Điện Biên: Đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân phá rừng đặc dụng Mường Phăng

03/10/2017 00:00

(TNMT) - Trước sự việc hơn 8.100m2 rừng đặc dụng Mường Phăng tỉnh Điện Biên liên tiếp bị chặt phá nghiêm trọng; cùng với nhiều tình tiết tăng nặng, vụ việc được đề nghị xử lý theo phương án truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý hủy hoại rừng.

Các lực lượng chức năng tỉnh tiến hành kiểm đếm rừng bị phá tại hiện trường.
Các lực lượng chức năng tỉnh tiến hành kiểm đếm rừng bị phá tại hiện trường.

Theo đó, trong thời gian từ ngày 15/7 đến đến ngày 27/9, Ban quản lý rừng di tích và cảnh quan môi trường Mường Phăng liên tiếp phát hiện ra các điểm phá rừng tại khu rừng đặc dụng Mường Phăng thuộc khu vực bản Đông Mệt, xã Pá Khoang, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Qua xác minh cho thấy ông Trần Lệ, Giám đốc Công ty Cổ phần hoa Anh Đào Trần Lệ chính là người đã chỉ đạo bà Mai Thị Thìn và 2 người làm thuê khác là các ông: Lò Văn Láo, Lò Văn Bun thực hiện chặt phá rừng với lý do lấy đất để trồng cây hoa Anh Đào

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Điện Biên, nguyên nhân dẫn đến các vụ phá rừng đặc dụng xảy ra liên tiếp tại khu vực bản Đông Mệt, xã Pá Khoang vừa qua là do nhận thức chưa đúng của ông Trần Lệ về các văn bản quy phạm pháp luật bảo vệ rừng, nhận thức chưa đúng về chủ trương của UBND tỉnh Điện Biên trong việc tổ chức sự kiện Lễ hội hoa Anh đào và lập dự án trồng hoa Anh đào để phục vụ phát triển du lịch của tỉnh. Mặt khác là do ý chí chủ quan, cố tình thực hiện hành vi đến cùng của ông Trần Lệ và các đối tượng có liên quan đã dẫn đến hành vi phá rừng đặc dụng nghiêm trọng này.

Theo báo cáo số 2013 ngày 28/9/2017 của Sở NN&PTNT Điện Biên: Việc phát hiện và ngăn chặn chậm trễ 2 vụ phá rừng nêu trên, nguyên nhân khách quan là do khu vực xảy ra phá rừng nằm xa dân cư, địa hình phức tạp, đường sá đi lại rất khó khăn. Còn nguyên nhân chủ quan là do hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng của cộng đồng được khoán bảo vệ rừng, của chủ rừng, lực lượng kiểm lâm địa bàn và chính quyền xã Pá Khoang chưa được thường xuyên, khi phát hiện thì biện pháp ngăn chặn chưa hiệu quả. Trong đó phải kể đến sự phát hiện chậm trễ của chủ rừng là Ban Quản lý rừng Di tích và Cảnh quan môi trường Mường Phăng.

Bởi trong diễn biến cả 2 vụ phá rừng liên tiếp xảy ra vừa qua (vụ 1 từ các ngày 15/7-4/8/2017 và vụ 2 ngày 20/9/2017), phải sau một thời gian dài Ban Quản lý rừng Di tích và Cảnh quan môi trường Mường Phăng mới phát hiện sự việc và có báo cáo gửi các cơ quan cấp trên xử lý.

Cụ thể ở vụ thứ nhất phải đến ngày 26/7/2017, Ban Quản lý rừng di tích và Cảnh quan môi trường Mường Phăng mới có Công văn số 78 gửi Sở NN&PTNT Điện Biên báo cáo về việc ông Trần Lệ thuê người để phá rừng lần thứ nhất.

Nguyên nhân chậm trễ được ông Nguyễn Việt Cường, Giám đốc Ban Quản lý rừng Di tích và Cảnh quan môi trường Mường Phăng giải thích là do đường sá mùa mưa, thời điểm xảy ra vụ việc, đơn vị đã cử anh em đi tập huấn hết, còn tại vụ thứ 2 thì vẫn chưa nêu rõ nguyên nhân. Còn ở vụ phá rừng thứ 2 diễn ra vào ngày 20/9 thì đến tận chiều ngày 29/9, các cơ quan chức năng cùng lực lượng kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên mới nắm rõ hết được sự việc để thực địa, tiến hành kiểm đếm, lập biên bản hiện trường vụ việc này.

Theo Quyết định 1976 (ngày 30/10/2014) của Thủ tướng Chính phủ, rừng đặc dụng Mường Phăng có diện tích hơn 4.400 héc ta, tập trung trên địa bàn 2 xã Pá Khoang và Mường Phăng của huyện Điện Biên. Đây là khu rừng có vai trò hết sức quan trọng, bởi có khu rừng thuộc Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ là khu rừng tự nhiên nguyên sinh.

Ông Phạm Văn Khiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, cho biêt: "Chúng tôi xét thấy hành vi vi phạm của ông Trần Lệ là có tính chất nghiêm trọng, vi phạm nhiều lần, thách thức các cơ quan thực thi pháp luật về bảo vệ phát triển rừng. Do vậy về phía Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu cho Giám đốc Sở NN&PTNT kịp thời báo cáo sự việc lên UBND tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên tăng cường lực lượng cùng với các cơ quan tiến hành tố tụng của huyện Điện Biên khẩn trương khám nghiệm hiện trường, thu thập các chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ việc này để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là những người có hoạt động liên quan xung quanh đến khu rừng đặc dụng này để cho người dân hiểu là quy định của rừng đặc dụng hết sức nghiêm ngặt. Tăng cường tuần tra phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật, không để xảy ra tình trạng tái diễn trong thời gian vừa qua".

Trần Hương - Hà Thuận

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân phá rừng đặc dụng Mường Phăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO