Thực hiện chi trả DVMTR đã có tác động rất lớn đến công tác quản lý và bảo vệ rừng trên phạm vi toàn tỉnh nói chung và ở lưu vực có cung ứng DVMTR nói riêng. Việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR cơ bản làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân đối với công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng. Nhiều tổ cộng đồng nhận khoán quản đã xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ rừng. Qua đó đã góp phần làm giảm thiểu số vụ xâm phạm rừng, phá hoại rừng và cháy rừng và khai thác lâm sản trái phép. Tổng số vụ vi phạm trong quản lý bảo vệ rừng ngày càng giảm, các điểm nóng về phá rừng và khai thác lâm sản trái phép cơ bản được ngăn chặn.
Bà Đặng Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tingr Điện Biên chia sẻ: Một trong những dấu hiệu tích cực mà chính sách chi trả DVMTR mang lại là từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR, người dân ngày càng tham gia nhiều vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng. Minh chứng cho thấy là tổng số chủ rừng và tổng diện tích rừng được chi trả DVMTR tăng lên theo từng năm.
Năm 2017, tổng diện tích rừng được chi trả là 241.143,03ha, diện tích rừng do 1.651 chủ rừng quản lý, bảo vệ. Số tiền được chi trả là trên 159 tỷ đồng. Đến năm 2018, diện tích rừng được chi trả tăng lên, với tổng diện tích được chi trả là 266.241,4ha với 2.634 chủ rừng. Trong đó có 4 chủ rừng là tổ chức; 957 chủ rừng cộng đồng; 1.649 hộ gia đình và 34 tổ chức chính trị xã hội được giao quản lý rừng. Số tiền chi trả DVMTR đến tháng 10/2018 là trên 146 tỷ đồng.
Ông Quàng Văn Toản, Trưởng bản Bó, xã Pá Khoang, huyện Điện Biên chia sẻ: “Được hưởng chính sách chi trả DVMTR, đời sống của người dân trong bản được cải thiện, người dân rất tích cực trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Cứ 3-5 ngày, chúng tôi thay phiên nhau đi kiểm tra khu vực rừng nhận khoán, kịp thời phát hiện những đối tượng vi phạm xâm phạm rừng.
Cùng với việc chi trả DVMTR, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên cũng tăng cường việc kiểm tra, giám sát của đối với các đơn vị được chi trả DVMTR được đẩy mạnh, qua đó, tập trung tuyên truyền về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đến người dân, đặc biệt là các hộ dân, cộng đồng nhận giao khoán bảo vệ rừng để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.