Rút kinh nghiệm từ công tác phòng chống thiên tai năm 2018, năm nay, Ban chỉ Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã yêu cầu các địa phương rà soát lại các khu vực có nguy cơ cao nếu xảy ra thiên tai, không loại trừ những vùng ít chịu ảnh hưởng trước đây nhưng có hệ lụy từ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, như: Bố trí dân cư vào vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét; xây dựng công trình giao thông chưa phù hợp cản lũ; xây dựng công trình không tính đến an toàn cho dân cư… Đặc biệt, khu vực đô thị có mật độ xây dựng cao, tập trung đông dân cư cần thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng trong mùa mưa bão năm 2019.
Cụ thể, các địa phương cần tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung các giải pháp ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu vào quy hoạch đô thị, khu dân cư phù hợp với đặc điểm địa hình, khí hậu và những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai như: lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất. Việc xác định mức độ ảnh hưởng với các tần suất mưa lũ xảy ra ở từng khu vực trên địa bàn nhằm giúp lựa chọn địa điểm tái định cư đảm bảo an toàn cho người dân, từng bước di dời dân cư theo quy hoạch.
Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực đô thị, cần tiến hành kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước nhằm đảm bảo việc chống ngập úng, kiểm tra các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình đầu và hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đô thị. Quy trình cắt tỉa cây xanh đô thị phải đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, đảm bảo an toàn điện, cung cấp nước sạch cho các vùng bị úng ngập.
Các công trình đang thi công xây dựng tiềm ẩn nhiều nguy cơ do chưa hoàn thiện các kết cấu hạ tầng, cần đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, công trình và các công trình lân cận, đặc biệt, chú ý đến cần trục tháp, máy vận thăng và các thiết bị trên cao. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cần rà soát, kiểm tra, kiểm định an toàn hồ đập trước mùa mưa bão; kiểm tra quy trình vận hành hồ đập nhằm đảm bảo an toàn cho lưu vực hạ du trong trường hợp phải xả lũ.