Hiện nay toàn tỉnh có 15 hồ thủy lợi, trong đó 14 hồ đã đưa vào khai thác với tổng dung tích hơn 64,5 triệu mét khối. Hầu hết các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đều được xây dựng và đưa vào vận hành, sử dụng đã lâu; hệ thống kênh mương kéo dài, chủ yếu là kênh đất chưa được kiên cố; đi qua nhiều địa hình là sườn núi có độ dốc lớn dễ sụt sạt vào mùa mưa; lại thường xuyên chịu những tác động bất lợi của thiên nhiên nên ngày càng bị hư hỏng, xuống cấp.
Để nâng cao hiệu quả việc sử dụng và quản lý các công trình thủy lợi cũng như các hồ chứa UBND tỉnh Điện Biên cũng đã quy định phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, theo đó việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi được chia thành 2 cấp (cấp tỉnh và cấp huyện).
Trong đó, các công trình thủy lợi cấp tỉnh quản lý, khai thác đập có chiều cao từ 10m trở lên hoặc hồ chứa nước có dung tích từ 500.000 m3 nước trở lên; các công trình thuộc cấp huyện quản lý khai thác đập có chiều cao dưới 10m hoặc hồ chứa nước có dung tích dưới 500.000 m3 nước. Các công trình hồ chứa không những đảm bảo phục vụ nước tưới cho nông nghiệp mà còn góp phần điều tiết lũ cho hạ du, cấp nước cho nhà máy thủy điện và cho sinh hoạt, phục vụ cho nuôi trồng thủy sản; ngoài ra còn phục vụ du lịch sinh thái, góp phần cải tạo môi trường cảnh quan trong khu vực hồ chứa, tích cực triển khai các hoạt động, gia cố, tu sửa hạ tầng cơ sở nhằm đảm bảo an toàn hồ đập, duy trì nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn.
Cùng với đó, tỉnh đã có các văn bản hướng dẫn, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố; các chủ đập, hồ chứa công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá an toàn trong vận hành đập, hồ chứa công trình thủy điện; thường xuyên đôn đốc chủ đầu tư các công trình thủy điện đang thi công xây dựng và các chủ đập, hồ chứa thủy điện thực hiện nghiêm những quy định về quản lý vận hành, phương án bảo vệ đập, hồ chứa, phương án phòng chống thiên tai, phương án ứng phó với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra trong mùa mưa bão đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt…
Ông Nguyễn Văn Duyên, Chủ tịch Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên, cho biết: Hiện nay công ty được giao quản lý, vận hành, khai thác 13 hồ chứa nước thủy lợi: Hồ chứa bản Ban, Na Hươm, Sái Lương, Hồng Khếnh, Hồng Sạt, Pe Luông, Bồ Hóng, Huổi Phạ, Pa Khoang, Nậm Ngám, Sông Ún, Loọng Luông I. Quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi, tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dân sinh kinh tế cho thành phố Điện Biên Phủ và các huyện Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, cung cấp nước bổ sung cho các nhà máy thủy điện. Thời gian qua Công ty chủ động các phương án, vật tư, trang bị đầy đủ tại các hồ chứa, đáp ứng tích nước phục vụ sản xuất, vừa phải đảm bảo an toàn hồ, đập trong mùa mưa. Đối với những hư hỏng nhỏ thì đã được đơn vị tiến hành sửa chữa, nâng cấp bằng nguồn vốn Trung ương, như: Hồ Pa Khoang, Bản Ban, Sái Lương, Hồng Sạt, Bồ Hóng. Đồng thời đơn vị phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá tình trạng các hồ chứa nước, nhất là các công trình đầu mối quan trọng và xây dựng phương án phòng, chống phù hợp.
Để công tác quản lý, khai thác các hồ tích nước an toàn, hiệu quả, hàng năm, Công ty tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về an toàn hồ chứa cho hàng chục lượt cán bộ, công nhân, xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm quy trình vận hành, điều tiết nước các hồ chứa trong và sau những mùa bão lũ. Nguyên tắc vận hành điều tiết nước tại các hồ được thực hiện theo thứ tự ưu tiên: An toàn tuyệt đối cho công trình; góp phần giảm lũ hạ du; đảm bảo hiệu quả cấp nước sản xuất. Khi vận hành giảm lũ, các công trình phải tuân thủ theo quy định phương thức đóng, mở cửa van các công trình xả được cấp có thẩm quyền ban hành, đảm bảo không gây ra lũ nhân tạo đột ngột, bất thường, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân vùng hạ du các hồ tích nước.