Tài nguyên

Bộ TN&MT thẩm định đề án điều tra, đánh giá tiềm năng cát trắng các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam

Mai Đan 21/08/2024 - 20:51

(TN&MT) - Chiều 21/8, thừa ủy quyền của Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên, Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam Trần Bình Trọng chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định kết quả thực hiện đề án “Điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản cát trắng trên địa bàn các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Nam” (đề án).

Đề án do Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ (Cục Địa chất Việt Nam) chủ trì thực hiện.

img_9730.jpg
Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam Trần Bình Trọng phát biểu tại cuộc họp

Báo cáo tại cuộc họp, ông Hồ Hải Anh - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật, Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ, chủ nhiệm đề án cho biết: Đề án đã hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch giao, đánh giá được hiện trạng các mỏ trên diện tích đánh giá; hoàn thành công tác điều tra tỷ lệ 1:25.000 trên diện tích tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và một phần diện tích tỉnh Quảng Nam, qua đó lựa chọn được một số khu vực có triển vọng để đánh giá chi tiết tỷ lệ 1:10.000; tiến hành đánh giá 3 diện tích tỷ lệ 1:10.000 đạt kết quả tốt.

Đồng thời, hệ phương pháp kỹ thuật đúng như đề án thiết kế, có tính phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng điều tra và có tính khả thi cao. Đơn vị chủ trì đã lựa chọn lực lượng cán bộ kỹ thuật, công nhân thi công có năng lực để thực hiện đề án.

img_9693.jpg
Ông Hồ Hải Anh - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật, Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ báo cáo tại cuộc họp

Ông Hồ Hải Anh kiến nghị sớm đưa các diện tích đề án đề nghị chuyển giao thăm dò, khai thác bổ sung vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản của Chính phủ. Bên cạnh đó, cần sớm triển khai đánh giá khoáng sản tỷ lệ 1:10.000 trên các diện tích đề án khoanh định.

“Trong công tác điều tra hiện trạng mỏ tại các diện tích cấp phép khai thác titan sa khoáng sau khi kết thúc đã thu hồi khoáng sản titan tách bỏ được sét, các bãi tập kết cát và cát hoàn thổ được lọc sạch. Từ nhận định sơ bộ đây là một nguồn tài nguyên cát trắng khá lớn cần có chủ trương hợp lý để đánh giá cát trong các diện tích này”, chủ nhiệm đề án kiến nghị thêm.

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đã trao đổi, góp ý về mục tiêu của đề án; nội dung, giải pháp, phạm vi, thời gian thực hiện; sản phẩm của nhiệm vụ…

img_9705.jpg
GS.TS. Trần Nghi - Tổng hội Địa chất Việt Nam, ủy viên phản biện phát biểu tại cuộc họp

GS.TS. Trần Nghi - Tổng hội Địa chất Việt Nam, ủy viên phản biện đánh giá, đề án đã hoàn thành mục tiêu đề ra gồm: đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng cát trắng trên địa bàn các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Nam; xây dựng luận cứ khoa học định hướng thăm dò chi tiết, đánh giá trữ lượng cho việc cấp giấy phép khai thác.

Đánh giá về mục tiêu hoàn thành, TS. Trần Văn Miến - Tổng hội Địa chất Việt Nam, ủy viên phản biện nhận định, đề án đã làm rõ tiềm năng tài nguyên cát trắng, cát xám trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam; làm rõ tiềm năng khoáng sản đi kèm. Bên cạnh đó, nội dung thực hiện đúng quy trình quy phạm, khối lượng phù hợp được giao; giải pháp thực hiện đề án phù hợp.

img_9744.jpg
Ông Đinh Văn Thắng, Phó Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ tiếp thu ý kiến của các ủy viên Hội đồng

Kết luận cuộc họp, ông Trần Bình Trọng - Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam cho biết, với thời gian kéo dài (2014-2024), diện tích thi công rộng lớn, nhưng đơn vị chủ trì đã cơ bản hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của đề án. Các khối lượng, hạng mục công việc đã thi công và báo cáo tổng kết đã được Hội đồng thẩm định của Cục Địa chất Việt Nam nghiệm thu, thẩm định.

Nhìn chung công tác thi công các dạng công trình phù hợp diễn biến thực tế địa chất, cơ bản phù hợp khối lượng được giao theo các Quyết định điều chỉnh đề án và đủ cơ sở để lập báo cáo tổng kết.

Theo Cục trưởng Trần Bình Trọng, đề án đã có những đóng góp chính như: Các tác giả đã khảo sát theo mạng lưới toàn bộ các cồn cát ven biển, lấy mẫu tầng mặt, chụp ảnh địa hình của các loại cát có tuổi khác nhau; tiến hành khoan tay và khoan máy để phân chia các thân khoáng theo không gian 3D không chỉ đối với cát trắng mà cả cát vàng khuôn đúc ở các khu mỏ quan trọng như ở Ba Đồn (Quảng Bình), huyện Hải Lăng (Quảng Trị), huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế).

Các thân quặng được phân tích đồng bộ các dạng chỉ tiêu: thành phần độ hạt, thành phần hoá học (hàm lượng % các oxit). Hàm lượng (%) khoáng vật thạch anh và khoáng vật nặng; tính chất công nghệ và kỹ thuật của từng thân khoáng; đã tổng hợp được 42 thân khoáng của các loại hình khoáng sản cát khác nhau từ Quảng Bình đến Quảng Nam theo các tiêu chí: loại hình; nguồn gốc thành tạo; đặc điểm thân khoáng: thành phần hoá học, thành phần các cấp hạt, thành phần khoáng vật; công trình khống chế; quy mô lớn và tài nguyên (ngàn tấn).

"Đây là kết quả đáng trân trọng, có thể coi là luận cứ khoa học và kỹ thuật để giải bài toán phân tích chi phí lợi ích và cấp phép khai thác tài nguyên", Cục trưởng nhấn mạnh.

Đề án còn tính toán được tài nguyên khoáng sản cho tất cả 3 loại hình khoáng sản với 38 thân khoáng cho khoáng sản cát: cát trắng, cát thạch anh màu xám vàng và khoáng sản titan từ Quảng Bình đến Quảng Nam theo phương pháp khối địa chất; lựa chọn được diện tích để chuyển giao đánh giá, thăm dò và diện tích dự trữ quốc gia về khoáng sản. Kết quả đề án đã được cập nhật ngay cho Bộ Xây dựng xây dựng quy hoạch thăm dò, khai thác vật liệu xây dựng giai đoạn 2021- 2030.

img_9740.jpg
Quang cảnh cuộc họp

Tuy nhiên, Hội đồng đề nghị đơn vị chủ trì thực hiện bổ sung phần tổng quan tình hình nghiên cứu đánh giá tiềm năng của các thành tạo cát ven biển miền Trung nói chung và khu vực Quảng Bình - Quảng Nam nói riêng; bổ sung lịch sử hình thành các cồn cát; phần kết luận làm rõ thêm những kết quả đạt được; biên tập tiêu đề tên hình và biểu bảng lên trang đầu để dễ theo dõi…

Với những ý kiến góp ý và kết luận trên, Hội đồng thống nhất thông qua báo cáo có chỉnh sửa bổ sung và đề nghị đơn vị chủ trì tiếp thu sớm hoàn thiện báo cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TN&MT thẩm định đề án điều tra, đánh giá tiềm năng cát trắng các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO