ĐBSCL: Lo đợt triều cường sắp tới không được chủ quan

16/10/2018 14:27

Tại TP Cần Thơ đoàn công tác Tổng Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) đến kiểm tra thực địa tại cồn Khương, quận Ninh Kiều và cồn Sơn thuộc quận Bình Thủy (TP Cần Thơ)...

Đoàn công tác Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cùng với cán bộ các Viện Quy hoạch thủy lợi, Viện khoa học Thủy lợi Miền Nam, do ông Đỗ Văn Thành, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi làm trưởng đoàn đã đến khảo sát, kiểm tra tại một số địa phương các tỉnh Đồng Tháp, An Giang thuộc vùng lũ và TP Cần Thơ đang bị ngập sâu bởi triều cường; Đồng thời tiếp tục rà soát công tác chuẩn bị đối phó trước con nước sắp tới.

Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn và diễn biến triều cường thực tế tại các tỉnh chịu ảnh hưởng ngập lụt sâu vừa qua, thông tin: Tuy mực nước đang hạ dần, đời sống sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, gián đoạn bắt nhịp trở lại bình thường, nhưng đón đọt triều cường sắp tới có nhiều khả năng lên cao.

triều cường ở Cần Thơ
Đoàn công tác Tổng Cục Thủy lợi kiểm tra các tuyến đê bao trên cồn Khương - TP Cần Thơ

Tại TP Cần Thơ đoàn công tác Tổng Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) đến kiểm tra thực địa tại cồn Khương, quận Ninh Kiều và cồn Sơn thuộc quận Bình Thủy (TP Cần Thơ). Chịu ảnh hưởng nặng nhất ở cồn Khương, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều có 2 đoạn đê xung yếu bị phá vỡ do đợt triều cường dâng cao, ngập lụt sâu. Khu vực này có 20 hộ dân phải sơ tán, di dời đồ đạc, thú nuôi; một số vườn cây ăn trái bị ngập lụt, đe dọa các ao nuôi cá tra, giao thông đi lại cách trở, gian nan. Đặc biệt trên các cồn nổi trên sông Hậu, đời sống sinh hoạt của bà con dân cư đang bị ít nhiều đảo lộn so với ngày thường.

Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm Cứu nạn (PCTT-TKCN) TP Cần Thơ, cho biết: Đợt triều cường có mực nước kỷ lục vừa qua đã làm nhiều khu vực ở nội ô TP Cần Thơ và các quận Bình Thủy, Ô Môn, Cái Răng bị ngập sâu. Trong đó, Cồn Khương và Cồn Sơn nước tràn bờ và vỡ đê bao. Tuy nhiên cácngành chức năng và các quận đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp ứng phó kịp thời. Tại cồn Sơn (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy) nước ngập tràn bờ đê, ảnh hưởng sinh hoạt, sản xuất của nhiều hộ dân... Ngay sau khi sự cố xảy ra, lực lượng ứng cứu tại chỗ cùng với người dân và điều động các phương tiện cơ giới để gia cố, khắc phục sạt lở, bảo vệ đê bao đắp đê bao lên cao. Đây là cách chủ động đối phó trước con nước triều cường Rằm tháng Chín sắp tới.

Ông Đỗ Văn Thành, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy lợi - Bộ NN-PTNT ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động của TP Cần Thơ trong công tác ứng phó, theo dõi mực nước hằng ngày, cũng như thường xuyên kiểm tra xem những nơi xảy ra sự cố do triều cường, nước lũ gây ra kịp thời khắc phục, bảo vệ đê bao. Tuy nhiên, Tổng Cục Thủy lợi, dự báo triều cường và nước lũ đang rút nhưng đề phòng diễn biến phức tạp trong tháng 10 và 11/2018. Do đó Tổng Cục Thủy lợi đề nghị Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ cần tiếp tục bố trí người kiểm tra thường xuyên, theo dõi các bờ bao xung yếu, gia cố những đoạn đê bị sạt lở ở các cồn trên sông Hậu, chuẩn bị sẵn sàng biện pháp ứng cứu kịp thời tránh sự cố xấu có thể xảy ra.

Theo ông Đỗ Văn Thành, trong những ngày kiểm tra, kiểm soát vùng chịu ảnh hưởng lũ ở Đồng Tháp vừa qua, ở một số vùng ngập sâu và trung tâm Đồng Tháp Mười, chỗ sâu nhất đo được trên 4 m.

Dự kiến khoảng 2 tháng sau nước mới rút hết. Do vậy chuẩn bị sản xuất vụ ĐX (2018-2019) sắp tới các địa phương cần theo dõi sát diễn biến mực nước trên sông và nội đồng.

Hiện nay phần lớn diện tích lúa TĐ ở Đồng Tháp thu hoạch sắp hết. Một phần diện tích lúa còn lại trên đồng đang trổ, tỉnh Đồng Tháp đang theo dõi, đôn đốc người dân tôn cao đê bao tránh bị thiệt hại do con nước sắp tới.

Trong khi đó tại An Giang, đoàn công tác đi dọc theo tuyến biên giới, qua các kênh thoát lũ ra biển Tây, kiểm tra các đập Trà Sư, Tha La…nhận thấy sự vận hành khá tốt. Đồng thời qua đó các cán bộ chuyên môn ghi nhận sự phát triển các khu đô thị, các tuyến bờ bao xem xét có ảnh hưởng nhiều đến dòng chảy, thoát lũ; Rà soát đối chiếu lại số liệu mực nước trong các đợt lũ lớn ở vùng thượng ĐBSCL vào các năm 2011 và 2018.

Từ đó Tổng cục Thủy lợi sẽ phối hợp với các địa phương triển khai Dự án quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL theo Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL; Đề xuất kế hoạch điều chỉnh bổ sung vào quy hoạch tổng thể thủy lợi của vùng trong thời gian tới cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, thích ứng với điều kiện của từng vùng, từng khu vực.

Bà Akiko Fujii – Phó Giám đốc Quốc gia UNDP (Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam): Theo chỉ số rủi ro thiên tai toàn cầu 2018, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, hơn 1% GDP quốc gia thiệt hại, mức thiệt hại có thể tăng từ 3-5% GDP vào năm 2030.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBSCL: Lo đợt triều cường sắp tới không được chủ quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO