Đại học TN&MT Hà Nội: Sứ mệnh đào tạo nhân lực chất lượng cao

Huy Sỹ| 04/08/2022 15:02

(TN&MT) - Từ những ngày đầu thành lập, Bộ TN&MT đã rất chú trọng đến công tác đào tạo nhân lực ngành TN&MT. Năm 2004, Bộ đã có văn bản đề nghị Thủ tướng duyệt đề án sắp xếp lại hệ thống trường thuộc Bộ và ngày 29/9/2004, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án sắp xếp và định hướng phát triển các trường thuộc Bộ TN&MT, trong đó có việc sẽ thành lập Trường Đại học TN&MT tại Hà Nội vào năm 2010.

Ngày 23/8/2010 đã mở ra một trang sử mới đối với thầy và trò nhà trường. Kể từ ngày này, trường mang tên Trường Đại học TN&MT Hà Nội theo Quyết định số 1583/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thêm vào đó, ngày 16/1/2018, Bộ Giáo dục đã ban hành Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học TN&MT Hà Nội tại tỉnh Thanh Hóa trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng TN&MT miền Trung.

Đổi mới trong hoạt động đào tạo

Với bề dày 67 năm lịch sử (1955 - 2022), Nhà trường đã đào tạo hơn 30.000 Thạc sĩ, Kỹ sư, Cử nhân, Trung cấp chuyên nghiệp, Sơ cấp và Công nhân kỹ thuật các ngành: Khí tượng, Thủy văn, Đo đạc bản đồ, Quản lý đất đai, Kỹ thuật môi trường, Quản lý môi trường, Trắc địa - Bản đồ, Địa chính, Tin học… cho ngành và cho đất nước.

Trường Đại học TN&MT Hà Nội đặt sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác quản lý, thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ về lĩnh vực TN&MT đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).

thumbnail_anh-2-bai-dhtnmthn-20-nam-thanh-lap-bo.jpg
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao Huân chương lao động hạng Nhì tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trường

Nhà trường đã có nhiều thay đổi mới, tiến bộ trong các lĩnh vực công tác cán bộ, đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, xây dựng cơ sở vật chất… theo định hướng phát triển trường thành một trường đại học trọng điểm trong lĩnh vực TN&MT của đất nước.

Công tác đào tạo được nâng cao, chú trọng đảm bảo phù hợp chuẩn đầu ra của ngành, phù hợp với vị trí việc làm, người học tiệm cận được yêu cầu của khu vực và quốc tế. Nhiều ngành đào tạo được mở mới đáp ứng công tác quản lý TN&MT và nhu cầu xã hội. Từ 6 ngành đào tạo trình độ đại học năm 2011, đến năm 2022, trường có 23 ngành đại học và 6 chuyên ngành đào tạo trình độ Thạc sĩ.

Quy mô đào tạo của Nhà trường liên tục tăng qua các năm, nguồn tuyển sinh dồi dào, chất lượng tuyển sinh ngày càng được nâng cao, trong khi nhiều trường đại học khác có cùng ngành tuyển nhưng tuyển thiếu hoặc không có nguồn tuyển. Năm 2011, quy mô đào tạo hệ đại học của trường khoảng 1.300 sinh viên, đến nay trường có hơn 13.000 sinh viên, học viên cao học đang theo học và đang giữ ổn định quy mô này.

Chú trọng nghiên cứu khoa học và đảm bảo chất lượng giáo dục

Cùng với hoạt động đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ không thể thiếu của một trường đại học. Hoạt động nghiên cứu khoa học trong những năm qua được Nhà trường triển khai đồng bộ có hiệu quả, hướng vào các nghiên cứu phục vụ giảng dạy và học tập.

