Đất dịch vụ tăng giá mạnh
(TN&MT) - Sau làn sóng tăng giá chung cư, nhiều nhà đầu tư đã "chốt lời" quay sang mua đất đấu giá, đất dịch vụ, đất giãn dân. Chính vì vậy, giá các loại đất này sau Tết đã tăng rất mạnh, tương ứng 20%.
Giá đất nền tăng mạnh
Khu đất giãn dân Đồng Mai (Hà Đông, Hà Nội), 2 tháng nay tăng 5 - 10 triệu đồng/m2. Những lô đất mặt đường to rộng có giá 82 triệu đồng/m2; khu đường nhỏ hơn giá 70 - 72 triệu đồng/m2. Bà Nguyễn Thị Hạnh (môi giới khu Đồng Mai) cho biết, đất giãn dân, đất dịch vụ có lợi thế pháp lý sổ đỏ, người dân được tự xây dựng nên việc mua đi bán lại rất nhanh. Gần đây, giá chung cư tăng cao, nhiều người đã bán chung cư chuyển sang mua đất nền. Vì vậy, lượng hàng gửi bán khan và giá đất tăng rất nhanh.
Tìm hiểu tại huyện Hoài Đức, giá đất dịch vụ các khu vực như Trạm Trôi là 72 triệu đồng/m2; đất dịch vụ Vân Canh là 85 - 110 triệu đồng/m2; đất dịch vụ Song Phương giá 60 - 70 triệu đồng/m2; đất dịch vụ Kim Chung - Di Trạch giá 100 - 110 triệu đồng/m2. So sánh với giá đất dự án, mức giá thực tế cao hơn 10 - 20 triệu đồng/m2.
Với khoản tài chính hơn 4 tỷ đồng, gia đình anh Nguyễn Minh Trí (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đang muốn đầu tư 1 lô đất dịch vụ khu An Thọ (xã An Khánh, Hoài Đức). Tuy nhiên, quá trình tìm hiểu cho thấy, giá loại đất này hiện nay đang giao dịch 100 - 120 triệu đồng/m2, tăng gấp đôi so với năm 2022. Vì vậy, gia đình anh đang phải cân nhắc lại, chưa chốt mua thời điểm này.
Cũng như anh Trí, một số nhà đầu tư với nguồn tài chính dưới 2,5 - 3 tỷ đồng cũng đang "săn" đất nền ven trung tâm. Tuy nhiên, đa số nhà đầu tư lắc đầu cho rằng, giá bất động sản đang quá cao.
Chị Phan Hoài Thu (quận Đống Đa) chia sẻ, chị đang tìm mua nhà đất tại quận Thanh Trì vì thấy khu vực này hiện giá thấp hơn khu vực Hoàng Mai và Hà Đông. Tuy nhiên, mặt bằng giá bán đã vượt xa tầm tài chính của chị.
"Đất đấu giá khu vực các xã trung tâm huyện dao động 125 - 130 triệu đồng/m2, các khu xa trung tâm 60 - 70 triệu đồng/m2. Thực sự, với nguồn tài chính 3 - 4 tỷ đồng, khó có thể mua được đất các quận ven nội thành Hà Nội" - chị Thu nói.
Tìm hiểu của phóng viên qua một số đơn vị môi giới khu vực đất ven đô cho thấy, nhu cầu tìm hiểu đất dịch vụ, đất nền thời gian qua có tăng hơn so với những tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, số lượng giao dịch thành công chỉ ở mức không cao so với nhu cầu tìm kiếm.
Anh Hoàng Dũng - một chủ văn phòng môi giới tại khu vực Hoài Đức cho biết, những tháng cuối năm 2023, đầu năm 2024, số lượng nhà đầu tư qua văn phòng môi giới có tăng nhưng giao dịch thì chưa cải thiện. Đa phần nhu cầu tìm kiếm của nhà đầu tư dao động với tài chính từ 1,5 - 2 tỷ đồng.
Liệu nhà đất có tăng giá ảo?
Khi thị trường chung cư đang bị xem là "giá như lên đồng" thì hiệu ứng đất nền tăng giá là tất yếu. Bởi giá đất nền thường cao gấp 2 - 3 lần giá chung cư. Chung cư tăng giá là nguyên nhân dẫn đến giá đất nền dự án, đất đấu giá, đất dịch vụ... tăng theo.
Chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh - Hiệp hội Bất động sản nhìn nhận, việc thiếu hụt nguồn cung là nguyên nhân lớn nhất khiến giá đất tăng. Điều này khiến cho người mua rơi vào tâm lý lo lắng ngày càng khó có khả năng mua được nhà. Giá nhà cao và ngày càng xa so với mức thu nhập. Tuy nhiên, thị trường đang có hiện tượng bị đẩy giá, do cầu lớn, sản phẩm khan hiếm. Việc này đã tạo cơ hội cho một bộ phận đầu cơ tham gia làm nhiễu loạn thị trường. Vì vậy, người mua cần tỉnh táo trước các quyết định của mình. Theo dự báo, thị trường vẫn tiếp tục đà bị đẩy giá và sẽ chững lại trong đầu năm 2025. Đến năm 2026, khi hàng loạt dự án nhà ở xã hội đưa vào sử dụng sẽ là tác nhân lớn làm bình ổn thị trường và quỹ nhà sẽ trở nên phong phú.
Như vậy, dù ít giao dịch, phân khúc không phục vụ đại đa số người dân và nhu cầu ở thực... nhưng phân khúc liền kề, biệt thự vẫn bị cuốn vào "cơn lốc" tăng giá. Khi giá bất động sản được ví "như lên đồng", khuyến cáo đưa ra vẫn là sự tỉnh táo của người mua bởi bài học về bong bóng bất động sản thời gian qua để lại quá nhiều hệ lụy khiến nhiều người rơi vào vòng xoáy để rồi chôn vốn nhiều năm.
Gia tăng nguồn cung bằng cách tháo gỡ pháp lý các dự án; phát triển nhà ở xã hội hay phân khúc sơ cấp - phân khúc phù hợp với đại đa số người dân... là các giải pháp đã được nhắc nhiều. Tuy nhiên, để có thể nhìn nhận giá nhà đất hiện tăng giá thật hay chỉ là "ảo giá", "thổi giá", rất cần sự minh bạch trong thông tin. Để có thể "minh bạch" thông tin, không chỉ xây dựng cơ sở dữ liệu mà còn rất cần sự chính xác trong số liệu, qui hoạch khi công báo.
Thêm vào đó, cần cả chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa các hành vi thao túng, làm giá với thị trường bất động sản. Điều này cũng đã được nhìn nhận và đề cập khi lấy ý kiến xây dựng Luật Kinh doanh bất động sản.
Như vậy, để thị trường phát triển theo hướng minh bạch, bền vững, ngoài các giải pháp mà Chính phủ đã, đang nỗ lực thực hiện như phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số; giao dịch không tiền mặt... lúc này, cần một chế tài đủ mạnh để đưa nhà, đất trở về giá trị thật. Và, quan trọng vẫn là sự tỉnh táo của người dân khi cân nhắc mua một sản phẩm nhà đất. Đừng chạy theo tâm lý đám đông bởi việc này sẽ tạo cơ hội cho một bộ phận đầu cơ gây nhũng loạn thị trường.