Đê sông Lô bị xâm hại nhiều năm mà không xử lý dứt điểm

17/05/2017 00:00

(TN&MT) - Nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn các xã Phượng Lâu, Dữu Lâu và phường Bạch Hạc… thuộc TP Việt Trì hàng loạt doanh nghiệp đua nhau xâm hại đê...

(TN&MT) - Nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn các xã Phượng Lâu, Dữu Lâu và phường Bạch Hạc… thuộc TP Việt Trì hàng loạt doanh nghiệp đua nhau xâm hại đê điều nghiêm trọng. 
 
Cả một đoạn đê dài vốn là hành lang thoát lũ tại xã Phượng Lâu, Dữu Lâu và phường Bạch Hạc đã biến thành hàng chục bãi chứa cát, sỏi, vật liệu xây dựng khổng lồ, nối tiếp nhau trùng trùng, điệp điệp. Những bãi cát, sỏi sừng sững, cao hơn mặt đê hàng chục mét, thậm chí ăn sát vào chân đê khiến hệ thống đê điều bị xâm hại nghiêm trọng.
 
Thậm chí tại các bãi tập kết cát, sỏi, chủ bãi còn cho xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà cửa, kho bãi bằng bê tông kiên cố, có Công ty còn xây cả dãy nhà 2 tầng đồ sộ. 
 
Theo tìm hiểu, tại xã Phượng Lâu hiện có 5 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh bến bãi, bãi tập kết cát sỏi, vật liệu xây dựng, trong đó, có ba đơn vị thường xuyên tập kết vật liệu xây dựng cao quá mặt đê là Công ty TNHH MTV Thương Mại và xây dựng An Khang, Công ty cổ phần Tùng Ngọc và Công Công ty cổ phần Thượng Long. 
 
Những núi cát khổng lồ xâm hại thân đê tại địa bàn Tp Việt Trì
Những núi cát khổng lồ xâm hại thân đê tại địa bàn Tp Việt Trì
Trên địa bàn xã Dữu Lâu, hàng loạt doanh nghiệp xây dựng nhà ở, nhà xưởng, nhà điều hành không phép nằm trong hành lang thoát lũ như Công ty TNHH Cát Vàng, Công ty TNHH Vương Hoàng An và Công ty TNHH Hằng Hải… Các nhà xưởng, nhà ở của các công ty này xây dựng kiên cố như các trụ sở chính quyền. Hành lang đê tại đây còn bị biến thành các sân thể thao rộng rãi theo quy hoạch bài bản.
 
Còn ở phường Bạch Hạc, qua tìm hiểu phóng viên được biết, đây là phường quản lý về hành chính đối với doanh nghiệp nhưng thân đê lại thuộc sự quản lý của cơ quan quản lý Đê Tả Ngạn sông Hồng tại Vĩnh Phúc. Chính sự quản lý đan xen giữa các cơ quan chức năng dẫn đến tình trạng đê điều tại phường Bạch Hạc bị xâm hại cực kỳ nghiêm trọng.
 
Những núi cát khổng lồ xâm hại thân đê tại địa bàn TP. Việt Trì
Những núi cát khổng lồ xâm hại thân đê tại địa bàn TP. Việt Trì
 
Một cán bộ ở địa phương cho biết: Đây là khu vực giáp ranh nên các doanh nghiệp thường tranh thủ điều này để vi phạm như chồng chất cát quá quy định xâm hại đến thân đê. 
 
Không những vậy, theo phản ánh của người dân, hàng trăm xe chở cát ở đây hoạt động suốt ngày đêm. Đất, đá, cát rơi vãi xuống lòng đường, khói bụi mù mịt. Đặc biệt phần lớn là xe chở quá tải, chạy tốc độ rất cao nên làm cho đường bị hư hỏng nặng. Người dân đi qua các con đường này luôn nơm nớp lo sợ có thể bị tai nạn.
 
Được biết trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có tổng số 155 điểm kinh doanh bến bãi của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang hoạt động, chủ yếu tập trung trên tuyến sông Lô và sông Đà, trong đó chỉ có 75 điểm có quyết định giao, cho thuê đất trong đó được UBND tỉnh giao 37 bến bãi, được UBND huyện giao, ký hợp đồng cho thuê đất 17 bến bãi, được UBND cấp xã hợp đồng cho thuê 21 bến bãi; còn lại 80 bến bãi  tự  hoạt động, không có hồ sơ thủ tục sử dụng đất.
 
Các biên bản xử phạt hành chính đối với các đơn vị vi phạm đê điều tái diễn qua nhiều năm
Các biên bản xử phạt hành chính đối với các đơn vị vi phạm đê điều tái diễn qua nhiều năm
Mặc dù rất nhiều các cơ quan báo chí phản ánh về thực trạng xâm hại đê điều cũng như những hệ lụy về ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp làm bến bãi. Nhưng theo ghi nhận, đến nay, tình trạng các bến bãi vi phạm đê điều tại Phú Thọ vẫn không giảm. Vi phạm kéo dài từ năm này qua năm khác mà không được xử lý dứt điểm.
 
Ông Nguyễn Hùng Sơn (Chi cục trưởng chi cục đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Phú Thọ) cho biết, những doanh nghiệp xâm hại đê điều này đã tồn tại 7,8 năm nay mà không giải quyết dứt điểm được. Hàng năm Chi cục cũng lập biên bản vi phạm rõ ràng đối với các doanh nghiệp tại đây, nhưng doanh nghiệp vẫn cứ vi phạm.
 
"Cứ xử lý, yêu cầu dọn đi. Nhưng một thời gian khi vật liệu về, họ lại đổ vào phần lấn chiếm." - Ông Sơn nói.
 
Ông Sơn cho biết, Sở NN&PTNN tỉnh Phú Thọ đã từng đề nghị UBND TP Việt Trì chỉ đạo các phòng ban chức năng, UBND xã Phượng Lâu, Dữu Lâu kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm; yêu cầu các đơn vị phải giải phóng ngay các vi phạm chất tải vật liệu cát, sỏi trên mái đê, trong hành lang đê, bãi sông và dỡ bỏ phần đất đắp lấn ra bãi sông, khôi phục lại hiện trạng ban đầu; làm rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền, các tổ chức cá nhân để xảy ra các vi phạm nêu trên. Tại UBND các xã có rất nhiều các biên bản vi phạm của các đơn vị doanh nghiệp xâm hại đê điều nhưng cho tới nay việc xử lý không khác gì như “đánh trống bỏ dùi”.
 
Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...
 
Thái Bảo – Trường Sang
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đê sông Lô bị xâm hại nhiều năm mà không xử lý dứt điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO