Điện Biên: Những khó khăn về bảo vệ môi trường trong du lịch cộng đồng
(TN&MT) - Trong những năm trở lại đây, du lịch cộng đồng tại các bản người Thái, Mông, Khơ Mú, Hà Nhì, người Dao tại tỉnh Điện Biên đang có những bước phát triển. Nhất là mô hình kinh doanh Homsay tại các bản du lịch cộng đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, vấn đề về môi trường luôn là vấn đề khó khăn, thách thức của các mô hình du lịch này tại Điện Biên.
Du lịch cộng đồng tại Điện Biên, những năm trở lại đây đã thu hút người dân học tập các tỉnh lân cận để mở rộng mô hình kinh doanh Homstay. Tuy nhiên, tại các điểm du lịch Homstay của đồng bào các dân tộc tại các xã Mường Phăng (huyện Điện Biên), Nà Sự (xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ) và một số bản Thái ở TP. Điện Biên Phủ và một số huyện lân cận chưa thực sự thu hút được khách du lịch.
Mô hình kinh doanh chưa đem lại hiệu quả cao cho người dân khi bỏ chi phí ra để xây dựng mô hình. Và các mô hình này yếu tố cần bàn đến vẫn là môi trường. Từ môi trường sống cho đến cảnh quan thiên nhiên và công tác vệ sinh môi trường giữ vững cảnh quan thiên nhiên thay bằng bê tông hóa hoặc các điểm có đăng ký lưu trú công tác vệ sinh môi trường, những tiện nghi phục vụ cho sinh hoạt của khách còn rất nhiều hạn chế.
Chia sẻ với chúng tôi vấn đề này, bà Lò Thị Chanh, bản Phăng 2, xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ là một trong những hộ có kinh doanh du lịch, dịch vụ Homstay tại diện tích đất của gia đình, cho biết: Để có một Homsaty chuẩn theo yêu cầu ở Mường Phăng nói riêng và Điện Biên nói chung, thậm chí cả các vùng lân cận thì cá nhân tôi chưa thấy cơ sở nào đáp ứng đủ yêu cầu. Mà chỉ đạt được mức yêu cầu tối thiểu để phục vụ khách lưu trú như: có nhà vệ sinh khép kín, sạch sẽ, khuôn viên đủ rộng, có nơi ăn nghỉ hợp lí. Còn như các hoạt động trải nghiệm tại điểm nghỉ Homstay và những dịch vụ đi kèm để thu hút khách du lịch thì vẫn còn hạn chế.
Bên cạnh việc gia đình hộ đăng ký dịch vụ Homsay thì cần có sự tham gia của cả cộng đồng. Trong khi, các bản Thái, Mông, Dao… chúng tôi đã hình thành từ rất lâu đời, chính vì vậy mà để quy hoạch bản làng thành một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn thì cần phải được quy hoạch bài bản, sạch, đẹp, đưa vật nuôi ra khỏi hộ gia đình. Mỗi gia đình cần có một khuôn viên vừa đủ trồng các loại hoa, cây cảnh, thậm chí là hoạt động sản xuất nông nghiệp để du khách đến lưu trú và trải nghiệm. Nhưng đó là điều rất khó hiện nay ở tại Mường Phăng nói riêng và các điểm kinh doanh du lịch cộng đồng nói chung.
Có thể nói, đây là những mô hình kinh doanh theo kiểu tự phát chứ chưa có định hướng quy hoạch từ đầu. Nên ở những nơi khác có làm được thì cũng chỉ là mô hình chắp vá, đạt những yêu cầu tối thiếu cho việc ăn nghỉ cho du khách. Các hoạt động vui chơi, tham quan, dã ngoại, trải nghiệm là rất ít. – Bà Chanh cho hay.
Bà Nguyễn Thị Thanh Chuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, cho biết: Điện Biên đã ban hành một số chương trình, đề án, kế hoạch nhằm thúc đẩy các hoạt động phát triển ngành nghề nông thôn gắn với du lịch cộng đồng. Đã tổ chức khảo sát, hỗ trợ các địa phương mời một số chuyên gia tư vấn chuyên môn, định hướng xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn toàn tỉnh.
Song thực tế, hoạt động phát triển du lịch cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn hạn chế như: Nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu. Cơ sở vật chất, hạ tầng tại nhiều bản, điểm bản du lịch cộng đồng chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Các sản phẩm du lịch còn nghèo nàn mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của du khách. Nhất là công tác bản vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên trong hoạt động du lịch, đặc biệt là đối với du lịch cộng đồng.
Bà Chuyên cho biết thêm: Thời gian tới, ngành du lịch Điện Biên tiếp tục tham mưu cho tỉnh đề ra một số giải pháp hỗ trợ du lịch cộng đồng như: Bố trí nguồn lực để hỗ trợ cộng đồng thực hiện tốt về công tác đảm bảo môi trường; tổ chức và kết nối mời các chuyên gia du lịch cộng đồng để tham vấn cho địa phương; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, phục vụ cho người dân và các bản, cộng đồng trong cách ứng xử văn minh phục vụ khách du lịch. Tổ chức, kết nối các chương trình, các tour, tuyến đến với Điện Biên nói chung và các bản văn hóa, du lịch cộng đồng. – Bà Chuyên nói.