Đằng sau một bản án sơ thẩm - Bài 2: Các bản án còn nhiều thiếu sót

14/09/2015 00:00

(TN&MT) - Sau khi kiểm tra các tình tiết, Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Quy Nhơn đã có Quyết định kháng nghị số 772/QĐ/KNPT-DS ngày 10/9/2013, kháng nghị một số...

 

(TN&MT) - Như kỳ trước chúng tôi đã thông tin, khiếu kiện của gia đình bà Lê Thị Thương trong việc chuyển nhượng diện tích 6.800m2 mặt đầm hồ cho gia đình ông Lê Bá (ngụ tại Tổ 32, KV4, phường Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn, Bình Định) nên đã dẫn đến phiên tòa sơ thẩm tại TAND TP. Quy Nhơn ngày 22, 23 và 26/8/2013.

Do trình tự xét xử còn nhiều điểm thiếu sót và chưa đúng nên kết quả của Bản án Sơ thẩm số 162/DS-ST của TAND TP. Quy Nhơn là “Tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ xác lập ngày 01/01/2004 được chứng thực ngày 05/01/2004 giữa bà Lê Thị Thương và ông Lê Bá vô hiệu. Chấm dứt trước thời hạn hợp đồng thuê QSDĐ ngày 30/6/2001 giữa ông Nguyễn Kim Hùng và ông Lê Bá…”. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của gia đình ông Lê Bá nên ông đã kêu cứu và kháng án.

Sau khi kiểm tra các tình tiết, Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Quy Nhơn đã có Quyết định kháng nghị số 772/QĐ/KNPT-DS ngày 10/9/2013, kháng nghị một số nội dung tại Bản án dân sự sơ thẩm số 162/DS-ST của TAND TP. Quy Nhơn bởi một số tuyên bố chưa chính xác, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các đương sự. Đặc biệt bản Kháng nghị còn phân tích rõ việc “việc bản án nhận định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) được xác lập ngày 01/01/2004 giữa bà Thương và ông Bá là vô hiệu do bị lừa dối, xác định lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu hoàn toàn do ông Bá là thiếu khách quan, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên bị đơn. Mặt khác, Bản án chỉ căn cứ hợp đồng này vô hiệu do bị lừa dối và tuyên hủy hợp đồng mà không xem xét đến thời hạn yêu cầu Tòa tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu là trái với quy định tại Điều 145/BLDS năm 1995 và Điều 136/BLDS năm 2005” và đề nghị xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm.

Ở đây, chúng tôi sẽ phân tích vấn đề “xác định lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu hoàn toàn do ông Bá là thiếu khách quan” và một số thiếu sót trong quá trình xét xử, kể cả “thời hạn yêu cầu Tòa tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu” mà bản Kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân TP Quy Nhơn vừa đề cập.

Các Bản án còn nhiều thiếu sót.
Các Bản án còn nhiều thiếu sót.

Ông Bá không lừa dối

Lý do chính để Tòa Sơ thẩm tuyên hủy Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 05/01/2004 giữa bà Lê Thị Thương và ông Lê Bá là do ông Bá đã lừa dối để có được Giấy chứng nhận QSDĐ 6.800m2. Về điều này chính Tòa Phúc thẩm đã nhận định tại Bản án số 17/2014/DS-PT ngày 12/3/2014 rằng, Tòa Sơ thẩm tuyên như vậy là “chưa có cơ sở vững chắc”.

Tại Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 1995 đã quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây: 1/Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự; 2/Mục đích và nội dung của giao dịch không trái pháp luật, đạo đức xã hội; 3/Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện; 4/Hình thức giao dịch phù hợp với quy định của pháp luật.

Giao dịch giữa bà Thương và ông Bá phát sinh do nhu cầu của cả hai bên. Phía bà Thương do khó khăn không thể đầu tư nên có nhu cầu chuyển nhượng. Phía ông Bá có nhu cầu canh tác nên muốn sang nhượng lại. Giao dịch này bảo đảm cả về hành vi dân sự, quy phạm đạo đức lẫn nhu cầu và sự tự nguyện. Còn về hình thức, Điều 139 Bộ luật Dân sự năm 1995 có quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức: “Trong trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự vô hiệu, nếu không được thể hiện bằng văn bản, không được Công chứng nhà nước chứng nhận, không được chứng thực, đăng ký hoặc cho phép, thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện, thì giao dịch vô hiệu. Bên có lỗi làm cho giao dịch vô hiệu phải bồi thường thiệt hại”.

Nhưng ở đây, việc mua bán có văn bản, có xác minh rõ ràng của chính quyền địa phương, có sự thống nhất không tranh chấp. UBND TP. Quy Nhơn, nơi đại diện pháp luật “cầm cân nảy mực” đã chấp nhận nhu cầu của hai bên vì mục đích cho nhân dân tiếp tục sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Thế mới có những con dấu đỏ của chính quyền các cấp xác minh và công nhận quyền sở hữu 6.800m2 mặt hồ đầm cho ông Lê Bá. Gia đình Bà Thương đã nhận đủ tiền chuyển nhượng, gia đình ông Lê Bá canh tác ổn định đã 10 năm nay. Nếu không vì Nhà nước có chủ trương thu hồi trước thời hạn thì gia đình ông Bá đã không gặp “nạn”.

Viện KSND TP. Quy Nhơn cũng nhấn mạnh: Xác định lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu hoàn toàn do ông Bá là thiếu khách quan. Chúng tôi cũng cho rằng một mình ông nông dân Lê Bá quanh năm bán mặt cho đầm hồ, bán lưng cho mưa nắng liệu có đủ tài tạo dựng nên một Giấy chứng nhận QSDĐ qua mặt các cấp chính quyền địa phương nếu như không được sự đồng thuận cao từ phía gia đình bà Thương và pháp luật? Nếu Giấy chứng nhận này bị coi là vô hiệu thì trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đó thuộc về ai, ai đền bù thiệt hại cho ông Bá?.

Khu vực đầm hồ của các hộ dân trong diện thu hồi.
Khu vực đầm hồ của các hộ dân trong diện thu hồi.

Bản án nhiều thiếu sót

Trước hết, như Kháng nghị của Viện KSND TP. Quy Nhơn và Tòa phúc thẩm nhận định, Tòa Sơ thẩm có nhiều vi phạm quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự: Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa bà Thương, ông Bá được thực hiện xong ngày 07/01/2004; căn cứ Điểm b, Khoản 2 Nghị quyết số 45/2005-QH11 ngày 14/6/2005 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Dân sự quy định thì Thẩm phán Lê Thị Ngọc Dung phải áp dụng các quy định của Luật Dân sự năm 1995, chứ không phải mang quy định của Luật Dân sự năm 2005 ra áp dụng.

Thứ 2, lẽ ra khi đại diện gia đình bà Thương là ông Nguyễn Kim Hùng đã rút đơn khởi kiện đối với yêu cầu hủy Hợp đồng cho thuê QSDĐ ngày 30/6/2001 (BL 310) thì Tòa Sơ thẩm phải đình chỉ xét xử nội dung này, nhưng trên thực tế lại vẫn mang ra xét xử, giải quyết và tuyên “Chấm dứt trước thời hạn hợp đồng thuê QSDĐ ngày 30/6/2001 giữa ông Nguyễn Kim Hùng và ông Lê Bá”. Trên thực tế từ tháng 1/2004, hợp đồng thuê QSDĐ ngày 30/6/2001 đã tự hết hiệu lực khi hai bên chuyển nhượng xong và ông Lê Bá được UBND TP. Quy Nhơn cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Đó là chưa kể Tòa còn tuyên sai các giá trị tiền đền bù, hỗ trợ.

Thứ ba, cũng vì đẩy tội danh lừa dối cho ông Lê Bá và tuyên Hợp đồng chuyển nhượng là vô hiệu, nên Tòa Sơ thẩm “trượt” qua quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự về thời hiệu. Đúng ra, vì ông Bá không lừa dối nên theo quy định tại Điều 159 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 đã được sửa đổi, bổ sung 2011 thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm và Thời hiệu yêu cầu để Tòa án giải quyết việc dân sự là một năm, kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu. Thực tế, 6 năm sau khi chuyển nhượng, vì có chút tiền đền bù nên phía hộ bà Thương mới phát sinh khởi kiện. Xét cho cùng, đã quá thời hiệu khởi kiện để Tòa thụ lý hồ sơ này.

Tuy phiên tòa Phúc thẩm đã diễn ra, đã phân tích được nhiều thiếu sót, vi phạm của Tòa Sơ thẩm và tuyên hủy Bản án Sơ thẩm số 162/2013/DS-ST để điều tra xét xử lại. Tuy nhiên, Tòa Phúc thẩm diễn ra khi bà Lê Thị Thương đã qua đời được 6 tháng, mà khi xét xử, nguyên đơn vẫn là bà Lê Thị Thương, ủy quyền cho ông Nguyễn Kim Hùng. Đây lại là một thiếu sót vì pháp luật đã có quy định việc chấm dứt đại diện của cá nhân khi “Người ủy quyền hoặc người được ủy quyền chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết”.

Các phán quyết của Tòa còn liên quan rất nhiều đến quyền lợi người dân khi việc thu hồi đất, đền bù xảy ra mà chúng tôi sẽ đề cập trong bài tiếp theo.

Quốc Trung

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đằng sau một bản án sơ thẩm - Bài 2: Các bản án còn nhiều thiếu sót
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO