Đại học Huế - vai trò định hướng và nghiên cứu giải pháp vấn đề môi trường

Văn Dinh| 06/01/2021 19:09

(TN&MT) - Song song với việc nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng góp phần bảo vệ môi trường, với lợi thế đa ngành, đa lĩnh vực, Đại học Huế đã và đang nghiên cứu, thử nghiệm và góp phần giảm thiểu tác động rủi ro, cập nhật và nâng cao hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, thực hiện nhiệm vụ khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu, chương trình, dự án.

Các lĩnh vực nghiên cứu khoa học tại Đại học Huế trải rộng nhiều lĩnh vực từ khoa học xã hội đến khoa học tự nhiên, với hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối liên tục có giá trị thống kê liên tục theo dòng thời gian. Bên cạnh các hoạt động được ghi nhận chuyên sâu về khoa học chăm sóc sức khỏe, khoa học giáo dục, khoa học kinh tế, khoa học ngôn ngữ thì lĩnh vực môi trường và quản lý môi trường cũng được tổ chức nghiên cứu và thực nghiệm ứng dụng trên diện rộng với hoạt động giảng dạy và đào tạo về quản lý môi trường và công nghệ môi trường ở trường ĐH Khoa học, ứng dụng khoa học môi trường và quản lý môi trường trong nông nghiệp ở trường ĐH Nông lâm, giáo trình hóa và giảng dạy phân cấp học về khoa học môi trường ở trường ĐH Sư phạm, nghiên cứu hệ thống hóa và tích hợp dữ liệu khoa học môi trường ở các Viện Tài nguyên và Môi trường, Viện Công nghệ sinh học.

Đại học Huế đã và đang nghiên cứu, thử nghiệm và góp phần giảm thiểu tác động rủi ro, cập nhật và nâng cao hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường...

Nghiên cứu diễn biến chất lượng nước

Đại học Huế đứng chân trên mảnh đất Cố đô, nơi có hệ thống lưu vực sông Hương ngoài vai trò kinh tế xã hội và văn hóa thì vẫn là nơi được xem như nguồn nước mặt quan trọng, cung cấp nước đồng thời cũng tiếp nhận nước thải thông qua xử lý từ các hoạt động của đô thị Huế. Sự gia tăng dân số, sự phát triển kinh tế mạnh mẽ theo nhu cầu đô thị hóa dẫn đến nhu cầu nước sạch tăng đi kèm với xu thế biến đổi của khí hậu, sông Hương gánh chịu những tác động bất lợi làm ảnh hưởng chất lượng và số lượng nước. Chính vì vậy, hoạt động giám sát chất lượng nước sông Hương được Đại học Huế tổ chức thực hiện từ năm 2003 đến nay, trực tiếp là Viện Tài nguyên và Môi trường- Đại học Huế; Khoa Môi trường - Trường ĐH Khoa học.

Số liệu thu thập mang tính hệ thống, làm cơ sở dữ liệu nền để thực hiện các nghiên cứu về nước cho các đơn vị thành viên Đại học Huế cũng như các tổ chức khoa học công nghệ liên quan trong cả nước. Hệ thống nước mặt được tiếp cận đồng bộ từ nguồn phát sinh, độ che phủ của thảm thực vật, khả năng bổ sung nước ngầm, cơ chế tạo dòng chảy bề mặt. Từ đó tính toán được lượng nước mặt của trên toàn lưu vực nhằm đóng góp các kết quả nghiên cứu giảm thiệt hại cho các công trình, giảm lũ lụt để từ đó phối hợp với các đơn vị hữu quan để làm cải thiện theo hướng tích cực chất lượng nước trên sông. Công tác này đóng góp tích cực vào việc điều tiết, định hướng lượng nước ngọt cho hệ thống nuôi trồng thủy sản vùng đầm phá Tam Giang.

Chất lượng nước trên sông Hương được Đại học Huế nghiên cứu, qua đó góp phần cải thiện chất lượng...

Viện Tài nguyên và Môi trường Đại học Huế hợp tác với các tỉnh miền Trung nghiên cứu các lượng nước mặt, định hướng cho việc sử dụng nước mặt, xây dưng kế hoạch để giữ nước cho mục tiêu dân sinh và sản xuất.

Nghiên cứu sản xuất nông nghiệp hữu cơ, giảm sử dụng hóa chất, nâng cao chất lượng nông sản, ngư sản

Với sứ mạng là đào tạo nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn cho miền Trung, Tây Nguyên và cả nước theo hướng hội nhập khu vực và quốc tế, nhân lực từ Trường ĐH Nông lâm đóng góp trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp, hạ tầng hỗ trợ chuỗi giá trị nông nghiệp; hỗ trợ bảo vệ và giảm thiểu tác động môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đặc biệt là thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị nông nghiệp trên cơ sở bảo vệ môi trường bền vững.

Những kết quả nghiên cứu, chuyển giao, phát triển nông thôn cũng như cả nước có thể kể đến như: Chọn giống lúa, ngô năng suất và chất lượng cao; chọn lọc giống lúa kháng rầy nâu cho địa bàn miền Trung; Ứng dụng công nghệ sinh học trong phục tráng các giống lúa địa phương; Nghiên cứu sản xuất các tác nhân sinh học và thuốc thảo mộc phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng; Nghiên cứu sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh; Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây trồng; Các quy trình sản xuất lúa, gạo, rau, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, IPM/ICM và các dự án phát triễn cộng đồng tại các tỉnh miền Trung…; Nghiên cứu ứng dụng và xây dựng các mô hình sử dụng năng lượng sạch (năng lượng mặt trời, biogas…).

Sinh viên Đại học Huế thực hành, nghiên cứu hóa chất, bảo vệ môi trường bền vững

Đào tạo, giáo dục, truyền thông bảo vệ môi trường

Giáo dục môi trường đã được Trường ĐH Sư phạm đưa vào khung chương trình giảng dạy để sinh viên ra trường có thể truyền tải những kiến thức bảo vệ môi trường, tạo sợi dây xuyên suốt đến các bậc phổ thông.

Tại Khoa Môi trường - Trường ĐH Khoa học đào tạo các ngành học liên quan trực tiếp đến môi trường từ bậc tiến sĩ, thạc sĩ, đại học: Khoa học Môi trường, Kỹ thuật Môi trường, Khoa tiến hành các nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng trong các lĩnh vực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý môi trường và kiểm soát ô nhiễm môi trường, đánh giá tác động môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển các kỹ thuật xử lý nước, ứng dụng GIS, viễn thám và mô hình hóa môi trường...

Tại Khoa kiến trúc và Khoa Địa lý địa chất của Trường ĐH Khoa học cũng đang đào tạo nhiều học phần liên quan đến môi trường, nghiên cứu khoa học về môi trường như các dự án về bảo tồn di sản trong khung cảnh địa phương, các dự án về hạ tầng xanh đôthị, các đề tài về biến đổi khí hậu, về nhà chống bão, lũ.

Các kết quả nghiên cứu, các dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ, các đề tài nghiên cứu khoa học tạo ra các giải pháp về môi trường, chuyển giao cho cộng đồng trên cả nước thông qua các hoạt động truyền thông. Ví dụ như Dự án CFR “Thích ứng dựa vào hệ sinh ở vùng duyên hải Bắc Trung bộ của Việt Nam: Phục hồi và đồng quản lý cồn cát và rừng ngập mặn bị suy thoái” do Viện Viện Tài nguyên và Môi trường – Đại học Huế và Công ty UNIQUE (CHLB Đức) thực hiện từ năm 2018 đến 2020.

Lãnh đạo và sinh viên Đại học Huế đạp xe tuyên truyền về môi trường

Theo TS. Hồ Đắc Thái Hoàng, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường, dự án đã đạt những kết quả ngoài mong đợi là trồng được khoảng 450 ha cây bản địa ở cồn cát ven biển ở 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế; 50 ha rừng ngập mặn ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; 9 lớp tập huấn, ngoại khóa về kỹ thuật trồng cây bản địa và cây ngập mặn. Dự kiến sẽ mở rộng trồng phục hồi trên dải cát ven biển, nội đồng các tỉnh Nam Trung bộ.

Các kết quả nghiên cứu khoa học đơn lẻ từ nhiều đơn vị khác nhau trong Đại học Huế đã được từng bước ứng dụng và hệ thống hóa để phát triển thử nghiệm và xây dựng quy trình mang tính hệ thống để được giới thiệu và mở rộng phạm vi ứng dụng rộng hơn trên các vùng sinh thái cụ thể.

Đại học Huế là đại học đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia và phát triển vùng, phấn đấu trở thành Đại học Quốc gia như Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83 của Chính phủ. Những nét đặc trưng của Đại học Huế :

1. Là đại học duy nhất có trường đại học thành viên là Nghệ thuật với truyền thống lâu đời ở vùng đất Cố Đô.

2. Là đại học duy nhất có Trường đại học Sư phạm chuyên đào tạo giáo viên, trong khi cả nước các trường đại học sư phạm đang đào tạo tổng hợp, đa ngành.

3. Là đại học duy nhất ở Việt Nam có đào tạo ngôn ngữ Tiếng nước ngoài cho người Việt và tiếng Việt cho người nước ngoài, trong khi cả nước đang đào tạo tổng hợp ở nhiều nơi.

4. Là đại học duy nhất ở Việt Nam đào tạo nhóm ngành Du lịch ở các bậc học đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển du lịch của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh nền kinh tế du lịch và du lịch công nghiệp, du lịch điện tử.

5. Là đại học có đào tạo các ngành khoa học sức khỏe và là cơ sở giáo dục đại học xếp thứ 3 đào tạo nguồn nhân lực tốt nhất cho Việt Nam về chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh cho nhân dân.

6. Là đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao các ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp mạng tính đặc thù Việt Nam (sinh thái nông nghiệp: Biển – Rừng – Đồng bằng), Chăn nuôi – Thú y, nuôi trồng và chế biến thủy sản…

7. Là đại học vẫn giữ truyền thống đào tạo các ngành khoa học cơ bản – Toán; Lý, Hóa; Sinh và các ngành khoa học nhân văn.

8. Là đại học đào tạo nhóm ngành Luật với truyền thống hơn 60 năm, đang đào tạo nhiều cử nhân luật cho Lào và các nước Châu Á.

9. Là nơi có ngành công nghệ sinh học tầm quốc gia, với hơn 150 tiến sĩ đang đào tạo nguồn nhân lực cao không chỉ cho Việt Nam mà cho Lào và các nước châu Á (như nhiệm vụ Thủ tướng Chính Phủ giao như Kết luận số 38/VPCP/2018).

10). Là địa chỉ cho sinh viên ngành công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), Block chains, An Ninh mạng được sự hỗ trợ của học bổng Vietseeds – Huế (do Nhà sáng lập Vũ Duy Thức và đồng hành của nhóm kết nối Cố Đô – Do anh Lê Bá Dũng, Ngân hành Techcombank hỗ trợ.

11). Nơi đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Vật lý lý thuyết, nơi có truyền thống lâu đời và được GS. Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc (Pháp – Nơi gặp gỡ Khoa học Việt Nam và Thế giới) hỗ trợ và dẫn dắt.

12). Nơi đây cũng đào tạo tinh hoa cho đất nước về Khoa bảng toán học, vật lý và đã có nhiều nhà Toán học nổi tiếng của Thế giới như: Lê Bá Khánh Trình, Phạm Anh Minh, và Lê Quốc Minh Tự. Đang tiếp bước để sản sinh ra sự sáng tạo của nhân loại và những khát vọng về khởi nguồn sáng tạo trên vùng đất nghèo khó trong bối cảnh tự chủ nên thực hiện và phát huy thế nào?...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại học Huế - vai trò định hướng và nghiên cứu giải pháp vấn đề môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO