(TN&MT) - Chiều 20/09, sau 7 lần đưa ra xét xử sở thẩm , HĐXX TAND huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đã tuyên án 8 bị cáo trong vụ nhân viên bảo vệ Công ty Long Sơn, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông đánh người bị tàn phế diễn ra vào tháng 03/2015. Công ty Long Sơn chính là doanh nghiệp đã đưa lực lượng đi san ủi vườn điều của người dân, dẫn đến việc xã súng làm 3 người chết, 16 người bị thương gây xôn xao dư luận năm 2016.
Luật sư đối chất với bị cáo về việc dùng hung khí gây thương tích cho bị hại |
Mức án cụ thể của từng bị cáo như sau: Võ Văn Luân (27 tuổi, trú tại tại ấp Tân Lâm, xã Tân Hà, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) 8 năm 6 tháng; Phạm Thanh Long (29 tuổi) 7 năm 6 tháng tù; Trần Văn Bốn (31 tuổi) 6 năm tù , Nguyễn Khắc Duy (23 tuổi) 4 năm tù, Trương Thanh Dững (23 tuổi, cùng trú tại xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) 5 năm tù;; Trần Thanh Phú (24 tuổi) 5 năm tù, Trần Thanh Phong (25 tuổi) 6 năm tù, , Trần Văn Trí (18 tuổi), cùng trú xã Thanh An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, 2 năm tù treo, thời gian thử thách 4 năm.
Nhóm bị cáo công nhân công ty Long Sơn tại phiên xét xử |
Theo cáo trạng của VKSND huyện Tuy Đức, vụ án xuất phát từ nguyên nhân tranh chấp mảnh đất bỏ hoang không canh tác tại tiểu khu 1529, xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức) giữa anh em Trần Văn Thanh, Trần Văn Hanh, Trần Văn Huỳnh và Đào Công Bắc cùng trú xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, Bình Phước. Từ đây, Đào Công Bắc có “nhờ” Phạm Đình Phúc (cùng trú xã Bom Bo) đòi giúp đất và hứa bồi dưỡng. Chiều 03/03/2015, Phạm Đình Phúc rủ thêm nhóm của Bốn, Long và Phong; Long gọi thêm Duy và Phú cùng một số nhân viên bảo vệ của Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Long Sơn mang theo hung khí đến rẫy của Trần Văn Thanh. Tại đây, nhóm của Bốn xông vào đánh, chém những người trong gia đình của anh Thanh. Vụ truy sát khiến anh Trần Văn Thanh bị chấn thương sọ não, thương tật vĩnh viễn 90%, ba người khác trong gia đình anh Thanh cũng bị thương. Tuy nhiên, theo cáo trạng trong phiên tòa sơ thẩm lần thứ 7 đã có sự thay đổi. Theo đó, người đánh anh Thanh gây thương tích 89% là Luân (trước đó Luân được xác định gây thược tích 1%), còn Long gây thương tích 1% (trước đó Long được xác định gây thương tích 90%).
Tại phiên tòa, HĐXX cho rằng, tại các phần xét hỏi, tranh luận tại tòa, các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, một số nội dung trong cáo trạng được làm rõ để đảm bảo tích khách quan cũng như tránh việc bỏ lọt tội phạm.Theo đó, tòa yêu cầu cần làm rõ nguồn gốc đất nơi xảy ra tranh chấp; vai trò của một số đối tượng như: Đức, Phúc và Bắc (vai trò chủ mưu) trong vụ việc. Bên cạnh đó, việc bị cáo Bốn có nhìn thấy hay không việc bị cáo Luân đánh vào đầu ông Thanh khiến nhân gục xuống.
Bị hại Trần Văn Thanh bị đánh móp đầu, chấn thương sọ não với tổn hại 90% sức khỏe |
Luật sư bào chữa cho bị hại cho rằng, quá trình xét hỏi và tranh tụng tại tòa đã làm rõ được vai trò của Bắc, Phúc và đối tượng tên Đức nhưng cơ quan tố tụng lại không khởi tố là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.“Các bị cáo cho rằng, Bắc là người đề nghị nhóm của Bốn đến rẫy của ông Thanh để đòi lại đất và được hứa hẹn sẽ trả công. Còn Phúc là người đứng giữa giúp Bắc gặp nhóm của Bốn và cũng là người thuyết phục nhóm của Bốn đi đòi lại đất. Chứng tỏ các bị cáo cũng như các đối tượng đã có sự bàn bạc, thỏa thuận từ trước. Bên cạnh đó, tại tòa, bị cáo Bốn còn khai rằng, chính ông Bắc đã nói “Đến đó, nếu bọn nó láo thì đánh cho một trận”. Đây là hành vi chứng tỏ đối tượng Bắc là đồng phạm trong vụ án nhưng lại không đưa vào vụ án, không bị khởi tố là bỏ lọt tội phạm” – luật sư phân tích.
Sau khi phiên toàn kết thúc, trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Huỳnh em trai của người bị hại là Trần Văn Thanh cho hay “ ông và gia đình không đồng thuận với mức án mà HĐXX đưa ra đối với 8 bị cáo, bởi lẽ việc anh trai tôi sau khi bị đánh vẫn còn sống là nằm ngoài ý muốn của các bị cáo và trong lần xét xử này HĐXX chưa đưa các đối tượng đứng đằng sau xúi dục, chủ mưu ra trước pháp luật. Do đó, sau phiên toàn sơ thẩm lần này ông và gia đình sẽ làm đơn kháng cáo lên tòa án cấp cao hơn để đòi lại quyền lợi và công bằng cho gia đình”./.
Phạm Gia