Bộ TN&MT lấy ý kiến thông tư về xử lý chất thải rắn
Chiều 2/8, tại TP.HCM, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp đốt, xử lý chất thải cồng kềnh, xử lý nước thải phát sinh khu vực phía Nam.
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT), các nhà khoa học, lãnh đạo các Sở TN&MT, Chi cục Bảo vệ môi trường, các công ty môi trường đô thị, các công ty vận hành nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt của 31 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) cho biết: Trong thời gian vừa qua, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nước ta đã có nhiều chuyển biến. Nhiều loại công nghệ mới được áp dụng trong thực tiễn, đặc biệt là công nghệ đốt đã góp phần giảm thiểu xử lý bằng công nghệ chôn lấp, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, tạo ra giá trị gia tăng…
Đồng thời, sự hình thành các cơ sở xử lý chất thải cồng kềnh, các cơ sở xử lý nước thải phát sinh từ quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang đề ra nhu cầu trong thực tiễn phải có định mức kinh tế - kỹ thuật phù hợp để vận hành.
“Chính vì vậy, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã nghiên cứu, xây dựng Thông tư quy định định mức kinh tế - kỹ thuật xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp đốt, xử lý chất thải cồng kềnh, xử lý nước thải phát sinh trong quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt” – ông Hoàng Văn Thức nói.
Cũng theo Cục trưởng Hoàng Văn Thức, đây là những định mức kinh tế- kỹ thuật lần đầu được nghiên cứu xây dựng, có hàm lượng kỹ thuật cao. Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã và đang tích cực phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành cũng như các địa phương để tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, xây dựng dự thảo Thông tư đảm bảo khoa học, chất lượng và phù hợp với thực tế.
Theo dự thảo Thông tư, định mức kinh tế - kỹ thuật gồm các loại: định mức lao động, dụng cụ lao động, tiêu hao vật liệu, tiêu hao năng lượng, tiêu hao nhiên liệu, sử dụng máy móc, thiết bị…để hoàn tất một quá trình xử lý, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường.
Đây sẽ là tài liệu để UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và giá tối đa dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp đốt; xử lý chất thải cồng kềnh; xử lý nước thải phát sinh trong quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải phù hợp với thực tế các địa phương, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các Sở TN&MT, các công ty môi trường đô thị, các công ty vận hành nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến cho dự thảo Thông tư.
Trên cơ sở ý kiến trao đổi, thảo luận các các đại biểu tại Hội thảo, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Thông tư để trình lãnh đạo Bộ TN&MT thẩm định, ban hành, đáp ứng yêu cầu đặt ra