quan trọng trong việc dự trữ mạch nước ngầm cho mùa khô. Tán lá rộng lớn của cây xanh có khả năng điều tiết nhiệt độ, giảm sự bốc hơi của nước, từ đó, góp phần cải thiện tình trạng hạn hán ở nhiều địa phương. Và như thế, KGX, công viên, cây xanh, hạ tầng xanh không chỉ giúp các đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu; cải thiện môi trường không khí và nước; bảo vệ đa dạng sinh học mà còn mang lại lợi ích sức khỏe cộng đồng.
Cần tính lại bài toán cho cây
Miền Bắc nước ta vừa trải qua siêu bão số 3 (Yagi) với cường độ lên tới cấp 13 - 14, giật cấp 16 - 17 gây mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, lở đất trên phạm vi rộng lớn gồm 20 tỉnh, thành phố gây thiệt hại vô cùng lớn về người, nhà cửa, tài sản của nhân dân, của Nhà nước. Nhiều đô thị bị ngập lụt, hàng vạn cây xanh bị gãy đổ, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến mọi hoạt động của xã hội, tác động xấu đến môi trường sống của không ít đô thị.
Theo thống kê chưa đầy đủ, Hà Nội có hơn 40.000 cây xanh bị gẫy đổ. Còn tại Hải Phòng, có 22.000 cây bị gẫy đổ. Trong số hàng vạn cây bị gãy đổ nói trên có hàng trăm cổ thụ, cây trồng từ 40 - 50 năm, nhiều cổ thụ gắn liền với các di sản kiến trúc văn hóa lịch sử và đời sống của nhiều thế hệ cư dân đô thị. Đây là điều rất đau xót! Bởi hiện nay, các đô thị Việt Nam, trong đó có Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh… tỷ lệ cây xanh mới đạt ở mức 2 - 3m2/người. Trong khi đó, chỉ tiêu cây xanh tối thiểu theo quy định của Liên hợp quốc là 10m2/người, còn các đô thị hiện đại trên thế giới là 20 - 25m2/người. Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị cũng đã khẳng định vai trò quan trọng của cây xanh đô thị, với mục tiêu đề ra là đến năm 2025, diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6 - 8 m2/người; đến năm 2030 đạt khoảng 8 - 10 m2/người. Và nếu được như thế, chúng ta vẫn còn một khoảng cách khá xa so với chỉ tiêu cây xanh đô thị của nhiều nước hiện đại trên thế giới.
Gần 40 năm qua, cùng với tốc độ đô thị hóa, hạ tầng giao thông đô thị nước ta cũng được cải tạo, nâng cấp mở rộng. Hàng ngàn vạn công trình kiến trúc mới được xây dựng trong không gian đô thị. Trong khi đó, KGX, trong đó có hệ thống cây xanh đô thị vẫn còn trong tình trạng ít về số lượng, chủng loại và chất lượng cây trồng, chưa phù hợp với cảnh quan kiến trúc, chưa thật sự tạo dựng nét đặc trưng, bản sắc riêng cho các đô thị.
Thực trạng cây xanh ở Hà Nội bị gãy đổ do bão số 3 gây ra đã cho thấy những lỗ hổng trong công tác quản lý, trồng mới, bảo dưỡng và chăm sóc cây xanh đô thị. Đã đến lúc các đô thị lớn cần phải đổi mới biện pháp quản lý, áp dụng khoa học kỹ thuật chuyên ngành về quy hoạch, trồng, chăm sóc cây xanh đô thị. Không chỉ tăng số lượng cây xanh theo tiêu chuẩn quy định, mà còn phải đảm bảo chất lượng mỗi loại cây trồng phù hợp trong đô thị với hệ sinh thái, điều kiện tự nhiên, đặc điểm thổ nhưỡng, bản sắc riêng của từng đô thị.
Những năm qua, Hà Nội là thành phố có nhiều cố gắng phát triển cây xanh đô thị, với Chương trình trồng 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016 - 2020, hay giai đoạn 2021 - 2025, trồng 500.000 cây xanh đô thị. Tuy nhiên vì nhiều lý do, mục tiêu trên chưa thể hoàn thành. Những bất cập trong việc phát triển cây xanh đô thị đã kéo dài nhiều năm, vì vậy, đã đến lúc chính quyền đô thị cần lắng nghe ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp và thiết kế cảnh quan kiến trúc.