Song song với hoạt động nghiên cứu, hằng năm, Nhà trường còn tổ chức hội thảo khoa học quốc tế, quốc gia, hội thảo cấp trường và nhiều hội thảo khoa học của các Khoa; Xuất bản nhiều kỷ yếu hội nghị, hội thảo, xuất bản sách... Từ các kết quả nghiên cứu khoa học, số lượng công bố trên các tạp chí chuyên môn trong nước, tạp chí quốc tế uy tín của các giảng viên trong trường tăng hằng năm về số lượng và chất lượng, đặc biệt là các công bố trên các tạp chí trong danh mục ISI, Scopus…

anh-3-bai-dhtnmthn-20-nam-thanh-lap-bo.jpg

Cán bộ, giảng viên và sinh viên cùng tham gia nhảy Flashmob hưởng ứng ngày Môi trường thế giới

PGS.TS. Lê Thị Trinh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT Hà Nội cho biết: Đứng trước các yêu cầu phát triển của giáo dục đại học, nhà trường đã rất nỗ lực trong việc cam kết với xã hội về đảm bảo chất lượng giáo dục. Năm 2018, Nhà trường được cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục theo bộ tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT. Đến nay, Nhà trường đã đánh giá ngoài 9 chương trình đào tạo và được cấp Giấy chứng nhận kiểm định đạt chuẩn.

Trong giai đoạn vừa qua, Nhà trường đã xây dựng hệ thống thông tin phản hồi về hoạt động cung cấp dịch vụ giáo dục đào tạo tại trường thông qua việc tổ chức lấy ý kiến góp ý và ý kiến phản hồi của người sử dụng dịch vụ đào tạo tại trường. Hệ thống này hiện đang là cầu nối tin cậy giữa nhà trường với xã hội. Đồng thời, xây dựng phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi đề thi và thi trắc nghiệm trên máy vi tính; xây dựng kế hoạch thi trắc nghiệm khách quan cho từng học kỳ.

Ngoài ra, cơ sở vật chất của trường được chỉnh trang, tạo sân chơi cho cán bộ, giảng viên và người học. Các hoạt động ngoại khóa cán bộ, giảng viên, sinh viên được tổ chức chuyên nghiệp và liên tục giúp gắn kết người lao động, giảng viên và sinh viên với nhau, tạo động lực làm việc.

PGS.TS. Lê Thị Trinh nhấn mạnh, 12 năm xây dựng và phát triển, trường Đại học TN&MT Hà Nội được kế thừa trên nền tảng 67 năm truyền thống đào tạo lĩnh vực TN&MT là một chặng đường lịch sử đầy khó khăn nhưng rất vẻ vang. Đó là lịch sử đóng góp to lớn của nhiều thế hệ cán bộ, nhân viên, giáo viên, giảng viên, học viên và sinh viên Nhà trường. Đóng góp to lớn của trường trong 67 năm qua đã được Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ghi nhận và tặng thưởng: Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2010), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2003, 2005, 2015, 2020), Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2014) và Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trao tặng năm 2012.

Đồng thời, Nhà trường đã nhận được nhiều danh hiệu thi đua khen thưởng cho các tập thể và cá nhân xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT, các bộ, ban, ngành, các tỉnh, thành phố và các tổ chức xã hội khác.

Hướng tới kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ TN&MT, Trường Đại học TN&MT Hà Nội đã tổ chức các hoạt động nhằm tuyên truyền nhân rộng vị thế của ngành TN&MT trong giai đoạn mới. Qua đó, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc cùng nâng cao ý thức và hành động bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH trong đội ngũ cán bộ, giảng viên.

Trường cũng đã và đang tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động chung của Bộ hướng tới Lễ kỷ niệm 20 năm như viết tham luận, tham gia các hội thảo tổng kết khoa học công nghệ, các hoạt động văn nghệ, thể thao.

Công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên được nhà trường đặc biệt quan tâm trong hơn 10 năm qua. Năm 2010 tổng số cán bộ, giảng viên là 275 người, trong đó giảng viên có 198 người, chỉ có 13 tiến sỹ và vẫn còn 89 giảng viên trình độ đại học. Đến năm 2022, tổng số cán bộ, giảng viên của trường là 737 người, trong đó giảng viên là 552 người, với 100% giảng viên có trình độ thạc sỹ trở lên và 117 phó giáo sư, tiến sỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại học TN&MT Hà Nội: Sứ mệnh đào tạo nhân lực chất lượng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO