Nhiều bất cập
Theo Cục Đăng ký đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai), thời gian qua, Bộ Chính trị, Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết về tiếp tục rà soát, sắp xếp, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp, tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông lâm điển hình như: Nghị quyết số 30-NQ/TW, Nghị quyết số 112/2015/QH13. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về thực hiện Nghị quyết số 112.
Các Bộ, ngành đã ban hành 12 Thông tư và nhiều văn bản hướng dẫn chỉ đạo thực hiện việc rà soát, sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp, tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông lâm trường.
Các địa phương đã thực hiện rà soát, sắp xếp, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp. Đồng thời tiến hành cắm mốc ranh giới, đo đạc ranh giới, xây dựng bộ hồ sơ pháp lý về ranh giới sử dụng đất chính xác, đáp ứng yêu cầu quản lý; xây dựng và phê duyệt phương án kinh doanh sản xuất, phương án sử dụng đất của các công ty thuộc đối tượng rà soát, sắp xếp theo quy định.
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 7/1/2020 phê duyệt Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông, lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118, Ban Quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 1/3/2020 về ổn định di dân tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường.
Triển khai thực hiện hiện Nghị quyết, Quyết định này, Bộ TN&MT đã chỉ đạo hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện, tổng hợp nhu cầu kinh phí của địa phương gửi về Bộ Tài chính đề nghị hỗ trợ cho các địa phương thực hiện Đề án.
Theo Cục Đăng ký đất đai, thời gian qua, việc giải quyết, xử lý các vấn đề đất đai để sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty nông, lâm nghiệp còn hạn chế, đạt tỷ lệ thấp, tiến độ chậm; hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất vẫn chưa được cải thiện rõ rệt.
Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng đất không đúng đối tượng, mục đích vẫn còn xảy ra khá phổ biến; việc lấn, chiếm, tranh chấp đât đai còn phức tạp. Đặc biệt, tình trạng tự ý phân lô, tách thửa, mua đi, bán lại chưa được khắc phục mà vẫn còn nhiều nguy cơ tiếp diễn.
Ngoài ra, vẫn chưa giải quyết triệt để được việc người dân thiếu đất ở, đất sản xuất, tình trạng di dân tự do vẫn xảy ra; vẫn tiềm ẩn nguy cơ rừng và đất rừng tiếp tục bị tàn phá, nguy cơ suy thoái môi trường tăng cao.
Nguyên nhân của việc này do, đất nông, lâm trường có lịch sử hình thành lâu đời, diện tích rộng lớn, thường ở trong địa bàn vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở, chia cắt, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Mặt khác, chính sách pháp luật đất đai các thời kỳ còn thiếu chặt chẽ, có những giai đoạn các địa phương và các nông lâm trường còn buông lỏng quản lý. Đồng thời, việc thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước về rà soát, sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các nông lâm trường của các địa phương chưa quyết liệt. Việc đầu tư kinh phí để triển khai các nhiệm vụ tăng cường quản lý đất đai không được đảm bảm….
Nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông lâm trường. Ảnh: MH |
Ưu tiên giao, cho thuê đối với người dân tại chỗ
Để giải quyết những vấn đề nay, Cục Đăng ký đất đai đề xuất, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, thay thế quy định về giao khoán đất nông, lâm nghiệp bên trong các công ty nông, lâm nghiệp sau khi sắp xếp và hoạt động theo mô hình mới như: chuyển thành hợp đồng liên doanh liên kết, hay hợp đồng kinh tế…
Cần có chính sách đặc thù để xử lý đối với trường hợp người đang sử dụng đất bên trong phần diện tích bên trong phần diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp giữ lại, phần bàn giao về địa phương và về đất giao cho đồng bào dân tộc thiểu số và người dân di cư tại địa phương từ phần diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương.
Đặc biệt, cần xác định cụ thể cơ chế tài chính để mang lại nguồn thu tương xứng cho ngân sách Nhà nước đối với phần diện tích các công ty nông, lâm nghiệp giữ lại. Ngoài ra, cần tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương lập phương án sử dụng đất đối với quỹ đất các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương; ưu tiên giao, cho thuê đối với người dân tại chỗ nhất là những người đang trực tiếp nhận khoán, thuê, mướn lại đất các công ty để đảm bảo đất đai được sử dụng hiệu quả.
Theo số liệu tổng hợp từ Báo cáo của các địa phương, tính đến hết cuối năm 2019, tổng số công ty nông, lâm nghiệp và chi nhánh sau rà soát là 246 công ty với diện tích giữ lại là 1.868.538 ha, tại 45 tỉnh, thành phố. Trong đó, đất giao, khoán, liên doanh liên kết, cho thuê, mượn, đang có tranh chấp, bị lấn, chiếm là 245.787 ha, chiếm 13,15% tổng diện tích dự kiến giữ lại. Riêng diện tích đất đang có tranh chấp, lấn, chiếm (thực tế doanh nghiệp không quản lý được đất) là 56.669 ha, chiếm 3,03%.