Đảo ngược xu thế suy thoái môi trường biển Đông

22/06/2016 00:00

(TN&MT) - Đứng trước suy thoái nghiêm trọng môi trường biển Đông, Cơ quan Ðiều phối các biển Đông Á (COBSEA) đã vận động các nước thành viên, các tổ chức quốc tế tiếp tục khởi động Dự án “Đảo ngược xu thế suy thoái môi trường toàn cầu tại vùng biển Đông và Vịnh Thái Lan” mà  Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối thực hiện. Đây là dự án triển khai nối tiếp Chương trình hành động Chiến lược Biển Đông của COBSEA với sự tham gia của 7 nước thành viên: Campuchia, Trung Quốc, Indonexia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Việt Nam cùng quốc tế tích cực cải thiện môi trường biển

Đánh giá về nỗ lực của Việt Nam trong việc cùng COBSEA và các nước trong khu vục ngăn chặn suy thoái môi trường biển, lãnh đạo COBSEA bà Connie Chiang cho biết: Việt Nam là thành viên của COBSSEA từ năm 1994 và đã tham gia rất nhiều sáng kiến của COBSEA nhằm bảo vệ và ngăn chặn suy thoái môi trường biển. Có thể kế tới dự án quản lý rạn san hô ICRAN, một dự án xử lý, ngăn chặn suy thoái rạn san hô biển bằng việc sử dụng các bản đồ như một công cụ để quản lý đối tượng này. Một dự án khác là Dự án Green Fin cũng góp phần cải thiện các hoạt động về lặn biển tại Việt Nam và quản trị đại dương với Bộ Luật ứng xử GF được áp dụng đối với các chính sách quản lý tài nguyên và du  lịch.

Việt Nam cũng tham gia thực hiện việc áp dụng quy hoạch không gian biển và ngăn ngừa xói lở bờ biển và những vấn đề quan trọng phải giải quyết trong khu vực. Việt Nam đã tham gia rất nhiều dự án biển Đông do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ nhằm tăng cường quản lý môi trường sống và đa dạng sinh học có liên quan. Các hệ sinh thái mà các dự án hướng tới phục hồi, bảo vệ bao gồm rừng ngập mặn, cỏ biển, rạn san hô và đất ngập nước vùng bờ và từng bước kiểm soát, giải quyết được những tác động nguồn thải từ lục địa vào đại dương.

Biển Việt Nam có tính đa dạng sinh học cao nhưng đang trên đà suy thoái cần được ưu tiên phục hồi. Ảnh: MH
Biển Việt Nam có tính đa dạng sinh học cao nhưng đang trên đà suy thoái cần được ưu tiên phục hồi. Ảnh: MH

Dự án lần này sẽ tiếp tục hướng tới mục tiêu hỗ trợ các quốc gia tham gia hành động bảo vệ môi trường biển bằng việc hoàn thiện văn kiện dự án đệ trình lên Quỹ  Môi trường toàn cầu và cơ quan điều phối, từ đó, thông qua các trình hành động chiến lược về biển và môi trường biển vùng bờ trong khu vực biển Đông, với 3 hợp phần đó là: Hợp phần 1, Giảm suy thoái môi trường sống bằng việc quản lý môi trường sống vùng bờ sinh vật biển Đông; Hợp phần 2, Tăng cường kế hoạch hành động quản lý môi trường sống vùng bờ và ô nhiễm đất để giảm suy thoái môi trường biển Đông; Hợp phần 3, Tổng hợp và  hợp tác thực hiện chiến lược biển Đông cấp khu vực và cấp quốc gia.

