Điện Biên: Nỗ lực giữ chuẩn tiêu chí môi trường

Hà Thuận| 14/06/2020 12:56

(TN&MT) - Với các xã nông thôn miền núi, biên giới trên địa bàn tỉnh Điện Biên, để đạt được tiêu chí số 17 môi trường, địa phương phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó quan trọng hơn cả là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân nông thôn.

Ý thức người dân về bảo vệ môi trường được nâng cao. Trong ảnh: Người dân xã Sam Mứn, huyện Điện Biên dọn dẹp vệ sinh môi trường.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh Điện Biên đã có 34/116 xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các xã nông thôn miền núi, biên giới trong thực hiện tiêu chí này. Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, tiêu chí môi trường đã và đang được các xã nông thôn Điện Biên nỗ lực giữ vững và nâng cao.

Xã Thanh Hưng cùng với 7 xã khác của huyện Điện Biên cán đích nông thôn mới năm 2017. Để thực hiện tiêu chí môi trường, cấp ủy, chính quyền và các hội, đoàn thể xã đã tích cực vận động người dân xây dựng môi trường, cảnh quan thôn bản xanh, sạch, đẹp. Mỗi thôn bản đều có đội tự quản giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm. Là xã trồng trọt, chăn nuôi tương đối phát triển, xã cũng vận động người dân quy hoạch nhà cửa và khu chăn nuôi hợp lý. Các mô hình trồng trọt chăn nuôi theo quy trình khép kín, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp được địa phương khuyến khích phát triển. Nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết được xây dựng, giúp bà con nông dân ứng dụng công nghệ sản xuất an toàn thực phẩm vào sản xuất. Xã đã xây dựng các bể rác công cộng, vận động người dân đổ rác đúng nơi quy định và kí hợp đồng với đơn vị thu gom rác thải của huyện để đưa rác thải sinh hoạt từ bể chứa đi xử lý.

 

Để các quy định về vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm được thực hiện nghiêm túc, xã cũng xây dựng ở mỗi thôn, bản các tổ, đội tự quản về vệ sinh môi trường. Các tổ, đội này có nhiệm vụ theo dõi việc thực hiện các quy định về vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm trong thôn, bản. Nếu phát hiện việc vi phạm quy định của xã về đảm bảo vệ sinh môi trường, các thành viên của tổ, đội kịp thời thông báo cho lực lượng chức năng xử lí theo quy định. Nhờ thực hiện nghiêm túc quy định về vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, đến nay xã Thanh Hưng vẫn duy trì tốt các nội dung của tiêu chí môi trường nông thôn mới. Đây là cơ sở để xã tiếp tục phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Bà Hà Bích Nhung – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng – huyện Điện Biên cho biết: Thực hiện tiêu chí môi trường, xã Thanh Hưng chúng tôi đã có các giải pháp đồng bộ, từ xây dựng hố rác công cộng đến xây dựng các tổ tự quản bảo vệ môi trường ở cấp thôn bản. Hầu hết các thôn, bản người dân đều có ý thức xây dựng môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Các quy định về vệ sinh môi trường của xã được thực hiện nghiêm túc. Hiện chúng tôi chỉ còn khó khăn là nguồn kinh phí hoạt động của các tổ, đội tự quản về môi trường.

Nhiều địa phương đã xây dwungj lò đốt rác theo nhóm hộ gia đình đẻ thu gom, xử lý rác thải.

Mường Nhà là một trong những xã vùng cao, biên giới của huyện Điện Biên. Sau hơn 9 năm thực hiện chương trình NTM, với sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của các cấp, các ngành cùng với sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong xã, đến tháng 11/2019 xã Mường Nhà đã cơ bản đạt được 19/19 tiêu chí với 43/49 chỉ tiêu theo quy định của Bộ tiêu chí xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2017 – 2020.

Riêng với tiêu chí số 17 về môi trường, xã Mường Nhà đã đạt 7/8 chỉ tiêu của tiêu chí. Trong đó, tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 867/928 hộ đạt 93,4%, trong đó có 475/867 hộ được sử dụng nước sạch chiếm 54,8%. Trên địa bàn xã có 15 cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề; các cơ sở đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường. Tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch đạt bình quân (cả ba chỉ tiêu nhỏ) là 67,56%. Chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất - kinh doanh chưa được thu gom, xử lý theo quy định. Hiện trên địa bàn xã có 462/734 hộ có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, đạt 63%.

Người dân đã xây dựng chuồng trại, xử lý chất thải trong chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ông Vì Văn Khiên, Bí thư Đảng ủy xã Mường Nhà chia sẻ: Tiêu chí môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm là tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới, do tiêu chí này thường xuyên biến động, phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm của các gia đình, tổ chức, cá nhân trong cộng đồng. Bởi vậy, công tác giữ gìn vệ sinh môi trường và xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp ở mỗi địa phương cần thực hiện kiên trì, bền bỉ và quyết liệt.

Cùng với sự chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí số 17 về môi trường trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã đạt được một số kết quả quan trọng. Để tạo được chuyển biến tích cực, nhất là giữ chuẩn tiêu chí số 17 về môi trường, cần sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị tỉnh Điện Biên, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, đồng thuận trong xây dựng và bảo vệ môi trường nông thôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Nỗ lực giữ chuẩn tiêu chí môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO