Điện Biên: Động lực giúp rừng Mường Nhé hồi sinh

Trần Hương| 27/02/2020 16:27

(TN&MT) - Cùng với sự nỗ lực trong công tác bảo vệ và phát triển rừng của các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Mường Nhé, tác động từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định 99 của Chính phủ đã góp phần để người dân Mường Nhé ổn định đời sống, gắn bó với rừng, tích cực bảo vệ và phát triển rừng xanh tốt.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng không chỉ giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng mà còn góp phần tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó, bảo vệ rừng, từng bước thay đổi nhận thức của nhân dân về vai trò và tác dụng của rừng đối với cuộc sống con người. Hiệu quả từ chính sách chi trả DVMTR đã từng ngày góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng, cải thiện môi trường sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mường Nhé cho biết: Huyện Mường Nhé có diện tích rừng là 74.056,99ha, tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2019 đạt 47,19%. Xác định bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặt ra với các cấp, các ngành. Những năm qua, huyện Mường Nhé đã tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong trồng và bảo vệ rừng. Từ khi Nghị định 99 của Chính phủ ra đời, huyện Mường Nhé xác định, đây là cơ hội để huyện Mường Nhé thực hiện mục tiêu bảo vệ rừng trước áp lực của tình hình dân di cư tự do.

Năm 2019, huyện Mường Nhé (Điện Biên) nhận 65 tỷ đồng tiền từ nguồn quỹ DVMTR

Được sự hướng dẫn của tỉnh và các ngành chức năng, huyện Mường Nhé đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, ý nghĩa của Nghị định 99 đến sâu rộng quần chúng nhân dân. Những chính sách đổi mới từ Nghị định 99 đã nhận được sự đồng thuận cao của địa phương và quần chúng nhân dân. Ngay sau khi triển khai chính sách chi trả DVMTR, huyện Mường Nhé có 76 cộng đồng và hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng và được hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR.

Gần 10 năm về trước, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé là một trong những địa bàn trọng điểm của tình trạng phá rừng làm nương rẫy, một phần do tập quán canh tác của người dân là luân canh, một phần do áp lực phá rừng từ người dân di cư tự do đến Mường Nhé. Nhưng gần 10 năm trở lại đây, đặc biệt là khoảng hơn 2 năm gần đây, nhờ có chính sách chi trả DVMTR và sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, chính quyền các cấp, số vụ vi phạm lâm luật có xu hướng giảm mạnh.

Ông Giàng A Xìa, Chủ tịch UBND xã Quảng Lâm chia sẻ: Ðể làm tốt công tác trồng rừng, xã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đến toàn thể nhân dân, triển khai ký cam kết bảo vệ rừng đến từng gia đình, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Năm 2018, xã đã bảo vệ tốt 5.574,33ha rừng tự nhiên (rừng phòng hộ 2.903,42ha; rừng sản xuất 2.670,91ha…); trồng mới 6,23ha rừng kinh tế (keo tai tượng) đạt 4,8%; từ đo, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn xã lên 51,73% đưa Quảng Lâm trở thành xã điểm về công tác trồng và bảo vệ rừng. Nhờ chăm sóc và bảo vệ rừng tốt mà nhiều hộ dân đã được hưởng lợi ích từ rừng; vươn lên xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Ông Lỳ Khò Chừ - Trưởng bản Tả Ló San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé chia sẻ rằng: Trước đây, người dân bảo vệ rừng chưa được tốt, thường hay vào rừng chặt củi, phá rừng lấn chiếm đất làm nương. Nhưng từ khi được chi trả tiền DVMTR thì ít phá rừng hẳn và người dân còn tự nguyện tham gia bảo vệ rừng, trồng rừng, nhiều khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt. Bản chúng tôi đã thành lập được tổ tuần tra bảo vệ rừng, tháng nào cũng phân công đi tuần tra và huy động dân bản phát dây leo, làm đường băng cản lửa.

Nhờ DVMTR mà đời sống bà con nhân dân huyện Mường Nhé ngày càng ổn định, từ đó, người dân đã tích cực tham gia bảo vệ rừng cùng lực lượng chức năng

Chị Nguyễn Thị Giang, Kiểm lâm địa bàn xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé chia sẻ: Xã Mường Nhé hiện tại có 4 cộng đồng và 2 chủ hộ gia đình tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Năm 2017, trên địa bàn xã Mường Nhé xảy ra 25 vụ phá rừng, năm 2018, toàn xã chỉ xảy ra 1 vụ phá rừng và đến năm 2019, trên địa bàn xã không có vụ phá rừng trái phép nào xảy ra. Công tác quản lý, bảo vệ rừng được địa phương quan tâm, những cánh rừng trên địa bàn xã đang dần được hồi sinh.

Có thể thấy, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR cơ bản đã làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé đối với công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng. Nhiều tổ cộng đồng nhận khoán quản đã xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ rừng. Qua đó, đã góp phần làm giảm thiểu số vụ xâm phạm rừng, phá hoại rừng và cháy rừng và khai thác lâm sản trái phép.

Năm 2019, huyện Mường Nhé được chi trả trên 65 tỷ đồng tiền hỗ trợ từ chính sách chi trả DVMTR. Theo ông Giàng A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR, tình hình quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện được kiểm soát chặt chẽ và đạt hiệu quả cao. Không chỉ ý thức bảo vệ rừng của người dân nói chung và các hộ, nhóm hộ nhận khoán được nâng lên mà còn hỗ trợ đắc lực cho chính quyền, các cơ quan chức năng trong công tác quản lý rừng.

Rừng Mường Nhé có thể hồi sinh; công tác bảo vệ rừng của huyện biên giới Mường Nhé có thể bớt “nóng” không chỉ nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương mà còn một phần nhờ vào hiệu quả của chính sách chi trả DVMTR đã mang lại, giúp người dân thay đổi nhận thức khi họ có thể sống được nhờ rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Động lực giúp rừng Mường Nhé hồi sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO