Đình Lập (Lạng Sơn): Phát triển rừng thích ứng biến đổi khí hậu

Hoàng Nghĩa| 20/12/2022 11:25

(TN&MT) - Với gần 92.000ha rừng, huyện Đình Lập là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Lạng Sơn. Huyện đã hình thành một số vùng rừng sản xuất tập trung, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH).

Đình Lập là huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Lạng Sơn. Để phát huy thế mạnh tài nguyên đất, rừng, khí hậu ưu đãi, thực hiện chính sách giao đất, giao rừng, từ năm 1998 đến năm 2003, Đình Lập đã tiến hành giao hơn 20.500ha đất lâm nghiệp, triển khai thực hiện các dự án PAM, chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc (327), Dự án trồng 5 triệu ha rừng (661), dự án định canh, định cư, đẩy mạnh khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Qua các chính sách, người dân đã thực sự coi rừng là tài sản của mình, đưa công tác quản lý, bảo vệ rừng vào hương ước, quy ước của thôn bản, nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ rừng của mỗi người dân. Năm 2005, gia đình anh Lý Ánh Dương, xã Châu Sơn đã đầu tư trồng 4ha keo. Sau thời gian chăm sóc, khai thác, thấy rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng lên 20ha. Năm 2021 đã cho gia đình anh thu nhập 250 triệu đồng.

5-2-.jpg

Lực lượng chức năng ở Đình Lập tuần tra, bảo vệ rừng.

Ở địa phương khác, gắn bó với nghề trồng rừng nhiều năm, ông Tô Vũ Liên (xã Bắc Xa) chia sẻ: “Trước những năm 1990, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp tự cung, tự cấp. Khi đó, tôi đã tích cực vận động người dân nhận đất, nhận rừng thực hiện các chương trình, dự án. Tôi cũng tiên phong nhận đất, trồng rừng và sau hơn 20 năm, đã trồng, quản lý trên 110ha rừng thông, hồi và hơn 5ha sa nhân dưới tán rừng”.

Từ những tấm gương như ông Liên, Bắc Xa hôm nay đã phủ một màu xanh ngút ngàn của rừng. Mỗi hộ trung bình có trên 10ha rừng, trong đó, 20% - 30% diện tích thông đã đến tuổi khai thác nhựa, đem lại thu nhập trung bình từ 200 - 300 triệu đồng/hộ/năm.

Để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế rừng, những năm qua, Đình Lập đã đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân vay vốn ưu đãi để trồng rừng. Kiện toàn Ban chỉ đạo, ban quản lý bảo vệ, phát triển rừng các cấp để thực hiện các chính sách bảo vệ, phát triển rừng. Hằng năm, mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề về trồng rừng, đẩy mạnh tuyên truyền lồng ghép về phát triển rừng, giao chỉ tiêu trồng rừng cho từng xã, thị trấn.

5-3-.jpg

Người dân Đình Lập tích cực trồng và chăm sóc rừng.

Theo lãnh đạo huyện Đình Lập, phong trào trồng rừng đã lan tỏa tới các xã của huyện, đến từng hộ dân, thôn, bản. Tính riêng giai đoạn 2017 - 2021, toàn huyện đã trồng mới trên 6.700ha rừng, hình thành một số vùng rừng kinh tế như vùng thông tại các xã Đình Lập, Cường Lợi, Bắc Xa, Bính Xá, Thái Bình, Kiên Mộc… với diện tích 50.000ha; vùng keo tại các xã Châu Sơn, Bắc Lãng… với diện tích 12.000ha. Diện tích đất trống, đồi trọc giảm mạnh, độ che phủ rừng đạt 76,2%, góp phần bảo vệ nguồn nước, nguồn sinh thủy cho các hồ đập, chống xói mòn, thoái hóa đất, hạn chế nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 của huyện Đình Lập tiếp tục xác định rõ: Đẩy mạnh trồng rừng, ưu tiên các địa bàn xung yếu, dễ bị hoang mạc hóa, đặc biệt là những khu vực rừng phòng hộ, tránh để rừng “biến mất”. Quản lý, bảo vệ rừng theo quy chế quản lý rừng phòng hộ, bảo vệ nghiêm ngặt toàn bộ diện tích rừng phòng hộ là rừng tự nhiên. Kiểm soát chặt chẽ quy trình khai thác với rừng phòng hộ là rừng trồng, trồng rừng mới trên toàn bộ diện tích đất rừng phòng hộ chưa có rừng tại các vị trí phòng hộ xung yếu, cắm mốc ranh giới đất lâm nghiệp quy hoạch cho rừng phòng hộ.

Thực hiện Đề án Phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 - 2030, từ năm 2020 đến nay, Lạng Sơn đã triển khai cấp thí điểm chứng chỉ rừng bền vững cho trên 4.500ha rừng keo của 42 nhóm hộ, với tổng số 45 hộ trên địa bàn 5 xã Bắc Lãng, Châu Sơn, Bắc Xa, Kiên Mộc, Đình Lập thuộc huyện Đình Lập. Qua đó, nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng gỗ, lâm sản ngoài gỗ từ rừng, cũng như góp phần thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao trách nhiệm cộng đồng về bảo vệ rừng.

Trang bị hệ thống thiết bị, kỹ thuật, nâng cao năng lực trình độ chuyên môn để theo dõi diễn biến hiện trạng, tài nguyên rừng bằng công nghệ viễn thám, hệ thống thông tin địa lý (GIS), nhằm giám sát kịp thời, đầy đủ diễn biến hiện trạng, tài nguyên rừng. Trang bị bổ sung, nâng cấp hệ thống thiết bị, công nghệ và năng lực trình độ chuyên môn để thực hiện dự báo nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm đám cháy, kiến thiết cơ sở hạ tầng (đường lâm nghiệp tiếp cận các khu vực rừng trọng điểm; hệ thống hồ, đập, bể chứa nước để chữa cháy rừng), phổ biến rộng rãi kỹ năng chữa cháy rừng để sẵn sàng ứng phó hiệu quả. Xây dựng chính sách giao bảo vệ rừng phòng hộ nơi xung yếu, rừng phòng hộ đầu nguồn, ưu tiên quỹ đất và ưu đãi tài chính trong việc trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc, thích ứng BĐKH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đình Lập (Lạng Sơn): Phát triển rừng thích ứng biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO