Trong lúc người dân vùng lòng chảo đang riết ráo chuẩn bị thu hoạch vụ Đông Xuân, giữa trưa nắng nóng, chúng tôi bắt gặp cảnh chị Lò Thị Miên, người dân xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, đang loay hoay cắt từng bông lúa. Chị Miên cho biết: Mình đang cắt lúa lẫn chú ạ, lúa mọc dại, mình không gieo nhưng chúng lại mọc xen với lúa thường. Loại lúa này có hình dáng giống hệt lúa thường nên khó phân biệt, cắt mãi cũng không xong. Giờ người ta vào gặt rồi mà mình vẫn phải tìm cắt lúa lẫn, không cắt thì không bán được thóc. Hiện không có cách nào để loại bỏ được giống lúa này. Kể cả phun thuốc diệt cỏ hoặc đốt, ủ trong đất và ngâm nhiều ngày nước nhưng chúng vẫn mọc tươi tốt, thậm chí còn mọc khỏe hơn cả lúa thường. Loại lúa này có thân cứng, rễ mọc sâu rất khó nhổ bỏ, phải đào sâu và cắt hết rễ mới có thể nhổ lên.
Gia đình chị Lò thị Thanh Hồng, đội 7B, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, cấy khoảng 7.000m2 ruộng. Thế nhưng, phần lớn diện tích lúa của gia đình chị đều bị lúa lẫn mọc lấn át. Mặc dù trước khi gieo cấy, gia đình chị đã làm đất rất kỹ, đúng kỹ thuật như cán bộ khuyến nông hướng dẫn. Cùng với đó, trong giai đoạn tỉa dặm, gia đình chị đã phát hiện, nhổ bỏ nhưng đến nay lúa lẫn vẫn mọc át lúa thường. Chị Hồng trăn trở: Nhất là diện tích mình cấy lúa nếp, bị lẫn thì chẳng thể bán được. Ruộng lẫn nhiều thế này, mình thuê bao nhiêu công cắt bỏ cũng không hết. Tốn công, tốn của mà thu hoạch về chẳng được bao nhiêu.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, do lúa lẫn xuất hiện nhiều nên không ít gia đình ở các xã khu vực lòng chảo như Noong Hẹt, Thanh Yên, Thanh Xương... không kịp nhổ bỏ, đã phải thuê người đi cắt, nhổ. Bỏ nhiều chi phí, công sức để chăm sóc, làm lụng mà năng suất lúa thấp, khiến nhiều hộ chán nản cho người khác thuê ruộng để cấy.
Được biết, lúa lẫn đã xuất hiện từ lâu, tuy nhiên với mật độ thấp, rải rác một số ruộng. Việc lúa lẫn vụ sau mọc nhiều hơn vụ trước vì lý do lúa này trổ bông sớm hơn, hạt lép, lửng và rất dễ rụng nên chỉ cần chạm nhẹ hoặc gió thoảng qua là hạt đã rụng hết. Hạt lúa rụng xuống ruộng tạo thành giống lúa nền và phát triển vào vụ sau. Đến nay, loại lúa này đã phát triển nhanh, lan rộng khắp cánh đồng với mật độ lớn, lấn át nhiều diện tích lúa thường bởi vẫn chưa có cách nào để diệt trừ dứt điểm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Ngọc Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Điện Biên, cho biết: Diện tích đất ruộng khu vực lòng chảo được quy hoạch sản xuất là 4.300ha. Hầu như tất cả các ruộng đều xuất hiện lúa lẫn, tuy nhiên mức độ thì tùy thuộc vào từng thửa ruộng, trong đó lẫn cơ giới là phổ biến. Lúa lẫn xuất hiện chủ yếu do 2 nguyên nhân. Thứ nhất do quá trình canh tác lâu năm, lúa lẫn tồn tại trong ruộng và không xử lý được nên thoái hóa, phân ly biến đổi trạng thái không có lợi, với đặc điểm là thân cứng, cao hơn lúa đại trà. Thứ hai là lẫn các giống với nhau khi 2 vụ cấy 2 giống lúa, hạt giống rơi vãi gọi là hạt lúa nền nên phát triển song song cùng với lúa cấy. Cũng có thể 2 vụ gieo cấy cùng giống nhưng quá trình vận chuyển, làm rơi vãi tạo thành giống lúa lẫn.
Cây lúa lẫn phát triển tạo ra 2 tầng tán, rõ nhất là khi chuẩn bị gặt. Lúa lẫn khó xử lý, sức sinh trưởng phát triển mạnh, lấn át lúa đại trà dẫn đến năng suất, sản lượng lúa giảm, đặc biệt là chất lượng lúa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vướng nhất là giải pháp xử lý triệt để cây lúa lẫn. Trước mắt, vụ tới, chúng tôi sẽ hướng dẫn người dân chuyển sang gieo mạ rồi cấy hoặc gieo thành hàng dễ phát hiện cây lúa lẫn. Đến nay, vẫn chưa có loại thuốc bảo vệ thực vật nào có thể diệt trừ cây lúa lẫn. - Ông Bùi Ngọc Sơn, cho biết thêm.
Thực tế cho thấy, việc nhiều diện tích lúa bị pha tạp lúa lẫn đã ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng sản phẩm gạo Điện Biên. Ông Lò Văn Bun, Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp, xã Thanh Xương, cho biết: Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã đến tìm hiểu muốn đặt mua thóc, gạo với số lượng lớn, nhưng qua khảo sát thấy tỷ lệ lúa lẫn nhiều, lo chất lượng không đảm bảo nên chỉ dừng lại ở mức tham khảo. Trước thực trạng trên, chúng tôi đã báo cáo lên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Điện Biên để tìm biện pháp xử lý. Cán bộ Khuyến nông huyện đã xuống kiểm tra và hướng dẫn bà con nhổ bỏ, không nên gieo sạ để tránh lây lan; nhưng hiện lúa lẫn vẫn cứ mọc át cả lúa trồng nên bà con rất lo lắng.
Cánh đồng Mường Thanh đang vào vụ thu hoạch, không bao lâu nữa sẽ bắt đầu vào vụ lúa mới, nhưng lúa lẫn vẫn đang là nỗi lo của những người nông dân. Giải pháp diệt trừ lúa lẫn vẫn đang là bài toán khó chưa có hướng giải quyết. Để giúp người nông dân thoát khỏi nỗi lo mất mùa, cũng như giữ vững được thương hiệu hạt gạo Điện Biên nhiều năm gây dựng, tỉnh Điện Biên cần đưa ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả giúp người nông dân loại trừ tận gốc các giống lúa lẫn. Cùng với đó, nông dân Điện Biên cũng phải chủ động trong khâu chọn lựa giống lúa, hạn chế sử dụng giống lâu năm, giống nhiều thóc lẫn... Cũng như sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn.