Điện Biên: Đảm bảo việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng
(TN&MT) - Với sự chủ động nhằm đảm bảo tiến độ, thu chi tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tới người dân được thụ hưởng. Những năm qua, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã triển khai quy trình chi trả tiền DVMTR một cách nhanh chóng, chính xác. Qua đó, góp phần động viên người dân tham gia bảo vệ rừng và ổn định diện tích rừng hiện có cả về số lượng, chất lượng.
Ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên, cho biết: Thời gian qua, tác động tích cực, rõ nét nhất từ chính sách chi trả DVMTR là đã tạo lập được cơ sở kinh tế bền vững, người dân có nguồn thu từ đó yên tâm bảo vệ và phát triển rừng. Trong 6 tháng đầu năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thu từ các nguồn cho chi trả dịch vụ môi trường rừng trên 42 tỷ đồng. Quỹ đã thực hiện chi trả hơn 110 tỷ đồng, tiền DVMT năm 2023 cho các chủ rừng trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.
Thực hiện chính sách chi trả DVMTR, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã tham mưu tỉnh ban hành các quy định thực hiện chính sách chi trả DVMTR, tạo được sự đồng tình ủng hộ của chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức, đơn vị liên quan và Nhân dân. Cùng với đó, Quỹ thường xuyên rà soát, bổ sung quy chế, quy định phù hợp với các quy định của pháp luật và phù hợp với đặc điểm của đơn vị; rà soát, cải cách thủ tục theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản thuận tiện và rút ngắn thời gian giải quyết công việc, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân được phục vụ tốt nhất.
Để việc chi trả tiền DVMTR đảm bảo đúng, đủ, kịp thời cho các chủ rừng, Ban điều hành Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chú trọng công tác rà soát, xác định diện tích rừng cung ứng DVMTR. Trên cơ sở đó tổng hợp diện tích rừng cung ứng DVMTR theo từng lưu vực, tiến hành chia đơn giá chi trả cho các lưu vực, thanh toán tiền cho các chủ rừng.
Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền tiện ích mở tài khoản nhận tiền dịch vụ môi trường rừng, đến nay toàn tỉnh có 4.293/5.051 chủ rừng đã mở tài khoản tại ngân hàng (đạt 85%).
Ông Tâm, cho biết thêm: Từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh, việc bảo vệ và phát triển rừng có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng phá rừng, cháy rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép đã giảm. Cùng với đó, môi trường rừng từng bước được cải thiện, tăng khả năng phòng hộ, điều tiết và duy trì nguồn nước cho các cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng.
Đồng thời, hoạt động giao khoán bảo vệ rừng từ nguồn chi trả DVMTR đã góp phần cải thiện sinh kế và đời sống của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Việc cộng đồng tham gia quản lý bảo vệ rừng trở thành một trong những phương thức quản lý rừng hiệu quả. Thực tế cộng đồng các thôn, bản đã quan tâm, chú trọng đến công tác giữ rừng thông qua việc ban hành các quy định, quy ước của từng thôn, bản.
Chính sách chi trả DVMTR đã làm thay đổi nhận thức của người dân về bảo vệ rừng, giúp bà con tăng thêm nguồn thu nhập từ DVMTR, qua đó tạo động lực để người dân gắn bó, bảo vệ rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ diện tích rừng tái sinh. Từ nguồn tiền DVMTR nhận được, các hộ gia đình có thêm khoản tiền để đầu tư sinh kế. Còn các cộng đồng dân cư, có nguồn kinh phí để xây dựng, sửa chữa đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, kênh mương thủy lợi, đường điện chiếu sáng…