Bản Hòa Âm Rừng Tre Ban MaiKỳ 2: Lan tỏa ý thức xanh
(TN&MT) - Năm 2021 là năm có ý nghĩa quan trọng của người nông dân Lê Thanh Sơn, biệt danh Sơn Núi, khi anh quyết định đứng ra thành lập Hợp tác xã Măng tre tứ quý Tân Phước.
Lúc này diện tích đồi trọc đã phủ tre của anh vừa cán mốc 25 hecta, sản phẩm cây tre và măng tre của anh đã được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Phần tác động quan trọng đồng thời là lúc này thị xã La Gi của anh vừa được Bộ Xây dựng công nhận đô thị loại III, cả thị xã đang hồ hỡi, phấn khởi với một kế hoạch chung là phát triển đô thị tổng hợp, phấn đấu lên đô thị loại II.
Do khu vườn tre của Sơn Núi gần các khu du lịch Đồi Dương- Hòn Bà, Cam Bình, Dinh Thầy Thiếm… nên anh nghĩ đến cách phát triển rừng tre của mình và của các xã viên không chỉ dừng lại là vùng nguyên liệu tre mà còn phát triển thành những khu du lịch sinh thái an lành, hiền hòa, có góc rừng tĩnh lặng cho người thiền, có khoảnh rừng xôn xao, mát mẽ cho học sinh cắm trại, du khách nghỉ dưỡng. Anh đang hướng đến một vành đai xanh rộng dài hơn, sạch sẽ, ấn tượng hơn, theo chứng chỉ rừng bền vững CoC, mang tính cộng đồng, mang lại lợi ích nhiều hơn, thiết thực hơn cho làng xóm, cho thị xã. Sơn Núi ngày đêm dành thời gian đến với những người xung quanh, anh chân tình, nhiệt tâm và kiên nhẫn thực hiện ước mơ lan tỏa về ý thức xanh, về môi trường xanh và phát triển xanh. Anh tin ý thức xanh của mọi người khi đã trở thành nếp quen, thói quen và đầu tư phát triển đúng hướng thì mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống, nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân xung quanh là chuyện trong tầm tay.
Muốn vậy, một người không thể làm được, phải có sự chung tay của cộng đồng, của số đông những người nông dân. Khởi đầu dưới hình thức hợp tác xã, phát triển rộng ra các tổ hợp tác trồng tre và xây dựng chuỗi liên kết giữa người dân, Hợp tác xã với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Anh sẽ đóng vai trò là người hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm, cung cấp giống và bao tiêu toàn bộ sản phẩm, kể cả phụ phẩm cho bà con.
Không chỉ có cơ xưởng chế biến các sản phẩm măng tre, cơ xưởng sản xuất than hoạt tính và các phụ phẩm như hiện tại, Sơn Núi còn ước mơ xuất khẩu măng sạch theo tiêu chuẩn thị trường châu Âu, Mỹ, sẽ có được nhà máy sản xuất đũa tre và khu sản xuất các mặt hàng thủ công- mỹ nghệ xuất khẩu từ thân tre, gốc tre, đưa cây tre bình thường, quen thuộc trở thành chất liệu nghệ thuật thân thiện, giúp cho hành trình trở về thiên nhiên, hòa với thiên nhiên nhanh hơn.
Khởi đầu của cuộc vận động Hợp tác xã chỉ có 11 hộ nông dân tham gia, cũng là người Tân Phước, trước đây làm công bán thời gian cho anh, được anh tạo nhiều điều kiện thuận lợi và thuyết phục vào Hợp tác xã. Sau thì số xã viên tăng dần lên, có thu nhập nên đời sống xã viên cũng được cải thiện.
Khi tôi tận mắt quan sát những xã viên đang cho những những phụ phẩm lá cành tre vào máy xay ra bột thực phẩm của dê, cừu thì bà Nguyễn Thị Hồng, một xã viên nhiệt tâm khoe: “Năm 2022, anh Sơn Núi, (tức Lê Thanh Sơn), một trong số ít nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2017 – 2022 và được Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen đó anh”.
Quả là một tin vui, một sự thừa nhận, tôn vinh kịp thời, kịp lúc! Tôi hỏi anh Sơn về thông tin này, anh xác nhận đúng như vậy nhưng tính anh chỉ thích làm, không thích khoe khoang nên chưa thổ lộ với tôi niềm vui rất lớn ấy. Anh Sơn cho biết: Tuy chưa vào có sự vào cuộc cụ thể của chính quyền địa phương nhưng anh thường xuyên nhận được những lời động viên của những người có trách nhiệm, mỗi khi anh lập thêm dự án phải vay tiền thì ngân hàng Nông nghiệp địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng. Sự thừa nhận từ các cấp thị xã, tỉnh và các cấp Trung ương đó đã giúp anh tự tin hơn và có thêm động lực để nỗ lực mang lại sự thanh sạch, ổn định về môi trường cho cộng đồng và cũng muốn nhắn nhủ một thông điệp nhẹ nhàng về ý thức xanh, về lợi ích thiết thực của hành trình phát triển xanh.
Một tin vui nữa là tất cả các xã viên hợp tác xã giờ đây đã có thu nhập ổn định, đời sống đủ đầy, nhà cửa khang trang, việc làm ổn định, mọi xã viên đều tất bật “hết ngày chớ không hết việc”. Riêng anh Sơn, thu nhập từ nhiều nguồn của trang trại như than hoạt tính, măng tre, thân tre, dừa, gà, heo, dê, sau khi trừ chi phí, mỗi năm dư gần 2 tỷ đồng. Vợ chồng anh Sơn có hai con: Cháu gái đầu sinh 2005, học năm thứ 2 Đại học Quốc tế của Mỹ, cháu trai sinh năm 2008 đang học phổ thông, giai đoạn này gia đình con cái tương đối ổn đình nên anh toàn tâm toàn lực cho các bước bước phát triển Hợp tác xã Măng tre tứ quý Tân Phước vừa thành lập.
Anh Sơn dẫn tôi đi dạo trong rừng tre, anh giải thích tại sao có “tấm thảm thực vật” ngay dưới chân chúng tôi, đó là các cành tre sau khi cắt tỉa định kỳ, anh đã cho vào máy cắt xay tạo thành thứ phụ phẩm từa tựa bột tre, vừa cung cấp dinh dưỡng cho tre vừa cải tạo lần hồi vùng đất bạc màu, nhiễm phèn nặng này. Tre phát triển nhanh (trong điều kiện lý tưởng có thể phát triển chiều cao 1 m trong 24 giờ) nhưng tre lại không cần phân bón, tự nó che phủ đất dưới gốc bằng cách rụng lá và sử dụng chất dinh dưỡng từ đó. Việc phủ thêm tấm thảm “bột tre” chỉ là hỗ trợ thêm.
Nhân nói đến chuyện chế biến thân tre, anh Sơn giải thích thêm cho tôi nghe về bột than hoạt tính từ cây tre, không chỉ là thành phần quan trọng trong xà bông nó còn được mệnh danh là “kim cương đen” của thầy thuốc ngày xưa. Bột than hoạt tính có tính chất hấp thụ mạnh các loại độc tố, kim loại, giúp làm sáng da, loại bỏ bụi bẩn, độc tố bám sâu trong lỗ chân lông, làm se khít lỗ chân lông, mịn da, chống lão hóa nên được cả thế giới ưa chuộng. Mặt hàng này luôn trong tình trạng “cung không đủ cho cầu”.
Tôi là người viết lâu năm, đi nhiều nơi, trong đó có tham quan nhiều rừng tre nổi tiếng (Cả nước hơn một triệu rưỡi hecta đất trồng tre) nhưng chưa khi nào gặp một người tích cực lan tỏa ý thức xanh như anh Lê Thanh Sơn.
Quay lại câu chuyện ban đầu, tôi hỏi anh có nhiều chi và loài tre, một số loài mang lại giá trị cao như luồng, lùng, trúc, lồ ô, bương, tầm vông, tre gai, anh có định phát triển thêm các loài tre này không?! Sơn Núi vừa cười vừa trả lời: Em chung thủy lắm! Cho tới giờ này, tre tứ quý rất phù hợp và gắn bó thương thiết với Hợp tác xã, em hiểu cây, măng đến từng biểu hiện nhỏ nên chỉ tập trung phát triển loài này thôi.
Tôi ủng hộ anh và tâm tình: trước khi đi viết bài này, tôi có tìm hiểu ý kiến của bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Điều phối viên dự án Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị tre ở Việt Nam: Phân khúc ứng dụng măng là phân khúc lớn thứ hai vào năm 2020 vì măng được coi là một loại thực phẩm quan trọng đối với sức khỏe vì chúng chứa các axit amin, protein cao, vitamin A, vitamin B6, vitamin E, niacin và thiamine… Nghe ý kiến này, anh có thấy tinh thần lạc quan hơn không? Và hướng đi xuất khẩu măng của anh đã tiến hành tới đâu?
Anh vui vẻ hẳn ra với câu hỏi chạm đến nỗi lo toan của mình và cho biết, vừa qua anh đã vinh dự được tiếp bà tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh, chủ làng tre Phú An (xã Phú An, thị xã Bến Cát, Bình Dương) tại đây. Tiến sĩ Mỹ Hạnh đã có nhiều năm hợp tác với 4 đơn vị: Vùng Rhône Alpes (Pháp), UBND tỉnh Bình Dương, Vườn thiên nhiên Pilat (Pháp) và trường Đại học Khoa học Tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh nên rất có kinh nghiệm. Việc tiến hành các bước thủ tục và nguyên liệu về xuất khẩu măng đã được tư vấn cụ thể, Hợp tác xã đang mời một giảng viên đại học am hiểu công việc này làm cố vấn trực tiếp nên chuyến hàng xuất khẩu măng Tứ Quý đầu tiên chỉ trong thời gian ngắn nữa thôi. Nếu thuận lợi, Sơn Núi hứa sẽ dành phần lớn lợi nhuận ấy để mở rộng vành đai tre xanh quanh thị xã và cá huyện lân cận.
Thật sự tôi mừng cho anh, cho Hợp tác xã Măng tre Tứ quý Tân Phước! Từ ý thức xanh đến thực tế phát triển xanh là một quãng đường nhiều khó khăn, gian khổ nhưng giờ đây, trước mắt mọi người một dải rừng tre rộng lớn đã hiển hiện, phủ hết những khu đồi trọc cát vôi bạc màu cũ và tương lai của rừng tre và Hợp tác xã đã khả quan hơn rất nhiều.
Khi được hỏi, ông Nguyễn Trọng Nhân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã La Gi cho biết: Toàn Đảng toàn dân thị xã La Gi đang nỗ lực nâng tầm địa phương lên đô thị loại II một cách thực chất nhất, trong đó các mặt môi trường, kiến trúc và cảnh quan đô thị là vô cùng quan trọng. Việc đầu tư trồng những khu vườn tre như của ông Sơn phù hợp xu hướng phát triển xanh của thị xã trong giai đoạn mới.
Cây tre đóng vai trò rất lớn trong đời sống kinh tế- văn hóa- xã hội nói chung, là nguyên liệu “xanh” góp phần cân bằng phát thải ròng bằng không – net- zero emission, chống xói lở, ổn định môi trường, phát triển du lịch sinh thái, cảnh quan kiến trúc, lưu giữ và bảo tồn các giá trị truyền thống của dân tộc. Tre không chỉ đi vào cuộc sống mà còn chiếm giữ vị trí quan trọng trong tâm hồn mỗi người dân Việt nên hướng đi lên từ cây tre của những người như ông Sơn luôn được địa phương ủng hộ.
Duyên lành nên đã có sự gặp gỡ giữa người viết tâm huyết về môi trường và một người tâm huyết về phát triển xanh, dường như thời gian ngoài kia đang trôi qua quá nhanh, còn biết bao điều chúng tôi chưa kịp bày tỏ, chia sẻ với nhau. Rừng tre xanh xung quanh vẫn đang tràn ngập âm thanh của bản hòa âm thôn dã, bản hòa âm rộn ràng, rạo rực sự sống của rừng- tre- ban- mai.