Có thể tạo ra nhiều KGX khác nhau, bao gồm cả những lô đất trống, các dự án treo chưa được sử dụng hết, hoặc hoàn toàn chưa được sử dụng trong nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước. Những “khu vườn cộng đồng” sẽ xuất hiện tại đây, như bãi Phúc Xá, Phúc Tân ở Hà Nội là ví dụ. Đó cũng là việc làm thiết thực, chống lãng phí nguồn lực, đất đai mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra trong một bài viết quan trọng của người đứng đầu Đảng gần đây.
Cây trồng trên hè phố phải là cây tạo tán xanh phủ rộng, tuổi thọ dài, không cao, cây có hoa như cây sở, muồng vàng, trà đỏ, trà bạch. Bên cạnh những loại cây còn tồn tại từ thời Pháp thuộc, thì trên các đường phố của Hà Nội mới cũng cần hạn chế trồng các loại cây có tính hướng quang cao như xà cừ, lim xẹt, phượng vĩ, sọ khỉ, bò cạp nước… những loại cây này thường bị lệch tán, nghiêng ra đường hoặc nơi có không gian rộng, nên có nguy cơ gãy đổ cao trong mùa mưa bão. Việc trồng, chăm sóc cây xanh, cắt tỉa cành phải làm thường xuyên, quanh năm và có kỹ thuật, chứ không phải chặt hạ cành tùy tiện.
Cây xanh như đời người, có trưởng thành, già cỗi bệnh tật, vì thế cần được quan tâm chăm sóc, tăng cường vi dưỡng, chống sâu đục thân, những cây lâu năm, kể cả cổ thụ nếu quá già cỗi, không có khả năng hồi phục thì cương quyết phải cắt bỏ, trồng cây mới cùng chủng loại thay thế, để đảm bào an toàn cho cư dân và hoạt động trên đường phố.
Xét về mặt đa dạng sinh học thì hiện nay cơ cấu các loài cây cảnh quan đô thị ở Hà Nội còn quá đơn điệu, chỉ có khoảng gần 30 loại cây chiếm tỷ trọng tối đa trên 100 loại cây theo thống kê của thành phố. Nhìn rộng ra, cây xanh ở đô thị nước ta hiện nay chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ cũng như cân bằng hệ sinh thái. Tại các vùng đô thị hóa nhanh, chưa có vành đai xanh để bảo vệ môi trường. Hệ thống cây xanh mới hình thành, tập trung tại các đô thị lớn và trung bình, còn tại các đô thị nhỏ, cây xanh chiếm diện tích không đáng kể. So với các tiêu chuẩn và quy chuẩn thì tỷ lệ diện tích đất dành cho cây xanh còn rất thấp.
Khi quy hoạch xây dựng Hà Nội theo kiểu đô thị châu Âu vào năm 1886 của thế kỷ 19, năm 1890, người Pháp đã cho thành lập vườn Bách Thảo, là nơi ươm, trồng các loại cây du nhập từ châu Phi, châu Âu và cây bản địa. Từ đó, các nhà quy hoạch Pháp đã lựa chọn loại cây phù hợp với thổ nhưỡng để trồng trên mỗi đường phố của Hà Nội để lấy bóng mát và tạo kiến trúc cảnh quan, đặc điểm riêng, như xà cừ trên các đường phố Hoàng Diệu, Phó Đức Chính, Hoàng Hoa Thám; trồng sấu trên các phố Phan Đình Phùng, Hai Bà Trưng; trồng sao đen trên Phố Lò Đúc;... Việc quản lý trồng cây trong đô thị cũng được quy định chặt chẽ, chỉ các phố có vỉa hè rộng từ 3m trở lên mới được trồng cây; cây phải có bóng mát, đảm bảo mỹ quan, không có nhựa và khí độc hại, không gẫy, đổ khi gặp gió bão vừa phải.
Ngày nay, ở Hà Nội, hay TP. Hồ Chí Minh, nhiều hàng cây xanh có tuổi đời vài chục năm, thậm chí cả trăm năm, nhưng bình thường hầu như ít bị gẫy đổ, chủ yếu là gẫy cành. Những cây đổ, bật gốc khi có dông, bão là do già cỗi, thân bị mục, ruỗng, sâu bệnh. Bên cạnh đó, vấn đề nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ cây xanh cũng chưa được quan tâm. Theo ông Fumihisa Miyoshi - chuyên gia cao cấp về phát triển đô thị của Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), việc các đô thị Việt Nam thiếu cây xanh có nguyên nhân từ ý thức con người, từ người quy hoạch/quản lý cho đến người dân, trong việc phát triển và gìn giữ môi trường xanh.
Quy hoạch và quản lý đô thị ở nước ta vẫn còn bị ảnh hưởng của tập quán bao cấp, chủ yếu dựa vào các nguyên tắc thiết kế tĩnh, thiếu linh hoạt theo hướng thị trường, trước BĐKH. Việc phát triển hệ thống cây xanh trong đô thị không thể chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước, mà rất cần sự hỗ trợ, tham gia, đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân, theo tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Cần phải để người dân đô thị hiểu rằng, giữ gìn, chăm sóc, bảo vệ KGX, cây xanh, công viên, mặt nước sông hồ… nơi họ sống, làm việc là bảo vệ môi trường sống vì chính lợi ích của bản thân, gia đình họ và của cả cộng đồng cư dân đô thị, góp phần tạo nên môi trường sống hạnh phúc, đô thị hạnh phúc và phát triển bền vững.
Phủ lấp không gian xanh chống lãng phí nguồn lực đất đai
Chúng ta đang trong thời kỳ phát triển mới với chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, đô thị xanh, trí tuệ nhân tạo (AI) và Net Zero tất cả đều hướng tới phát triển bền vững. Phát triển đô thị bền vững thích ứng với BĐKH, vì môi trường sống an toàn bền vững cho con người là xu thế tất yếu mà trong đó không thể thiếu KGX, cây xanh đô thị. Giải quyết các vấn đề lâu dài để mọi người dân trong đô thị có quyền tiếp cận bình đẳng với KGX là vấn đề khó và đòi hỏi phải có sự thay đổi mang tính hệ thống.
Byron Sampson - Kiến trúc sư cảnh quan, giáo sư Đại học Arizona, nói: "Khi bắt đầu lập dự án phát triển không gian đô thị và vùng ngoại ô, các nhà quy hoạch và kiến trúc sư cần phải thống nhất về giá trị cao nhất mà KGX có thể đạt được từ dự án". Những người chịu trách nhiệm quản lý xây dựng không gian cho cộng đồng phải tôn trọng nhu cầu chính đáng của cộng đồng cư dân, cho dù họ xây dựng nhà ở, nhà công nghiệp, công trình dịch vụ thương mại hay giải trí… đều có quyền lựa chọn về lượng KGX mà họ muốn đưa vào. Và nếu điều đó giúp gia tăng sức khỏe và phúc lợi của cộng đồng cũng như tính thẩm mỹ chung cho cảnh quan đô thị thì rất cần sự ủng hộ, hỗ trợ hiệu quả của chính quyền đô thị.
Hiện nay, chúng ta không chỉ thiếu KGX, mà rất nhiều KGX trong đô thị và ngoài đô thị chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều công viên, vườn hoa, sông, hồ bị ô nhiễm. Nhiều cây xanh đường phố còn nghèo nàn về chủng loại, yếu kém về chất lượng cây trồng. Trong khi đó, KGX có thể được tạo ra tại nhiều loại không gian khác nhau, bao gồm cả những lô đất trống, các dự án treo chưa được sử dụng hết, hoặc hoàn toàn chưa được sử dụng trong nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước. Những khu vườn cộng đồng sẽ xuất hiện tại đây, mà bãi Phúc Xá, Phúc Tân ở Hà Nội là ví dụ. Và đó cũng là việc làm thiết thực, chống lãng phí nguồn lực, đất đai mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra trong một bài viết quan trọng của người đứng đầu Đảng gần đây.