Việt Nam có tên trong danh sách 10 thị trường điện gió trên bờ hàng đầu và 5 thị trường điện gió ngoài khơi hàng đầu, tính theo công suất lắp đặt mới vào năm 2021.
Năm của điện gió ngoài khơi
Tốc độ tăng trưởng điện gió hằng năm 12% của năm 2021 chỉ thấp hơn năm 2020. Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy khả năng phục hồi nhanh chóng và quỹ đạo đi lên của ngành điện gió toàn cầu.
Trong khi hai thị trường lớn nhất thế giới, Trung Quốc và Hoa Kỳ, lắp đặt mới công suất điện gió trên bờ lần lượt là 30,7 GW và 12,7 GW – giảm so với năm 2020 thì các khu vực khác đều tăng kỷ lục. Châu Âu, Châu Mỹ Latinh và Châu Phi & Trung Đông đã tăng công suất lắp đặt điện gió trên bờ mới lần lượt là 19%, 27% và 120%.
Năm 2021 cũng là năm thành công nhất của thị trường điện gió ngoài khơi với 21,1 GW công suất được đưa vào hoạt động, tăng gấp ba lần so với năm trước. Trong đó, Trung Quốc chiếm đến 80%, giúp nước này vượt qua Vương quốc Anh để trở thành thị trường điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới về công suất lắp đặt tích lũy.
Tác động của đại dịch COVID-19 khá rõ ràng khi nhiều dự án ở Mỹ, Ấn Độ và Đài Loan chưa thể đi vào vận hành. Tuy nhiên, các hoạt động đấu giá vào năm 2021 đã chứng minh rằng, nhiều quốc gia vẫn lựa chọn chiến lược tăng cường triển khai điện gió. Công suất được đấu giá đã tăng 153% so với năm 2020, với 88 GW trên toàn cầu. Điện gió trên bờ chiếm 69 GW (78%) trong số đó, và công suất điện gió ngoài khơi là 19 GW.
Động lực đến từ các cam kết phát thải ròng bằng 0, cùng với sự cấp bách đổi mới để đạt được mục tiêu an ninh năng lượng, triển vọng thị trường đối với ngành điện gió toàn cầu thậm chí còn khả quan hơn. Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định, điện gió đang có quỹ đạo tăng trưởng tích cực, nhưng chưa đủ nhanh và mức độ bao phủ cũng chưa đủ rộng để thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu một cách an toàn và bền vững.
Trong 5 năm tới, 557 GW công suất mới dự kiến sẽ được bổ sung, tương đương hơn 110 GW công suất lắp đặt mới mỗi năm cho đến năm 2026. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này cần phải tăng gấp 4 lần vào cuối thập kỷ này nếu thế giới muốn đi đúng lộ trình giữ mức tăng nhiệt ở ngưỡng 1.5o C và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thúc đẩy xóa bỏ các rào cản cho phát triển điện gió
Ông Ben Backwell, Giám đốc điều hành của GWEC cho biết: Ngành điện gió tiếp tục phát triển và thành công, nhưng việc mở rộng tốc độ tăng trưởng đến mức cần thiết để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 cũng như đảm bảo an ninh năng lượng sẽ đòi hỏi một cách tiếp cận mới, chủ động hơn, đối với việc hoạch định chính sách trên toàn thế giới.
Các sự kiện của năm ngoái, khi các nền kinh tế và người tiêu dùng phải đối mặt với sự biến động nghiêm trọng của nhiên liệu hóa thạch cũng như giá cả tăng cao trên khắp thế giới, là một biểu hiện của một quá trình chuyển dịch năng lượng do dự và không nhất quán. Đặc biệt, cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã cho thấy những hệ lụy của việc phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch để đảm bảo an ninh năng lượng - ông Ben Backwell nhấn mạnh.
Các chuyên gia nhận định, hệ thống năng lượng ngày càng phức tạp và có tính liên kết với nhau. Thiết kế hệ thống cũng đang cho thấy khó khăn trong việc đáp ứng áp lực của quá trình chuyển dịch năng lượng. Bởi vậy, các nhà hoạch định chính sách cần đánh giá lại thị trường để phù hợp hơn với các mục tiêu kinh tế và xã hội. Cách tiếp cận nhằm mở rộng quy mô điện gió với tốc độ cần thiết bao gồm: Xóa bỏ rào cản hành chính và cải cách cơ cấu hành chính để đẩy nhanh và cải thiện hiệu quả trong việc làm thủ tục và cấp phép cho các dự án; Tăng cường đầu tư vào lưới điện, cảng và cơ sở hạ tầng thiết yếu khác cho việc lắp đặt; Tái thiết thị trường năng lượng, đảm bảo có thể thực sự giải quyết các chi phí xã hội do ô nhiễm từ nhiên liệu hóa thạch và tạo điều kiện chuyển dịch nhanh chóng sang hệ thống sử dụng năng lượng tái tạo.
Ngành điện gió phải làm việc cùng với các chính phủ, cộng đồng, cũng như các lĩnh vực khác như năng lượng mặt trời, lưu trữ và dầu khí để tìm ra các giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng một cách hiệu quả nhất có thể. Để đạt được các mục tiêu Net Zero, các nhà hoạch định chính sách phải đảm bảo sự ổn định của các quy định cũng như khắc phục các nút thắt về cấp phép và phát triển hơn nữa lưới điện. Ngành điện gió đã sẵn sàng cho việc triển khai lượng lớn công suất năng lượng tái tạo, bởi vậy, chính sách của quốc gia và khu vực cần phải dọn đường cho việc này.