Đánh giá tiềm năng tài nguyên cát sỏi 29 lòng sông

Mai Đan| 17/09/2020 23:29

(TN&MT) - Chiều 17/9, tại Hà Nội, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tổ chức hội thảo nhiệm vụ “Điều tra, hoàn thiện bản đồ địa chất các lòng sông chính vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; đánh giá tổng thể tiềm năng cát sỏi và khả năng tàng trữ nước của lòng sông, phục vụ phát triển bền vững kinh tế xã hội”. Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Nguyên chủ trì hội thảo.

Sáng kiến xây dựng hồ ngầm chống hạn ở lòng sông khô cạn

Đây là nhiệm vụ do Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) đề xuất trên cơ sở sáng kiến xây dựng hồ ngầm chống hạn ở lòng sông khô cạn.

Theo dự thảo nhiệm vụ phạm vi thực hiện của nhiệm vụ được xác định là các sông chính vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, bao gồm 29 sông thuộc danh mục lưu vực sông liên tỉnh ban hành theo Quyết định số 1989/QĐ-TTg ngày 1/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Văn Nguyên – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam phát biểu

Nhiệm vụ sẽ thực hiện thu thập, tổng hợp tài liệu về đặc điểm địa hình, địa mạo, địa chất, địa chất công trình, địa chất thủy văn, tiềm năng cát sỏi lòng sông; đặc điểm dòng chảy, lưu lượng nước, thủy động lực các con sông trong khu vực nghiên cứu; điều tra khảo sát, lập bản đồ địa mạo, địa chất, địa chất công trình, địa chất thủy văn tỷ lệ 1:50.000 các lòng sông.

Ngoài ra, thi công công trình hố, khoan trong thềm sông, bãi bồi (trên cạn) và lòng sông (dưới nước); lấy, phân tích các loại mẫu; đánh giá tiềm năng cát sỏi lòng sông và sa khoáng đi kèm; thành lập các mặt cắt địa chất thủy văn theo trắc diện ngang và trắc diện dọc lòng sông; thí nghiệm bơm, hút địa chất thủy văn; khoanh định các khu vực dọc lòng sông có điều kiện địa hình, địa mạo, địa chất, địa chất thủy văn thuận lợi, có khả năng tàng trữ nước phù hợp xây dựng các hồ ngầm tích trữ nước chống hạn cho vùng hạ lưu.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, xác lập các mô hình thủy động lực của các con sông; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên cát sỏi lòng sông; giải pháp chỉnh trị sông và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường địa chất, đảm bảo an ninh nguồn nước, phục vụ phát triển bền vững kinh tế xã hội.

Ông Nguyễn Tiến Thành - Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học

Theo ông Nguyễn Văn Nguyên – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, nhiệm vụ này nếu được triển khai, sẽ tạo cơ sở quản lý, khai thác, sử dụng lưu vực sông hợp lý, hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền Trung. Ngoài ra, cung cấp các giải pháp chống hạn, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước cho vùng khô hạn miền Trung; đồng thời giúp cho việc quản lý, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước hợp lý, hiệu quả; góp phần phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.

Hàng loạt góp ý cho đề cương nhiệm vụ

Tại hội nghị, các chuyên gia và các nhà khoa học đã góp ý cho một số nội dung của đề cương nhiệm vụ như: Tên nhiệm vụ, tính cấp thiết của nhiệm vụ, cơ sở pháp lý, phạm vi nghiên cứu, mục tiêu và sản phẩm của nhiệm vụ.

Theo ông Nguyễn Xuân Lương (Tổng hội Địa chất Việt Nam), những đề tài, nhiệm vụ mở mới tự đề xuất như nhiệm vụ này phải nêu bật 2 điểm chính gồm: tính cấp thiết của nhiệm vụ phục vụ cho nền kinh tế quốc dân và đối tượng mới của địa chất mà hiện nay chưa đơn vị nào triển khai. Trong đề cương, Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển phải thu thập, đưa ra nhiều hạng mục và số liệu về tầng trầm tích đáy sông, chứng minh đây là tầng quan trọng.

Đối với phạm vi đề án, TS. Chu Phượng Chí, Tổng thư ký Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, cần mở rộng ra cả vùng đồng bằng sông Cửu Long bởi đây là khu vực chịu tác động mạnh của hạn hán và xâm nhập mặn.

Toàn cảnh hội thảo

TS. Ngô Quang Toàn, Tổng hội Địa chất Việt Nam cho biết, cần xem xét lại tỷ lệ bản đồ thành lập, đối với toàn vùng có thể ở tỷ lệ 1/100.000, còn các khu vực tiềm năng cát sỏi và có khả thi xây dựng hồ chứa nước thì ở tỷ lệ chi tiết hơn 1/25.000 hoặc 1/10.000.

Về cơ sở pháp lý của nhiệm vụ này, TS. Trần Tất Thắng, Nguyên Trưởng phòng Địa chất, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam lưu ý: Trong đề cương đã nêu các cơ sở pháp lý để đề xuất nhiệm vụ này. Tuy nhiên, cần bổ sung một trong số cơ sở pháp lý quan trọng khác là Quy hoạch 1388, điều 23 của Nghị định 23/2020/NĐ-CP...

Kết thúc hội nghị, ông Nguyễn Tiến Thành - Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển khẳng định, những ý kiến góp ý của các nhà khoa học sẽ được Liên đoàn tiếp thu để chỉnh sửa và hoàn thiện nhiệm vụ này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá tiềm năng tài nguyên cát sỏi 29 lòng sông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO