Xã hội

Điện Biên: Vươn lên thoát nghèo nhờ chính sách bảo vệ và phát triển rừng

Hoàng Châu 26/11/2021 16:37

(TN&MT) - Những năm gần đây, tỷ lệ che phủ rừng ở Điện Biên tăng. Cùng với đó, số vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp, số vụ cháy rừng cũng giảm. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn được cải thiện, vươn lên thoát nghèo từ việc chăm sóc và bảo vệ rừng.

Để vươn lên xóa đói, giảm nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS Điện Biên đã tích cực chăm sóc, bảo vệ và phát triển kinh tế từ rừng. Nhờ vậy, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã có sinh kế ổn định, thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng. Đặc biệt, với đồng bào các DTTS ở các huyện vùng cao, biên giới, như: Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Mường Chà... tỷ lệ che phủ rừng tăng lên, đồng nghĩa với việc đời sống bà con được nâng lên.

gia-dinh-ong-mua-dua-vang-ban-ten-hon-xa-tenh-phong-huyen-tuan-giao-dien-bien-thu-hoach-thao-qua..jpg
Ông Mùa Dúa Vàng, bản Ten Hon, xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) vươn lên làm giàu nhờ trồng thảo quả dưới tán rừng

Mường Nhé là huyện biên giới nhiều năm trước “nóng” vì tình trạng dân di cư tự do và phá rừng, song mấy năm gần đây, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, tình trạng phá rừng làm nương giảm rất nhiều. Tại các xã: Sín Thầu, Chung Chải, Leng Su Sìn... bà con các dân tộc: H’Mông, Hà Nhì, Si La... rất có ý thức với việc bảo vệ, chăm sóc rừng. Chủ tịch UBND xã Sín Thầu Pờ Chinh Phạ cho biết: Toàn xã có hơn 11.560ha đất rừng, tỷ lệ che phủ rừng của xã đạt 71%, nhiều năm qua xã không xảy ra tình trạng phá rừng, cháy rừng hay mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, nhận thức được những lợi ích mà rừng đem lại cho nên bà con sống được nhờ rừng; ý thức bảo vệ, giữ rừng của người dân rất tốt.

Là một trong những hộ tiên phong khai thác hiệu quả kinh tế từ rừng bằng việc trồng cây thảo quả dưới tán rừng, gia đình ông Mùa Dúa Vàng, bản Ten Hon, xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) không chỉ thoát nghèo mà vươn lên làm giàu chính đáng. Ông Vàng đã quyết định trồng thử nghiệm 100 gốc thảo quả dưới tán rừng Tênh Phông. Thời gian đầu, ông loay hoay chưa tìm được đầu ra sản phẩm song đến năm 2000 thương lái ở Lào Cai đã tìm đến thu mua. Do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cây thảo quả trồng dưới tán rừng của gia đình ông phát triển tốt. Ðến nay, ông đã mở rộng diện tích trồng thảo quả hơn 3ha. Trung bình, diện tích thảo quả cho gia đình ông thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/năm. Ðược hưởng lợi từ rừng, gia đình ông Vàng ngày càng ý thức bảo vệ rừng và trồng thêm cây mới, đồng thời tuyên truyền, vận động nhiều người dân trên địa bàn cùng tham gia.

13-1626425307-anh-rung-1.jpg
Người dân huyện Mường Nhé, tích cực chăm sóc bảo vệ rừng.

Tại huyện Tủa Chùa, số vụ phá rừng, khai thác gỗ trái phép giờ đã giảm rất nhiều do ý thức người dân từng bước được nâng lên, đặc biệt nhờ nguồn quỹ DVMTR đã hỗ trợ bà con ổn định đời sống, yên tâm phát triển kinh tế gia đình thay vì "chăm chăm vào rừng chặt gỗ, làm nương như trước". Ông Thào A Chu, chủ rừng ở xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa, cho biết: “Khi được giao khoán rừng, gia đình tôi luôn ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng, thường xuyên tham gia tuần tra bảo vệ rừng của gia đình, cộng đồng. Mỗi năm, gia đình có thêm khoản thu hơn 10 triệu đồng tiền DVMTR cho nên có điều kiện mua sắm vật dụng sinh hoạt, sản xuất”.

Cùng với đó, những dự án về phát triển kinh tế rừng bước đầu đã mang lại thu nhập cho người dân, cải thiện đời sống, đồng thời nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trên địa bàn huyện biên giới Nậm Pồ hiện nay đã trồng được hơn 30ha cây sa nhân dưới tán rừng; một số diện tích sa nhân đã cho thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế từ 20 - 100 triệu đồng/năm.

Có thể thấy, nhờ biết tận dụng lợi thế từ rừng để xóa đói giảm nghèo, đời sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, tạo thu nhập bền vững cho đồng bào DTTS.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Vươn lên thoát nghèo nhờ chính sách bảo vệ và phát triển rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO