Đắk Lắk: Công ty 720 "phát canh thu tô" thời hiện đại

04/11/2017 00:00

(TN&MT) – Số liệu không minh bạch trong quá trình giao khoán sản lượng cà phê và lúa nước giữa công ty TNHH MTV Cà phê 720 – gọi tắt là Công ty 720...

 

(TN&MT) – Số liệu không minh bạch trong quá trình giao khoán sản lượng cà phê và lúa nước giữa công ty TNHH MTV Cà phê 720 – gọi tắt là Công ty 720 (xã Cư Ni, huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk) với hàng chục công nhân nhận khoán gây nhiều tranh cãi, không được giải quyết dứt điểm trong nhiều năm khiến “cơn lốc” đơn khiếu nại ngày càng bủa đi khắp nơi. Tranh chấp gay gắt đã xảy ra…

Công ty 720 đang quản lý 575ha đất sản xuất nông nghiệp (306,7ha cà phê và 242 ha đất lúa, 26,3ha đất trồng màu). Theo nội dung đơn khiếu nại, kiến nghị của công nhân đang ký hợp đồng nhận khoán gửi đến nhiều bộ, ngành, cơ quan chức năng với nội dung bức xúc: “Vườn cây cà phê được trồng năm 1983. Đến năm 1991, thực hiện việc khoán gọn vườn cho công nhân theo hợp đồng kinh tế được ký kết giữa người lao động với Công ty 720 (trước đây là Nông trường 720) với giá trị vườn cà phê như sau: Giá trị vườn cà phê năm 1991 là 8,6 triệu đồng/ha, năm 1994 là 13 triệu đồng/ha, năm 1995 là 30 triệu đồng/ha (đây là thời điểm đỉnh cao của câ cà phê cho năng suất cao nhất – thời con gái) và áp dụng cho những năm tiếp theo. Thời gian nhận khoán thẳng vườn cây là 25 năm kể từ khi trồng đến hết vòng đời cây cà phê. Như vậy đến năm 2008 là hết giá trị vườn cây cà phê, những năm tiếp theo nếu cây còn cho thu hoạch thì năng xuất sẽ rất thấp (không đáng kể - vì cây già cỗi). “Thế nhưng gần 10 năm nay (từ năm 2008 đến nay), phía công ty 720 không những giảm sản lượng khoán mà vẫn giữ nguyên (tức là bắt lao động è lưng để nộp khoán), thậm chí công ty còn tăng thêm nhiều khoản phí lạ đời khác… chính vì thế mà người lao động làm đơn khiếu nại gửi đến Công ty 720 nhưng vẫn không được giải quyết thỏa đáng. Cứ mỗi lần công ty tổ chức họp là có rất nhiều ý kiến, bức xúc “tuôn ra” như vỡ tổ ong, công ty không giải quyết nên sau đó là đơn thư khiếu nại tiếp tục vượt cấp. Điều mà đa số công nhân bức xúc là những hợp đồng được ký kết năm 1991 giữa công ty với người công nhân đến nay vẫn chưa được thanh lý nhưng phía công ty tiếp tục ký thêm nhiều hợp đồng khác va các phụ lục hợp đồng “vẽ” ra các khoản thu tăng thêm… gây khó khăn cho công nhân.” – ông Lê Duy Thắng (công nhân đội 9) bức xúc.

“Chúng tôi đã thắc mắc về nhiều khoản thu vô lý, chẳng hạn như việc Công ty “đánh thuế” đến hai lần (tiền đóng BHXH đã thu trong hợp đồng giao khoán, nhưng lại tiếp tục thu thêm tiền mặt thêm một lần nữa), có những khoản không được tính vào chi phí để nâng mức giao khoán nhưng Công ty vẫn hạch toán để trừ tiền của công nhân… Điều hết sức bất công nữa là: Đất đai của nhà nước giao cho Công ty, Công ty ký hợp đồng giao khoán lại cho công nhân buộc phải lao động cật lực, đầu tư phân bón, kỹ thuật… mong đủ sản lượng để nộp khoán. Chưa tính đến giá cả không ổn định, hạn hán mất mùa, giảm năng suất… Cán bộ công ty chỉ ngồi chơi nhưng chúng tôi vẫn phải nuôi hàng chục cán bộ trung gian hưởng lương và lợi nhuận. Chẳng khác nào “phát canh thu tô” thời hiện đại!?. Hiện chúng tôi tiếp tục làm đơn yêu cầu Tổng công ty cà phê và các cơ quan chức năng giải thích về 13 khoản thu sai  của công ty 720” – bà Trần Thị Vân (công nhân đội 9) bức xúc.

“Có nhiều khoản thu rất mờ ám, cụ thể đã hết giá trị vườn cây cà phê hàng chục năm nhưng phía công ty vẫn thu các khoản sau (tính cho 01 ha cà phê gồm: Khấu hao tài sản cố định 606kg, Bảo hiểm y tế và công đoàn là 205kg, Chi phí quản lý 340kg, Vốn lợi tức 410kg, phát triển sản xuất tái canh 300kg, thuế 201kg, quỹ chờ phân bổ 497kg, Bảo hiểm xã hội 306kg… Tổng cộng là 3.649kg. Thậm chí phía công ty đã thu trong hợp đồng giao khoán là 306kg (tiền đóng Bảo hiểm xã hội) nhưng phía công ty vẫn bắt công nhân đóng thêm tiền mặt (tức là phải đóng 2 lần BHXH) – ông Nguyễn Đình Diện cho biết.

Từ việc giải quyết quyền lợi của công nhân không thỏa đáng, nên đến cuối tháng 10/2017, công ty 720 gấp rút triển khai thực hiện dự án tái canh cây cà phê đã gặp những phản ứng gay gắt vì quá trình định giá vườn cây của công nhân được tính bằng không (thu trắng), trong khi hợp đồng đã ký tại Khoản 3, Điều 3 có thỏa thuận “sau khi hoàn trả xong giá trị vườn cây cho nhà nước thì bên B (công nhân) được hưởng 70%, bên A (công ty) được hưởng 30% giá trị khấu hao cơ bản vườn cây”. Chưa giải quyết dứt điểm việc định giá khấu hao vườn cây, nên khi công ty đưa máy múc, máy đào vào vườn cây để thực hiện việc tái canh đã xảy ra xô sát làm phức tạp tình hình an ninh trật tự. Bà Lê Thị Noãn bức xúc: “Trong khi chưa thỏa thuận việc chốt giá vườn cây khấu hao với công nhân thì công ty đã đem máy móc đến làm rầm rầm khiến mọi người bức xúc, chạy ra ngăn cản, chửi bới lo ó ầm ĩ… Hôm ấy nếu không vướng gốc cây rừng thì xe ủi của công ty đã đè chết tôi và nhiều người rồi. Chúng tôi cương quyết đấu tranh đến cùng vì phía công ty “phát canh thu tô” mà không hề nghĩ đến quyền lợi của người lao động, xem người lao động quá rẻ mạt trong khi chính công sức của chúng tôi phải lao động để nộp khoán nuôi hàng chục cán bộ trung gian của công ty. Kể cả việc giá trị tái canh cây cà phê, lúc đầu công ty chốt giá chi phí đầu tư tái canh là 280 triệu đồng/ha, công nhân đấu tranh mãi công ty mới giảm giá xuống chỉ còn gần 160 triệu đồng/ha (có hứa sẽ trừ phần định giá vườn cây cũ).

Tương tự như hợp đồng cây cà phê, các hợp đồng giao khoán lúa nước cũng được công ty 720 thực hiện có nhiều điều khó hiểu. Theo hợp đồng ký kết giữa công ty với công nhân là tỷ lệ khoán ruộng lúa nước sẽ ăn chia theo tỷ lệ: Công ty 27,752%, người lao động được hưởng 72,248%. Trong quá trình triển khai, công ty đã trích khấu hao đồng ruộng là 3 triệu đồng/ha/năm, khấu hao tài sản khác là 1,4 triệu đồng/ha/năm, lãi suất vay đầu tư tài sản là 1,55 triệu đồng, chi phí vật tư, phân bón là 18,1 triệu đồng/ha/năm. tiền thuê đất ruộng lúa là 200 ngàn đồng/ha/năm… Tổng chi phí là 64,67 triệu đồng/ha/năm. Nếu tính theo giá thị trường, chi phí hiện nay thì người dân trồng lúa không lãi. Trong khi công nhân nhận ruộng phải đầu tư giống, phân bón, công, tiền đóng thủy lợi, sửa chữa kênh mương, tiền đóng làm đường đi nội đồng, thời tiết khắc nghiệt do hạn hán, giá hàng nông sản bấp bệnh… nhưng phía công ty không giảm định mức giao khoán.

Rồi đến công trình điện thắp sáng cũng có nhiều mờ ám. Bà Trần Thị Vân cho biết thêm: “Khi làm đường điện thắp sáng năm 1996 thì công ty vận động công nhân đóng góp tiền (từ 1- 1,2 triệu đồng/hộ). Khi khánh thành thì công ty đứng ra thu tiền điện cao hơn nhiều lần so với giá nhà nước quy định cho 1KW (công ty tự kinh doanh điện). Đến năm 2003, khi định giá, bàn giao công trình đường điện bàn giao cho công ty điện lực Đăk Lăk quản lý thì người công nhân không được biết giá trị còn lại của đường dây là bao nhiêu, không được trả lại phần đóng góp tương ứng với số tiền đã nộp. Khi công nhân lên hỏi thì phía lãnh đạo công ty cho rằng tiền thanh lý đường dây đã được trả nợ cho ngân hàng”?… Cuối năm 2016 tổng kết hội nghị CNVC, công ty thông báo cho toàn thể công nhân biết là lỗ hơn 10 tỷ đồng nhưng công ty lại báo với cấp trên là lãi hơn 2 tỷ đồng…?!”

Trước những bức xúc nói trên, PV tìm gặp ông Võ Khắc Công – Giám đốc công ty 720, cho rằng: “Công ty 720 đã có văn bản giải trình về các ý kiến của các hộ nhận khoán đội 9, tuy nhiên công nhân không đồng tình. Chúng tôi cũng đã báo cáo Tổng công ty cà phê Việt Nam và chờ ý kiến chỉ đạo…”. Ngoài ra, ông Công không giải thích gì thêm vì viện lý do bận dự hội nghị…?!

Vũ Đình Năm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Công ty 720 "phát canh thu tô" thời hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO