Đại Lộc (Quảng Nam): Người dân tái định cư, nhưng không thể an cư

17/10/2018 16:53

(TN&MT) - Thời gian qua, từ ngân sách nhà nước, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam được đầu tư xây dựng nhiều khu tái định cư (TĐC) nhằm ổn định, di dời dân cư ra khỏi vùng thiên tai, lũ lụt. Những tưởng, được tái định cư, người dân sẽ an cư, thế nhưng, có đến 2/3 khu TĐC của huyện đã không phát huy hiệu quả, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.  

Chật vật ở vùng tái định cư

Cách trung tâm xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc tầm 3 cây số, khu TĐC Gò Hiu tọa lạc trên một thửa đất nhô cao với dãy nhà trải dài tựa lưng vào vách núi. Trời ngả về trưa, làng vắng hoe bóng người. Hầu hết nhà dân đóng cửa im lìm.

Khu TĐC Gò Hiu đìu hiu vì người dân không mặn mà chuyển đến ở.
Khu TĐC Gò Hiu đìu hiu vì người dân không mặn mà chuyển đến ở
 

Vừa phát quang đám cỏ dại phía sau nhà, ông Trương Văn Tàu kể câu chuyện di cư về khu TĐC bằng giọng buồn bã. Ông Tàu cho biết, đầu năm 2016, cùng với 28 hộ dân thôn Hà Dục Đông nằm trong vùng sạt lở, ông và vợ con đã quyết định đập bỏ nhà cửa, sau đó chuyển đến TĐC Gò Hiu.

“Cầm trên tay số tiền 20 triệu đồng và nhận lô đất 200m2 chính quyền địa phương cấp, cả gia đình hồ hởi di cư và cất nhà nơi đất mới. Những tưởng với chỗ ở mới thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn vì không còn nơm nớp lo sợ bờ sông Vu Gia xói lở, nào ngờ tình cảnh càng thống khổ hơn trước. Mùa mưa năm ngoái, đất đá từ ngọn đồi phía sau khu dân cư trút xối xả khiến bà con hết sức bất an”, ông Tàu than vãn.

Ông Tàu khẳng định tình trạng sạt lở núi đang diễn tiến ngày một nghiêm trọng. Đến thời điểm hiện tại, lớp đất đá đã tràn sát vách nhà dân khiến ai nấy hoang mang tột độ. Từ 28 căn nhà có người sinh sống, bây giờ, số gia đình định cư tại đây chỉ còn khoảng độ 7,8 hộ. Phần lớn đều lo sợ trước tình trạng sạt lở núi nên lũ lượt tháo chạy.

Ông Trương Văn Đông (người đi tiên phong về khu TĐC) bày tỏ sự ngán ngẩm bởi những hạn chế tồn tại ở TĐC Gò Hiu. “Khổ nhất là nước nôi bởi TĐC nằm ngay vị trí đất cao lanh nên nước không tài nào sử dụng. Dù đã cố gắng khoan giếng sâu tới 20m nhưng nguồn nước ngầm vẫn đục ngầu và bà con đành ngậm ngùi xài nước mua từ bên ngoài”, ông Đông nói.

Ông Tàu chỉ tay về phía ngọn đồi sạt lở khiến người dân lo sợ
Ông Tàu chỉ tay về phía ngọn đồi sạt lở khiến người dân lo sợ
 

Tương tự tại khu TĐC Gò Dinh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, người dân ở đây khổ sở khi đối diện với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước sạch. Cả thôn TĐC mấy chục nhà dân chỉ trông cậy vào một bể hút chung với công suất nhỏ và hay bị sự cố dịp cao điểm.

Bà Nguyễn Thị Xinh, người dân ở khu TĐC Gò Dinh cho biết, năm 2014, huyện Đại Lộc có chủ trương di dời 88 hộ dân vùng thiên tai, lũ lụt về ở khu TĐC. Những tưởng không còn phải đối diện với nỗi lo thiên tai đe dọa, thế nhưng, khu TĐC thường xuyên gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, nước sạch bởi công suất bể hút và bơm áp lực quá thấp. Thiếu nguồn nước sạch nên chẳng mấy hộ dân mặn mà với khu tái định cư. Đến nay mới chỉ có 44/88 hộ dân đến sinh sống tại đây.

“Vừa rồi máy bơm ở bể hút bị hư đúng nửa tháng, cả làng không ai có nước, khiến việc sinh hoạt gặp khó. Hầu hết các nhà đều sử dụng nước bình để uống, ai không có điều kiện mua nước bình thì đi rất xa để xin nước”- bà Xinh cho hay.

Cần khắc phục bất cập

Ông Ngô Xuân Yến (Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh) xác nhận những khó khăn, vướng mắc tồn tại ở khu TĐC Gò Hiu trong thời gian qua. Ông Yến cho hay, chính quyền địa phương đã báo cáo sự việc lên cấp trên và đang chờ phê duyệt phương án giải quyết.

Đề cập đến phương án giải quyết giúp bà con Gò Hiu sớm an cư, ông Hồ Ngọc Mẫn (Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc) thông tin, trước mắt huyện sẽ nạo vét toàn bộ khối đất đá tràn xuống nhà dân trong khi chờ chỉ đạo của tỉnh.

Hầu hết người dân ở các khu TĐC đều phải sống với nguồn nước nhiễm bẩn.
Hầu hết người dân ở các khu TĐC đều phải sống với nguồn nước nhiễm bẩn
 

“Năm 2017, huyện kiến nghị gửi UBND tỉnh san bằng đồi núi phía sau khu dân cư Gò Hiu nhằm chấm dứt nỗi lo của bà con. Tuy nhiên, việc này lại vướng đất có bìa đỏ của một số hộ dân nên không thể triển khai. Hiện tại, phương án của huyện đưa ra là xây dựng kè phía sau nhà của các ngôi nhà sát vách núi nhằm ngăn không cho đất đá tràn xuống nhà dân. Chúng tôi đang tìm kiếm nguồn kinh phí và sẽ cố gắng thực hiện trong năm 2019”, ông Mẫn cho hay.

Về mối bận tâm nước sạch của người dân, ông Mẫn chia sẻ thêm, một doanh nghiệp đã đồng ý hỗ trợ kinh phí xây dựng các bể lọc nước ở Gò Hiu. Theo ông Mẫn, để triển khai việc này, hết thảy các hộ thuộc diện di dời phải lên khu đất đã được cấp ở khu TĐC để sinh sống.  

Còn tại khu TĐC Gò Dinh, chính quyền xã đã kiến nghị huyện và tỉnh hỗ trợ người dân đóng giếng nhưng chưa có nguồn. Trước mắt xã sẽ bỏ kinh phí xây dựng hai giếng đóng cấp nước phục vụ bà con.

Trong khi chờ chính quyền địa phương vào cuộc giải quyết những bất cập đang tồn tại, người dân ở hai khu TĐC Gò Hiu và Gò Dinh vẫn mang nỗi bận tâm canh cánh rằng không biết tới khi nào mới chính thức an cư.

Thực tế, sự đầu tư thiếu đồng bộ và bất hợp lý ở các khu tái định cư ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam không chỉ gây ra nhiều hệ lụy cho các hộ dân khi đến nơi ở mới mà còn lãng phí tiền của của Nhà nước. Những tồn tại trên cần sớm được khắc phục ở các khu TĐC để việc “định cư” phải gắn với “an cư” cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại Lộc (Quảng Nam): Người dân tái định cư, nhưng không thể an cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO