Hội nghị đã đưa ra 5 chủ đề chính để các đại biểu đối thoại, bao gồm: Thích ứng và Phát triển; Chia sẻ thông tin và kiến thức Nam - Nam; Bắc – Nam; Tác động qua lại giữa thích ứng với biến đổi khí hậu và các thách thức của thế kỷ 21; Phương thức hợp tác, chuyển đổi nghiên cứu thành các chính sách và áp dụng trong thực tế; Tài chính cho thích ứng và tăng cường tính chống chịu biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Tương lai Thích ứng 2018, ông Niklas Hagelb, điều phối viên BĐKH của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho rằng, các đại biểu cần tập trung thảo luận 2 nội dung về xây dựng các chỉ số giúp đánh giá hiệu quả thích ứng và tài chính cho khí hậu.
Theo ông Ovais Sarmad, Phó Tổng Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), năm 2018 là năm quan trọng khi các quốc gia đang cùng nhau xây dựng hướng dẫn thực hiện Thoả thuận Paris về BĐKH, dự kiến được thông qua tại Hội nghị lần thứ 24 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 24) ở Ba Lan. Tại hội nghị này, UNFCCC kêu gọi các bên cùng hợp tác, tìm ra các giải pháp thích ứng để thực hiện mục tiêu toàn cầu về thích ứng.
Tại hội nghị, ông Patrick Child, Phó trưởng đại diện EU tiếp tục khẳng định cam kết của EU trong hỗ trợ các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu tại nhiều quốc gia.
Đại diện đoàn Việt Nam sẽ tham gia thảo luận tại phiên họp với chủ đề “Định nghĩa và đo đạc hiệu quả thích ứng”. Phiên hop nhằm phản ánh những nội dung đã và chưa thực hiện được liên quan đến vấn đề định lượng hiệu quả của các giải pháp thích ứng, bài học kinh nghiệm từ báo cáo Thiếu hụt thích ứng năm 2017 do UNEP công bố tại COP23. Kinh nghiệm báo cáo, đánh giá hiệu quả thích ứng cấp dự án, quốc gia, khu vực, toàn cầu cũng sẽ được chia sẻ tại phiên họp.
Lần đầu tiên Hội nghị quốc tế về Thích ứng BĐKH được tổ chức tại châu Phi kể từ Hội nghị thứ nhất năm 2010. Đầu năm 2018, thành phố Captown - nơi diễn ra Hội nghị - đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về thiếu nước sạch do ảnh hưởng từ đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm qua. Vào mùa hè, 4 triệu người dân thành phố CapeTown phải xếp hàng để lấy nước sạch. Nhiều tháng nay, người dân được yêu cầu phải dùng ít nước hơn, chỉ 50 lít/người/ngày. Chính quyền thành phố từng 2 lần hoãn “Ngày không nước (Day Zero)” (khoá các nhà máy cung cấp nước cho các hộ gia đình và các doanh nghiệp) và dự kiến sẽ công bố lại vào giữa tháng 7/2018. Nếu hạn hán và tình trạng thiếu nước tiếp diễn, lượng nước người dân được sử dụng sẽ giảm một nửa, còn 25 lít nước/người/ngày. Bà Patricia De Lillte, Thị Trưởng thành phố Captown cho biết, đợt hạn hán nghiêm trọng này đã khiến cư dân Captown thật sự cảm nhận được tác động của biến đổi khí hậu. Đây cũng là bài học để các thành phố, các nước đưa ra những chính sách quản lý, sử dụng nguồn nước phù hợp, hiệu quả để tránh phải đối mặt với Ngày không nước trong tương lai… Kết quả thảo luận cần được triển khai vào thực tiễn sau khi Hội nghị kết thúc. |