Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã đầu tư xây dựng bể thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. |
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có gần 300 bể thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV, tập trung tại huyện Điện Biên với 134 bể và TP. Điện Biên Phủ với 71 bể. Để giảm tình thiểu trạng ô nhiễm môi trường do xả thải bao bì, chai lọ thuốc BVTV và hoàn thiện tiêu chí môi trường, nhiều địa phương, nhất là các huyện vùng cao của tỉnh Điện Biên đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Tuy nhiên, nhiều bể chứa chỉ xây lên để đó, không phát huy hiệu quả.
Tại huyện Điện Biên Đông, trung bình mỗi năm người dân sử dụng hàng tấn thuốc BVTV, hóa chất phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình sử dụng, nhiều người đã vứt vỏ, bao thuốc bừa bãi. Một phần là do sự thiếu ý thức của người dân, phần khác là do chưa có các điểm thu gom bao, vỏ thuốc BVTV và xử lý. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, trong các bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV đã qua sử dụng, lượng thuốc còn sót lại không hề nhỏ (gần 2%). Lượng thuốc tồn dư này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, gây ô nhiễm nguồn đất, nước và nhiễm bẩn nông sản.
Thực hiện Văn bản số 420/HD-STNMT ngày 10/5/2019, của Sở Tài nguyên và Môi trường về xây dựng bể thu gom, khu vực lưu chứa và quy trình thu gom vận chuyển, xử lý bao thuốc BVTV sau sử dụng, huyện Ðiện Biên Ðông đã chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn rà soát, sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường để xây dựng các bể thu gom bao, vỏ thuốc BVTV sau khi sử dụng. Ðến nay hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã đầu tư xây dựng các bể chứa vỏ thuốc BVTV.
Tuy nhiên, theo ý kiến người dân thì việc bố trí các bể thu gom chưa hợp lý, như: Bể đặt gần khu dân cư; số lượng bể quá ít so với diện tích canh tác, người dân phải đi quá xa mới có thể bỏ được vỏ thuốc BVTV vào bể chứa; thiết kế bể còn bất tiện cho việc thu gom… dẫn đến không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.
Nhiều bể chứa đặt cạnh khu dân cư, xa nơi canh tác nên khó khăn trong việc thu gom. |
Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ðiện Biên Ðông, hiện nay các xã chưa báo cáo số lượng các bể chứa, tuy nhiên huyện đã triển khai, hướng dẫn tất cả các xã đầu tư xây dựng các bể này theo đúng quy định. Các bể chứa có hình ống hoặc hình chữ nhật (tùy thuộc địa hình, điều kiện từng xã), với dung tích từ 0,8m3 - 1m3; nắp bể chắc chắn, có độ dầy tối thiểu 0,7cm và rộng hơn thành bể 0,5cm để tránh nước mưa chảy vào bể… Năm 2019, mỗi xã trung bình được cấp 50 triệu đồng tiền sự nghiệp môi trường để thực hiện việc xây dựng các bể thu gom vỏ thuốc BVTV. Mỗi bể thu gom vỏ bao thuốc BVTV có kinh phí khoảng 5 triệu đồng.
Năm 2019, từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, xã Xa Dung đã đầu tư xây dựng 14 bể thu gom vỏ bao thuốc BVTV, được bố trí tại 14/19 bản. Tuy nhiên, đến nay các bể chứa này vẫn chưa phát huy hiệu quả. Dọc đường vào các bản, khu sản xuất vẫn có rất nhiều bao bì, vỏ chai đựng thuốc BVTV vứt bừa bãi. Trong khi đó nhiều bể chứa vỏ thuốc BVTV lại trống không, gây lãng phí. Ông Chá Chồng Chu, Chủ tịch UBND xã Xa Dung cho biết: “Hiện nay chưa đánh giá được hiệu quả của các bể chứa vỏ bao thuốc BVTV, vì các bể mới xây dựng năm 2019. Mặc dù, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động bỏ vỏ, bao thuốc BVTV sau khi sử dụng vào bể chứa, nhưng người dân chưa tích cực hưởng ứng”.
Tìm hiểu thực tế chúng tôi nhận được phản ánh của nhiều người dân về việc bố trí các bể chứa chưa hợp lý, có bản đặt gần khu dân cư, có bản đặt xa khu vực sản xuất của người dân; thiết kế cửa rác vào bể quá nhỏ (20cm2), nắp đậy nặng, mỗi lần thu gom rác rất khó khăn, bất tiện... Ðây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng có bể nhưng nông dân chưa thu gom vỏ, bao bì vào bể.
Bể thu gom vở bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông. |
Không chỉ ở xã Xa Dung, nhiều xã khác cũng trong tình trạng có bể chứa vỏ thuốc BVTV nhưng người dân vẫn vứt ngoài đồng ruộng. Xã Phình Giàng năm 2019 được đầu tư 6 bể thu gom, đặt tại các bản: Xa Vua A, Xa Vua B, Pa Cá và Cảnh Lay song các bể chưa phát huy được tác dụng như mong muốn. Anh Tráng A Vàng, trưởng bản Xa Vua B, cho biết: “Cả bản có một bể thì không đáp ứng được nhu cầu người dân, đặt ở vị trí nào cũng khó, chỉ thuận tiện cho một vài hộ dân có diện tích nương, ruộng xung quanh đó; những hộ có ruộng, nương ở xa sẽ rất khó để sử dụng bể thu gom này”.
Còn theo lý giải của ông Vàng A Pó, Chủ tịch UBND xã Phình Giàng thì nguyên nhân đến nay các bể thu gom vỏ thuốc BVTV chưa phát huy hiệu quả vì đây là năm đầu tiên thực hiện mô hình này, trong khi lâu nay thói quen của người dân vùng cao sau khi sử dụng thuốc BVTV là vứt luôn vỏ bao bì, chai lọ tại cánh đồng, nơi sản xuất.
Việc triển khai dự án xây dựng các bể thu gom bao bì thuốc BVTV là rất cần thiết, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn. Nhưng để đạt hiệu quả và tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức sử dụng cho người dân; đồng thời có quy định xử phạt những người vứt vỏ chai, bao bì thuốc BVTV bừa bãi ra môi trường. Cùng với đó cần khắc phục bất cập về thiết kế các bể chứa cũng như khảo sát địa điểm xây bể cho phù hợp, đảm bảo chứa đựng hết bao, vỏ thuốc BVTV sau sử dụng trong vùng đất canh tác.