Diện tích 1 mảnh đất liên tục 'nhảy múa', chủ đất nhiều năm đi kiện

12/11/2017 00:00

(TN&MT) - Số liệu diện tích một mảnh đất tại Tiền Hải "nhảy múa" nhiều lần qua các năm. Theo đó, chủ thửa đất cũng nhiều năm đội đơn đi kiện nhưng mọi chuyện...

(TN&MT) - Số liệu diện tích một mảnh đất tại Tiền Hải "nhảy múa" nhiều lần qua các năm. Theo đó, chủ thửa đất cũng nhiều năm đội đơn đi kiện nhưng mọi chuyện chưa ngã ngũ.
 
Mới đây báo Tài Nguyên & Môi trường nhận được đơn thư của ông Vũ Văn Luận (hiện ở quận sơn Trà, TP. Đà Nẵng) tố cáo chính quyền làm sai khiến đất của gia đình ông tại xã Phương Công (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) bị mất một cách vô lý.
 
Vào cuộc tìm hiểu, chúng tôi ghi nhận, trải qua nhiều năm, diện tích của mảnh đất này "nhảy múa" liên tục. Đến nay, vẫn chưa có 1 con số cuối cùng đối với mảnh đất. Thậm chí, theo tìm hiểu tại Phòng TN&MT huyện Tiền Hải, đây không phải là trường hợp duy nhất diện tích đất bị thay đổi qua các năm.
 
Theo đơn của ông Luận, năm 1995, ông Vũ Văn Thiềm (bố ông Luận) được UBND huyện Tiền Hải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng một mảnh đất ao là 590m2. 
 
Năm 2011, sau nhiều năm xa quê, ông Luận về Thái Bình thì phát hiện khu đất ao nhà mình ở xã Phương Công bị biến dạng, bé đi không được như trước. Ông Luận đã làm đơn ra UBND xã Phương Công xin đo lại thì khu đất ao chỉ còn lại là 471m2, thiếu 119m2. Ông Luận đã liên tục làm đơn đến nhiều cơ quan ban ngành về việc đất ao bị mất. Ông cũng đã khởi kiện ra tòa nhưng nhiều lần bị tòa bác đơn và cho rằng ông Luận không có cơ sở.
 
Không đồng ý với các quyết định trên, ông Luận tiếp tục làm đơn đến các cơ quan có thẩm quyền cũng như truyền thông báo chí.  Làm việc với PV, lãnh đạo UBND xã Phương Công và UBND huyện Tiền Hải đã đưa ra rất nhiều văn bản, giấy tờ, sổ sách thể hiện mảnh đất của gia đình ông Luận có diện tích không giống nhau. Theo Giấy CNQSD đất được cấp năm 1995 (Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải ký), ông Thiềm (bố ông Luận) được cấp các loại đất ở, đất 2 lúa, trong đó đất ao là 590m2.
 
Diện tích đất mà ông Luận cho là bị lấn chiếm.
Diện tích đất mà ông Luận cho là bị lấn chiếm.
 
Cán bộ địa chính xã Phương Công lại đưa ra sổ mục kê năm 1984 (cán bộ địa chính nói là năm 1984, sổ không ghi rõ) thể hiện rằng đất ao của nhà ông Thiềm chỉ 300m2. Bên cạnh đó có thêm 250m2 đất "Thổ" (đất ở) và 155m2 đất "ĐM" (đất màu - PV). Đến sổ mục kê và bản đồ năm 1990, diện tích ao của nhà ông Thiềm cũng thể hiện rõ 590m2.
 
Tuy nhiên, cán bộ địa chính xã lại cung cấp thêm một quyển sổ dã ngoại (năm 1995) và cho rằng có sự không thống nhất giữa đo đạc và cấp sổ. Cuốn sổ này ghi diện tích ao chỉ là 431m2 với chữ ký của ông Thiềm bằng nét mực xanh.
 
Cán bộ xã nói rằng: Có thể cán bộ địa chính xã ngày đó (đã chết) đo một kiểu nhưng lại ghi nhầm diện tích từ năm 1990 dẫn đến cấp sổ đỏ nhầm. Năm 2011, sau khi ông Luận khiếu nại, UBND xã Phương Công đã đo lại mảnh đất ao này. Lúc này, diện tích mảnh đất ao lại được công bố là 471m2.
 
Trao đổi với PV, ông Đặng Văn Tuấn (Phó Chủ tịch UBND xã Phương Công) cũng như ông Trần Quang Cảnh (Phó Phòng Tài Nguyên và Môi Trường huyện Tiền Hải) cho rằng, việc đo đạc và cấp sổ ngày đó đã có sự nhầm lẫn. Theo ông Tuấn, có thể cán bộ địa chính ghi nhầm số thửa thành số diện tích hoặc lấy diện tích năm 1990 ghi vào sổ năm 1995. Khi cấp giấy chứng nhận điền số đo của bản đồ năm 1990. Nhưng thực tế bản đồ năm 1995 lại khác. "Xã đã báo cáo lên UBND huyện Tiền Hải xem xét để đảm bảo quyền lợi cho người dân." - Ông Tuấn nói.
 
Ông Trần Quang Cảnh lại nói rằng: "UBND huyện cấp GCNQSD đất vào năm 1995 có những sai sót chứ không phải cứ cấp là đúng hết. Thời kỳ đó đồng loạt cấp sổ đỏ ở tỉnh Thái Bình nói chung và UBND huyện nói riêng". Ông Cảnh khẳng định: Việc cấp sổ cho nhà ông Luận có sai sót. Thời điểm đó theo đề án của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, UBND huyện Tiền Hải đã cấp được 84% cho các hộ gia đình trên địa bàn. Nhà ông Luận cũng không phải là trường hợp duy nhất. "Gia đình ông Luận có thể nộp lại sổ đỏ cũ để UBND huyện Tiền Hải cấp sổ mới theo đúng quy định của nhà nước", ông Cảnh nói.
 
Tuy nhiên, ông Vũ Văn Luận cho rằng, sổ đỏ của gia đình ông được cấp năm 1995 là văn bản có tính pháp lý cao nhất. Việc cấp GCNQSD đất này được nhà nước bảo hộ và đảm bảo quyền lợi. Gia đình ông phải được trả lại đúng diện tích đất được cấp quyền. Mặt khác, ông Luận khẳng định, ông đã sinh ra lớn lên ở đây, mảnh đất ao của gia đình dài rộng thế nào ông biết rõ. Ông nhận thấy mảnh đất của mình đã bị thay đổi so với trước đây. Vì vậy, ông rất mong cơ quan có thẩm quyền làm rõ.
 
Thái Bảo - Ngọc Vân
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Diện tích 1 mảnh đất liên tục 'nhảy múa', chủ đất nhiều năm đi kiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO