Hoạt động cụ thể nhất là 2 chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia phục vụ ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và môi trường.
Biến đổi khí hậu và suy giảm tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường là hai chủ đề đang được đặc biệt quan tâm tại Việt Nam trong thời gian vừa qua. BĐKH làm gia tăng những hiểm họa từ khí hậu như thiên tai, làm suy giảm năng suất, và ảnh hưởng tiêu cực đến các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội. Tương tự, phát triển kinh tế một cách nhanh chóng, thiếu bền vững trong quá khứ tại Việt Nam đã dẫn đến suy giảm tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường.
Theo TS. Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT, khí hậu đã có những thay đổi rõ nét trong những thập kỉ gần đây tại Việt Nam. Nhiệt độ trung bình năm thời kỳ 1958-2018 đã gia tăng khoảng 0,89°C. Cùng với sự gia tăng của nhiệt độ, các hiện tượng thời tiết cực đoan khác cũng đã gia tăng về tần suất và cường độ.
Cụ thể, hạn hán đã xuất hiện thường xuyên hơn trong mùa khô; số lượng bão mạnh đã gia tăng; số ngày rét đậm, rét hại mặc dù có xu thế giảm nhưng xuất hiện những đợt rét dị thưởng. Những thay đổi này được dự kiến sẽ ngày càng trở nên khốc liệt hơn theo các kịch bản đã được Bộ TN&MT công bố.
Rào chắn sóng bảo vệ bờ biền khu vực Mũi Rảnh (Kiên Giang). Ảnh: TTXVN |
TS. Nguyễn Tuấn Quang cho biết: Bên cạnh những thách thức do BĐKH, Việt Nam còn phải đối mặt với những thách thức về tài nguyên và môi trường. Hiện trạng khai thác tài nguyên một cách triệt để trong quá khứ đã làm hủy hoại nhiều hệ sinh thái và làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên của Việt Nam. Song song với khai thác và sử dụng không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, việc ưu tiên các hoạt động phát triển kinh tế và xem nhẹ bảo vệ môi trường trong quá khứ cũng đã để lại nhiều hậu quả nặng nề.
Đứng trước những thách thức về BĐKH và quản lý tài nguyên và môi trường, Việt Nam đã sớm có những hoạt động cụ thể nhằm ứng phó với BĐKH, quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trưởng. Hoạt động cụ thể nhất là hai chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia phục vụ ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và môi trưởng. Bên cạnh hai chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ cấp Quốc gia về ứng phó với biển đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường, nhiều chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ khác cũng đã được triển khai tại Việt Nam.
“Có thể kể đến các chương trình khoa học công nghệ cấp Quốc gia khác phục vụ phát triển kinh tế xã hội các vùng miền trên cả nước, điển hình như Chương trình Khoa học và công nghệ cấp Quốc gia phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây nguyên (Chương trình Tây nguyên 3), Chương trình Khoa học và công nghệ cấp Quốc gia phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nam Bộ, các chương trình khoa học công nghệ cấp Bộ…” - TS. Nguyễn Tuấn Quang cho biết.
TS. Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT. Ảnh: Khánh Ly |
“Các hoạt động nghiên cứu khoa học về cơ bản đã đạt được nhiều thành tựu trong cung cấp cơ sở khoa học và thông tin phục vụ việc hoạch định chính sách cũng như thực hiện các hành động cụ thể ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ, nhiều thiếu hụt và khoảng trống tri thức cũng đã dần được bộc lộ. Các thiếu hụt này nếu không được xem xét một cách đầy đủ và được lấp đầy thì sẽ làm suy giảm khả năng chủ động ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và môi trường tại Việt Nam” - TS. Nguyễn Tuấn Quang cho biết thêm.
Theo TS. Nguyễn Tuấn Quang, trên cơ sở đó, cần phân tích hiện trạng và thách thức trong ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và môi trường tại Việt Nam, đánh giá những nỗ lực trong nghiên cứu khoa học công nghệ trong ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và môi trường để từ đó đưa ra nhận định về những thiếu hụt trong nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Từ chỗ xác định được các thiếu hụt trong nghiên cứu khoa học và công nghệ, đưa ra định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và môi trường trong giai đoạn tiếp theo tại Việt Nam. Những định hướng này sẽ là cơ sở thông tin cho các nhà quản lý sử dụng để xây dựng các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phù hợp nhất.