Ngăn chặn đà suy thoái bằng hành động ưu tiên

Tại cuội Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện văn kiện Dự án đệ trình lên các cơ quan có liên quan, các nhà khoa học biển Việt Nam cho rằng, mặc dù, chúng ta đã thực hiện khá nhiều dự án, chương trình hành động cụ thể, tuy vậy, do tính chất dàn trải, nên mọi hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển chưa thực sự được giải quyết triệt để. Để thực hiện hành động “đảo ngược” xu thế ô nhiễm biển hiện nay, các chuyên gia phân tích, cần phải xác định một số nhiệm vụ ưu tiên để tập trung giải quyết. Theo đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay là quản lý và xử lý nguồn thải làm ô nhiễm môi trường vùng bờ. Những con số mà ông Nguyễn Công Minh, Trung tâm Quy hoạch và Quản lý tổng hợp vùng Duyên hải khu vực phía Bắc đưa ra trong cuộc Hội thảo là lời cảnh báo rõ ràng nhất về vấn đề ô nhiễm nguồn thải từ lục địa mà chúng ta chưa có giải pháp hữu hiệu xử lý. Đó là, chỉ tính riêng TP. HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thừa Thiên - Huế, một năm, các chất thải sinh hoạt thải ra biển tới 367 nghìn tấn COD, 215, 2 nghìn tấn BOB, 39,2 nghìn tấn N tổng số (N-T), 11,1 nghìn tấn P tổng số (P-T) và khoảng 848,7 nghìn tấn chất rắn lơ lửng (TSS). Nguồn thải công nghiệp thải ra biển 316 nghìn tấn COD, 119,1 nghìn tấn BOD, 42,9 nghìn tấn N – T, 5,2 nghìn tấn P- T  và 218 nghìn tấn TSS. Trong đó, các tỉnh thuộc loại thải trên 20 nghìn tấn COD/ năm trở lên có Bà Rịa Vũng Tàu, TP. HCM, Cà Mau, Khánh Hòa, Kiên Giang, Quảng Ninh. Nguồn thải nông nghiệp cũng không kém cạnh khi hàng năm thải ra biển 2,21 triệu tấn COD, 1,49 triệu tấn BOD và 15.5 nghìn tấn hóa chất bảo vệ thực vật, 6,4 triệu tấn là vật chất hữu cơ và thức ăn thừa (đó là chỉ tính riêng các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Định, Quảng Nam, Hà Tĩnh).

Một vùng biển mang tính đa dạng sinh học cao và diễn ra sôi động các hoạt động kinh tế cũng đang trên đà suy thoái cần được ưu tiên phục hồi đó là vùng đất ngập nước ven biển Việt Nam. Bởi lẽ, vùng đất ngập nước có rất nhiều chức năng đặc biệt quan trọng như: chức năng điều tiết nguồn nước ngầm; lắng đọng trầm tích, độc tố; tích lũy chất dinh dưỡng, điều hòa vi khí hậu, hạn chế lũ lụt, sản xuất sinh khối, duy trì đa dạng sinh học và chắn sóng, gió, bão, ổn định bờ chống xói lở và hạn chế sóng thần. Hiện, vùng đất ngập nước quan trọng này có 25% được sử dụng mục đích nuôi trồng thủy sản. Tuy vậy, hiện, vẫn chưa có quy chế quản lý đất ngập nước riêng phù hợp với đặc thù của từng loại hình đất ngập nước. Điều này, dẫn tới việc khai thác sử dụng nguồn tài nguyên đất ngập nước ven biển đang diễn ra một cách ồ ạt, thiếu quy hoạch. Việc người dân tự ý khai hoang để nuôi trồng thủy sản, mở rộng các khu dân cư, đô thị hóa, khu công nghiệp, phát triển giao thông phá vỡ quy hoạch… làm cho diện tích đất ngập nước tự nhiên bị thu hẹp, tài nguyên suy giảm, xói lở, bồi tụ, môi trường bị ô nhiễm nghiễm trọng đặc biệt là ô nhiễm dầu và kim loại nặng.

Ngoài ra, việc bảo vệ các loài san hô, thảm cỏ biển, nơi cư trú của các loài và đa dạng sinh học cũng đang rất cần có những giải pháp bảo vệ hữu hiệu. Bởi lẽ, trong vòng 10 – 15 năm gần đây, số lượng san hô, thảm cỏ biển đã giảm tới 50% trên vùng biển Việt Nam (theo điều tra thực tế và chụp ảnh vệ tinh) do khai thác quá mức và ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu làm nhiệt độ nước biển tăng…

Để thực thi hành động này, theo các chuyên gia nghiên cứu biển, cần có giải pháp quản lý nguồn thải từ các lưu vực sông ra biển; quản lý vùng đất ngập nước bằng quy hoạch cụ thể và tích cực tham gia các điều ước quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên có liên quan đến đất ngập nước vùng bờ. Đối với việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn cần củng cố đầu mối quốc gia mạng lưới các tỉnh ven biển, đảo có rừng ngập mặn, tăng cường hợp tác quốc tế, ứng dụng KHCN trồng rừng ngập mặn ở những nơi khó trồng, đồng thời, có cơ chế giám sát biến động rạn san hô, thảm cỏ biển để có chính sách tác động kịp thời .

Kim Liên 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảo ngược xu thế suy thoái môi trường biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO