Để xứng tầm nhiệm vụ

01/11/2018 15:15

(TN&MT) - Cho đến bây giờ, điểm lại các vấn đề liên quan đến vận hành bộ máy, về hoạt động của chính quyền các cấp, thấy nóng nhất vẫn là chuyện chuẩn bị ban hành các văn bản, các quy định mới.

Mới nhất là việc lấy ý kiến Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thực ra, việc ban hành các văn bản qui phạm pháp luật là công việc và nhiệm vụ của các cơ quan quản lý với mục tiêu xây dựng một xã hội ngày càng công bằng, dân chủ, văn minh.

Một văn bản khi được cơ quan Nhà nước ban hành sẽ liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân, hoặc cao hơn là đến quốc kế dân sinh, đến hình ảnh của đất nước.

Và theo đúng quy trình, các văn bản trước khi ban hành đều phải lấy ý kiến người dân (đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp), qua các cấp có thẩm quyền cho ý kiến và ban hành. Theo quy trình này, nếu đa số ý kiến người dân không đồng tình, văn bản chuẩn bị ban hành đó cần phải được xem xét thấu đáo, cơ quan soạn thảo phải có những thuyết trình khoa học, phản biện xác đáng trước khi ban hành. Nếu không, phải dừng lại. Thế nhưng, các đường bước quan trọng này nhiều khi đã bị bỏ qua hoặc được “chuyển hóa” dưới nhiều dạng khác nhau, để rồi văn bản đó vẫn được ban hành.

Lấy ý kiến thông tư
Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh Trung học Cơ sở và tuyển sinh Trung học Phổ thông. Ảnh minh họa

Câu chuyện về việc soạn thảo, lấy ý kiến, ban hành các văn bản pháp luật, quy định của các cơ quan chức năng thực sự là điều cần phải suy ngẫm.

Soi trên nhiều phương diện, ở nhiều lĩnh vực, chúng ta dễ thấy đầy “lỗi chính tả” trong vận hành và thực thi chính sách. Mà sự kiện đưa ra lấy ý kiến dự thảo Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa qua; việc xử phạt, thu giữ tài sản công dân vụ đổi 100USD ở Cần Thơ (sau hơn 9 tháng mới thông tin)… là những ví dụ điển hình.

Mặc dù, đã có những nỗ lực trong cải cách hành chính và đã có nhiều kết quả, nhưng cho đến bây giờ, mỗi người dân cũng như các doanh nghiệp khi có việc phải đến các cơ quan công quyền đều vẫn vấp phải những trở ngại nhất định, còn không ít những thủ tục rườm rà cản trở công việc. Khổ nhất với doanh nghiệp vẫn là các thủ tục nhùng nhằng về đất đai, hải quan… và rất nhiều sự vụ riêng lẻ như giấy phép xây nhà, xin nhập hộ khẩu của người dân… Phần lớn những bức xúc của doanh nghiệp và người dân vẫn do cán bộ thừa hành nhiệm vụ gây ra (do thiếu năng lực, hoặc cố tình diễn giải sai chính sách… nhằm sách nhiễu doanh nghiệp, người dân, để hưởng lợi cá nhân). Người dân hẳn vẫn chưa quên việc cấm đăng ký thêm xe gắn máy, cấm để xe trên vỉa hè (nhưng lại cho để dưới lòng đường); thu phí tràn lan ở nhiều lĩnh vực… Rồi bao nhiêu văn bản, quyết định khác được ban hành sau một thời gian phải thu hồi, bãi bỏ bởi kém hiệu lực và trái lòng dân.

Tất cả những điều đó đang cho thấy năng lực quản lý của một bộ phận các cấp chính quyền đang có vấn đề: Đó là sự bất lực, yếu kém, thụ động trong công tác quản lý. Hay nói cách khác, yếu tố chất lượng nguồn lực đang tỷ lệ nghịch với yêu cầu thực tế. Cái tâm, cái tầm của người quản lý chưa xứng tầm nhiệm vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để xứng tầm nhiệm vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO