Chủ động ứng phó với sạt lở đất
Để ứng phó với những nguy cơ cao về sạt lở đất, các tỉnh miền Trung đã chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó.
Theo phương án khoanh định các khu vực có khả năng sạt lở đất cao, nguy cơ đe dọa tính mạng con người, phương án bố trí quỹ đất và kế hoạch cụ thể di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tỉnh sẽ bố trí ổn định chỗ ở cho 3.553 hộ trên địa bàn 11 huyện miền núi và 7 huyện đồng bằng, ven biển; trong đó, tái định cư (TĐC) tập trung 420 hộ, TĐC xen ghép 860 hộ, ổn định tại chỗ 2.273 hộ với tổng kinh phí trên 334 tỷ đồng.
Ngoài ra, mục tiêu của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 là sẽ bố trí ổn định cho 8.101 hộ dân trên địa bàn 11 huyện miền núi; trong đó, TĐC tập trung 442 hộ, TĐC xen ghép 1.739 hộ, ổn định tại chỗ 5.920 hộ với tổng kinh phí là 385,488 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thanh Hóa còn phê duyệt 11 dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng ảnh hưởng thiên tai tại các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy, Quan Sơn, Lang Chánh, Thạch Thành, Như Xuân, Nông Cống và các dự án bố trí sắp xếp ổn định dân cư vùng ngập hồ Sông Mực, huyện Như Thanh và hồ Yên Mỹ, huyện Tĩnh Gia, với mục tiêu ổn định cho 4.395 hộ dân; trong đó, di dời theo hình thức xen ghép là 2.742 hộ, TĐC tập trung là 545 hộ, ổn định tại chỗ là 1.548 hộ với tổng mức đầu tư gần 370 tỷ đồng.
Dự án chống sạt lở tại Khối 4, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn được đầu tư 49 tỷ đồng đang dần hoàn thiện |
Còn tại tỉnh Nghệ An, giữa tháng 5/2020, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án hai dự án tại xã Mường Típ (huyện Kỳ Sơn) với tổng mức đầu tư khống quá 22 tỷ đồng và xã Mai Sơn (huyện Tương Dương) với tổng mức đầu tư 21 tỷ đồng.
Đây là dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư di dân tự do và di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai sạt lở và vùng đặc biệt khó khăn thuộc khu vực biên giới Việt – Lào, xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn và dự án Di dời khẩn cấp 49 hộ dân bản Phà Kháo, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương ra khỏi vùng sạt lở đất nguy hiểm.
Theo đó, dự án tại xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn có tổng mức đầu tư không quá 22 tỷ đồng. Dự án sẽ đáp ứng nơi ở mới cho 43 hộ dân vùng có nguy cơ cao sạt lở đất và 25 hộ dân di cư tự do tại bản Vàng Pao, xã Mường Típ, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, ổn định chỗ ở lâu dài cho người dân. Dự án Di dời khẩn cấp 49 hộ dân bản Phà Kháo, xã Mai Sơn (huyện Tương Dương) ra khỏi vùng sạt lở đất nguy hiểm với quy mô diện tích 5 ha; có tổng mức đầu tư 21 tỷ đồng cũng chuẩn bị được triển khai.
Trước đó, ngày 20/9/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định 1235/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư “Dự án khẩn cấp xử lý sự cố sạt lở đất tại khu vực khối 4, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn”. Chủ đầu tư của dự án được giao cho UBND huyện Kỳ Sơn làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án là 48 tỷ đồng. Hiện, dự án đang thi công và dự kiến sẽ hoàn thiện trong năm 2020 để người dân sớm trở lại làm nhà, ổn định cuộc sống.
Còn ông Lê Đức Giang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, thông tin: Sau ảnh hưởng nặng nề do đợt mưa lũ từ ngày 28 - 31/8/2019. UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các sở ban, ngành, UBND huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa thực hiện đầu tư xây dựng 13 khu TĐC tập trung cho 555 hộ dân với tổng số tiền trên 142 tỷ đồng. Cụ thể, tại huyện Mường lát 6 khu TĐC, huyện Quan Hóa 6 khu TĐC và huyện Quan Sơn 1 khu TĐC.
Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin, trong các năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư, gia cố hơn 80km kè bờ sông; đầu tư kè chống xói lở bờ biển với chiều dài 2,6 km ở các xã Hải Dương, Quảng Công, Phú Thuận, Vinh Hải... Có biện pháp xử lý kịp thời ở những khu vực bị sạt lở nguy hiểm; rà soát di dời các hộ dân sinh sống sát khu vực sạt lở, đặc biệt trong mùa mưa lũ.
Cập nhật thường xuyên bản tin cảnh báo sớm
Huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) đã chủ động triển khai nhiều biện pháp, các phương án phòng chống hiệu quả để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra,
Ông Nguyễn Trọng Huế, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Với phương châm lấy phòng ngừa là chính nên ngay từ đầu năm 2020, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện đã tập trung kiện toàn, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Ðồng thời, chỉ đạo các xã, các cơ quan, đơn vị chủ động cập nhật các bản tin cảnh báo sớm và tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo ứng phó với từng loại thiên tai, trong đó, tập trung nhất vẫn là mưa lớn, lũ quét, ngập lụt và sạt lở đất. Thành lập đội PCTT cấp bản có phương án, kế hoạch phân công, theo dõi trực lũ thường xuyên trên địa bàn. Triển khai và thực hiện nhanh, chính xác các chỉ thị, công điện của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh. Chuẩn bị sẵn các trang thiết bị cần thiết sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra các tình huống đột xuất do mưa lũ.
Thi công dự án đường vào khu tái định cư Huổi Po, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông |
Huyện đã chủ động kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN ở 14 xã, thị trấn; tăng cường tuyên truyền đến người dân về công tác phòng, chống lũ bão giảm nhẹ thiên tai. Bên cạnh đó, rà soát để di dời những hộ có nguy cơ ảnh hưởng của lũ ống lũ quét, sạt lở đất và vận động nhân dân di chuyển đến địa điểm an toàn trước mùa mưa lũ. Đặc biệt, khi xảy ra giông, lốc hoặc mưa lớn kéo dài, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các xã phối hợp với các đơn vị liên quan nhanh chóng chỉ đạo lực lượng dân quân, công an túc trực 24/24 giờ để kịp thời ứng cứu người dân.
Với phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”, khi xảy ra thiên tai, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN trực chỉ huy 24/24 giờ, để khi xảy ra thiên tai ở địa phương nào, sử dụng lực lượng ở địa phương đó, phối hợp cùng lực lượng vũ trang sẵn sàng làm nhiệm vụ theo kế hoạch.
Phòng NN&PTNT huyện Ðiện Biên Ðông đã phối hợp với các xã, thị trấn di dời được 15 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao với mức hỗ trợ 20 triệu/hộ. Phòng đang tiếp tục vận động các hộ dân di chuyển và lên phương án hỗ trợ các hộ dân đến nơi an toàn.
Sẵn sàng di dời dân cư ở những điểm nóng
Ngay từ đầu vụ năm 2020 tỉnh Lào Cai đã chỉ các huyện, các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã phường chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh thiên tai.
Đại diện Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lào Cai cho biết, tỉnh đã thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát nơi ở an toàn, sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống xấu; bố trí lực lượng, vật tư phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho nhân dân đặc biệt là việc sơ tán di dời dân cư ở các khu vực có nguy cơ cao.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp cơ quan thông tin truyền thông, nhất là tuyến thông cơ sở tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và dông, lốc... để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Lào Cai đang gấp rút sửa chữa các hồ bị hư hỏng để đảm bảo an toàn mùa mưa lũ |
Thành lập và kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, thực hiện trực ban 24/24 kịp thời xử lý các tình huống theo phương châm 4 tại chỗ. Tăng cường theo dõi diễn biến thời tiết thông tin kịp thời đến các hộ dân để chủ động phòng tránh.
Tỉnh Lào Cai có khu du lịch quốc gia Sa Pa thu hút hàng 100 nghìn người tới du lịch mỗi năm, do đó, trong mùa mưa lũ thì việc đảm bảo giao thông thông suốt là yếu tố cực kỳ quan trọng. Vì vậy, Ban Chỉ huy PCTT& TKCN tỉnh đã chỉ đạo thị xã Sa Pa đã yêu cầu các chủ đầu tư dự án giao thông trên địa bàn chuẩn bị kỹ các phương án đảm bảo an toàn giao thông ngay từ đầu năm.
Thiết lập điểm đo mực nước, cảnh báo lũ
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Phù Yên phối hợp với Chi cục Thủy lợi tỉnh Sơn La kiểm tra kết quả cắm các điểm đo mực nước và cảnh báo lũ trên suối Tấc tại 5 điểm thuộc 4 xã; bàn giao tài liệu Hướng dẫn thực hiện phòng, chống lũ theo cấp báo động do Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Sơn La phát hành.
Mùa mưa lũ 2020 đã cận kề, huyện Phù Yên tiếp tục quán triệt phương châm phòng là chính, hạn chế đến mức thấp nhất mọi thiệt hại về người và tài sản của nhà nước và nhân dân. UBND huyện đã giao Phòng NN&PTNT (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy) chỉ đạo kiểm tra việc xây dựng, thực hiện phương án PCTT&TKCN theo phương châm 4 tại chỗ của các cấp các ngành, UBND các xã, thị trấn. Rà soát, phân công cụ thể cho các thành viên thường xuyên duy trì trực bão lũ, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. Phân công trực, đặc biệt là những ngày dự báo bão, lũ, mưa lớn.
Huyện Phù Yên đã cắm 116 biển cảnh báo tại các điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét |
Kiểm tra, rà soát các công trình hạ tầng cơ sở về thủy lợi, hồ chứa, chỉ đạo hoàn thành các công trình đầu mối trước mùa mưa bão. Kiên quyết xử lý nghiêm những sai phạm về an toàn các hồ đập và thoát lũ. Chỉ đạo rà soát toàn bộ các hộ dân đang ở tại các vị trí có nguy cơ ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai và tuyên truyền, vận động người dân di chuyển đến điểm an toàn.
Giao các đơn vị có phương án huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị để xử lý tình huống cứu nạn khi có thiên tai xảy ra. Chuẩn bị phương án giải tỏa ách tắc giao thông, đảm bảo thông tin liên lạc khi có tình huống thiên tai xảy ra. Chủ động dự trữ thuốc phòng chống dịch bệnh và các nhu yếu phẩm cần thiết cho phòng chống thiên tai, nhất là đối với vùng sâu, vùng cao, vùng giao thông đi lại khó khăn, thường xuyên bị ách tắc trong mùa mưa lũ.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, huyện Phù Yên đã hỗ trợ gần 1,2 tỷ đồng từ nguồn Dự phòng ngân sách huyện và Quỹ cứu trợ thiên tai, hỏa hoạn huyện, để di chuyển nhà ở cho 43 hộ dân sang nơi ở mới an toàn; hỗ trợ một phần kinh phí khắc phục nhà ở bị thiệt hại và khôi phục lại diện tích cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại do mưa dông.