Kinh tế

Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX năm 2024:Lắng nghe tiếng nói của nông dân

Khánh Ly 14/10/2024 16:17

(TN&MT) - Ngày 14/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX năm 2024.

Lần đầu tiên, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng chủ trì, dành hầu hết thời gian của Diễn đàn để lắng nghe và phản hồi các tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp.

z5927457769523_3e6731554fc35b146a475de310d5a271.jpg
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn và Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì Diễn đàn. Ảnh: Khổng Chí

Diễn ra cách 1 tháng sau cơn bão Yagi gây thiệt hại nặng nề, Diễn đàn đặc biệt ghi nhận nhiều tâm tư, đề xuất về việc phục hồi, vực dậy ngành nông nghiệp; cũng như nguyện vọng “cởi trói” cơ chế chính sách về nguồn vốn, đất đai để nông dân tự tin đầu tư, mở rộng quy mô các mô hình sản xuất hiệu quả.

Ông Nguyễn Sỹ Bính, đại diện Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Phất Cờ (tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ: Nhiều năm qua, HTX nuôi trồng thủy sản Phất Cờ tổ chức các mô hình nuôi biển đồng thời thực hiện liên kết sản xuất với các hộ nuôi trồng thủy sản trong và ngoài HTX đi tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa trong nước và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Trung Quốc, đạt doanh thu đạt 28-32 tỷ/năm. Tuy nhiên, cơn bão số 3 vừa qua đã cướp đi tất cả, ước tính mỗi thành viên HTX thiệt hại 5 – 6 tỷ đồng.

z5927457752152_3c65a604d76f664fd14ae9767fe69745.jpg
Nông dân Nguyễn Sỹ Bính, HTX nuôi trồng thủy sản Phất Cờ (Quảng Ninh), có chia sẻ và đặt câu hỏi tại diễn đàn. Ảnh: Khổng Chí

Sau cơn bão, dù Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cấp Hội Nông dân và tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ nhiều nhưng nông dân hợp tác xã vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc khôi phục sản xuất. Mong muốn lớn nhất của nông dân nuôi biển hiện nay là sớm được khoanh nợ, giãn nợ, giãn, hoãn trả lãi đối với các khoản vay đầu tư đã bị thiệt hại; cho vay khoản vay mới với lãi suất ưu đãi nhất để bà con đầu tư xây dựng lại cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất.

Còn ông Hoàng Văn Liêm, HTX dịch vụ tổng hợp Thiên An (tỉnh Yên Bái) cho biết: Cơn bão số 3 đi qua đã để lại những thiệt hại chưa từng có với nông dân tỉnh Yên Bái mà có lẽ phải mất rất nhiều thời gian mới có thể phục hồi. Qua thực tế, mức hỗ trợ nông dân bị thiệt hại là quá thấp và không còn phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, vấn đề bảo hiểm nông nghiệp lại được đặt ra với một đất nước có nền nông nghiệp phát triển như Việt Nam.

Chia sẻ tới Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Minh - Tổ trưởng tổ dân phố 4, thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái cho biết: cơn bão số 3 và việc thủy điện Thác Bà xả lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân huyện Yên Bình. Người đã di chuyển đến nơi an toàn, nhưng thiệt hại tài sản rất lớn, đặc biệt là các hộ sống ven sông. Bên cạnh đó, nguy cơ sạt lở vẫn còn cao. Phần lớn người dân sống ở ven sông trước đây từng nhường đất để xây dựng thủy điện Thác Bà, nhưng đến nay, cuộc sống của họ lại không thể ổn định nên rất thiệt thòi. Ông Minh đề nghị cần có khu tái định cư mới cho người dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao, và kiên cố hóa hệ thống đê, kè ven sông đề phòng tránh sạt lở.

z5927457740035_34880be9e8fc3e6e6051d48a1ad205fb.jpg
Nông dân Nguyễn Văn Minh, Tổ trưởng tổ dân phố 4, thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái chia sẻ về ảnh hưởng của đợt bão, lũ vừa qua. Ảnh: Khổng Chí

Nêu vướng mắc trong thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết: Tập đoàn đang thực hiện cam kết đầu tư xây dựng các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023-2030. Tuy nhiên, quá trình triển khai đang vướng trong việc chuyển đổi sang hình thức sử dụng đất mới theo quy định của Luật Đất đai 2024. Quá trình này sẽ mất rất nhiều thời gian do phải thống kê, kiểm kê hiện trạng, lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Từ đó ảnh hưởng lớn đến tiến độ đầu tư, không thể đưa vào vận hành các dự án như tiến độ đã cam kết với các đối tác đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng đến uy tín và môi trường đầu tư. Từ thực trạng này, doanh nghiệp mong các cơ quan quản lý nhà nước xem xét và hỗ trợ các phương án tốt nhất, sớm có thể triển khai và đưa các dự án đi vào hoạt động.

Ngoài ra, rất nhiều các ý kiến từ đại diện nông dân tiêu biểu, hợp tác xã tiêu biểu năm 2024 đã chỉ ra những vấn đề, thực trạng sản xuất tại khắp các vùng miền, địa phương. Trong đó, một số ý kiến bày tỏ mong muốn chuyển đổi mô hình sản xuất trên đất nông nghiệp, từ trồng trọt sang chăn nuôi hay nuôi trồng thủy sản, chế biến nông sản nhưng còn vướng mắc cơ chế về đất đai. Nhiều nông dân cũng quan tâm đến cơ chế, chính sách hỗ trợ, động viên nông dân, trong đó có các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi thông qua các hoạt động của Hội Nông dân các cấp, về tiếp tục đổi mới các hình thức tổ chức, sinh hoạt của hội viên nông dân như thành lập các câu lạc bộ nông dân, phát huy hiệu quả, vai trò hoạt động của các chi, tổ hội nghề nghiệp làm cơ sở, nền tảng để thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã; vấn đề về hỗ trợ, xây dựng thương hiệu nông sản, quảng bá nông sản trên các nền tảng số...

z5927457260683_91fd78df739be4ad1bb67a3c3beb88db.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Khổng Chí

Chia sẻ với mất mát của nông dân khắp các tỉnh Bắc Bộ đến Thanh Hóa do bão Yagi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan bày tỏ, bản thân ông đã ở tâm bão Quảng Ninh khi bão đổ bộ và lần đầu tiên chứng kiến một cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp như vậy. Ngay sau bão, các địa phương đã phối hợp cùng ngành nông nghiệp, các cấp hội nông dân nhanh chóng triển khai hoạt động thái thiết, khôi phục sản xuất.

Vấn đề hoãn, giãn nợ, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước triển khai và Ngân hàng cũng đã vào cuộc nhanh chóng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục có cuộc họp với đại diện Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng để bàn bạc làm sao đồng vốn sớm đến tay bà con. Bộ cũng cam kết sẽ luôn đồng hành cùng bà con tái thiết, phát triển sản xuất nông nghiệp.

Về vấn đề của bà con ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng bàn với lãnh đạo tỉnh để làm sao cho bà con có cuộc sống tốt hơn. Cơn bão Yagi cướp đi nhiều nhưng cũng để lại bài học lớn về cách thức con người ứng xử với thiên nhiên, chuẩn bị và phản ứng lại với các cú sốc về thiên tai.

Liên quan đến vấn đề về đất đai, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Luật Đất đai 2024 vừa qua đã đưa vào thuật ngữ mới, đó là đất đa mục đích, có nghĩa là đất nông nghiệp có thể nuôi thuỷ sản, có thể chăn nuôi hay làm du lịch, dịch vụ nông nghiệp... và có thể xem đây là bước “cởi trói” cho việc chuyển đổi đất nông nghiệp. Luật và các văn bản, thông tư hướng dẫn hiện đã được ban hành đầy đủ, nhưng có lẽ ở địa phương còn đang lúng túng, chậm ban hành các chính sách cụ thể.

z5928808495992_f79893e6208474a534693ab3497d37bd.jpg
Khu gian hàng triển lãm giới thiệu những thiết bị công nghệ số, trưng bày đặc sản OCOP từ 3 sao trở lên của các nông dân, HTX trong khuôn khổ Diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: Diễn đàn là dịp để chúng tôi được lắng nghe các nông dân xuất sắc, hợp tác xã tiêu biểu chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đồng thời đề xuất, phản ánh, tâm tư nguyện vọng, kiến nghị với Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NN&PTNT. Trên cơ sở đó, hai đơn vị sẽ có những báo cáo, tổng kết và đề xuất với Đảng, Nhà nước về những chính sách cụ thể để hỗ trợ người nông dân hăng hái tham gia sản xuất. Đây là cơ sở để hướng tới Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024 sẽ diễn ra trong thời gian tới đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX năm 2024: Lắng nghe tiếng nói của nông dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO