Kinh tế

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng: Cần tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo và tăng trưởng xanh trong phát triển nền kinh tế

Võ Linh – Văn Lệ/Quochoi.vn 30/10/2023 - 19:47

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2023 và nhiệm vụ phát triển KTXH cả nhiệm kỳ 2021-2025, đại biểu Hà Sỹ Đồng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng, Chính phủ cần phải có những giải pháp quyết liệt, mang tính đột phá cao. Trong đó, cần chú trọng trong việc phát triển năng lượng tái tạo và tăng trưởng xanh trong phát triển kinh tế.

Tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, quy hoạch điện VIII ban hành đặt ra mục tiêu năng lượng tái tạo đầy tham vọng, cũng như mở ra tương lại cho năng lượng tái tao của Việt Nam. Tuy nhiên, trong cơ cấu nguồn điện này sẽ đạt tỉ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030 (định hướng đến năm 2050, tỉ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%) thì liệu có khả thi?

ĐBQH Hà Sỹ Đồng- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị

Đại biểu Hà Sỹ Đồng chỉ ra, trong chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, nguồn điện LNG đóng vai trò rất lớn trong Quy hoạch điện VIII nhờ tính chủ động và linh hoạt trong vận hành; khả năng giảm phát thải CO2 và các chất ô nhiễm khác. Hiện cả nước có 13 dự án điện LNG đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, trong đó mới chỉ có 5 dự án đang triển khai nhưng vẫn chưa ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN; việc triển khai hạ tầng dự án điện LNG hiện rất khó khăn, tiến độ đầu tư xây dựng, vận hành các nhà máy điện loại này khá dài (khoảng 8 – 10 năm); bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có khung giá điện LNG, chưa có cơ chế chuyển tiếp ngang giá nhiên liệu LNG sang giá điện…. thì việc đạt quy mô phát triển tới 22.400MW các dự án điện LNG từ nay đến 2030 là điều không thể!

Về quy mô điện gió đến năm 2030 lên tới 27.880 MW (trong đó điện gió ngoài khơi là 6.000 MW) cũng sẽ là thách thức rất lớn, khi hiện nay mới có tổng cộng hơn 4.185 MW đã đưa vào vận hành (điện gió ngoài khơi chưa có dự án nào, trong khi phát triển một dự án điện gió ngoài khơi mất từ 07-10 năm). Ngoài ra, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân dử dụng điện mặt trời tự sản, tự tiêu cũng rất khó vì chưa có chính sách rõ ràng, hấp dẫn.

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, để thực hiện Quy hoạch điện VIII cần nhu cầu vốn đầu tư trung bình 13,5 tỷ USD/năm, trong đó 12 tỷ USD cho nguồn và 1,5 tỷ USD cho lưới điện trong bối cảnh EVN và các công ty nhà đầu tư khác gặp khó khăn trong huy động vốn cho những công trình lớn. Các ngân hàng trong nước cũng đã vượt mức tín dụng cho các dự án điện.

Thời gian còn lại để triển khai Quy hoạch điện VIII không nhiều, tính đến năm 2030 chỉ còn khoảng hơn 6 năm. Vì vậy, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đạt mục tiêu mà Quy hoạch điện VIII và Nghị quyết 55/NQ-TW đề ra thì có cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, pháp luật hiện hành. Chính phủ cần phải có những động thái mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn trong việc tái cấu trúc ngành điện, thúc đẩy triển khai lộ trình phát triển thị trường điện đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các bên tham gia.

Đẩy mạnh tăng trưởng xanh trong phát triển kinh tế

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, biến đổi khí hậu ngày càng trở nên khắc nghiệt và là mối quan tâm chung của nhân loại. Quá trình đô thị hóa của một đô thị không thể tránh được các hoạt động sản xuất công nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng,… và đi kèm đó nhiều thành phố, đô thị phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, gây ra những hệ lụy về sức khỏe và tinh thần của người dân. Do đó, việc tăng trưởng xanh, phát triển đô thị carbon thấp là một xu thế, là giải pháp quan trọng để ngăn chặn lượng khí thải carbon dioxide. ở Việt Nam, một số thành phố đã quan tâm đến việc phát triển mô hình đô thị carbon thấp như Hội An, Đà Lạt, Cần Thơ, TP.HCM, Huế, Sa Pa… Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển mô hình đô thị carbon thấp không hề đơn giản. Có thể thấy rõ một số khó khăn, thách thức như: Chưa có đầy đủ hành lang pháp lý cũng như các quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí cho việc phát triển đô thị carbon thấp; Các yêu cầu về giảm phát thải carbon chưa được cân nhắc, lồng ghép cụ thể trong quy hoạch phát triển đô thị; Cơ chế tài chính, nguồn vốn tín dụng xanh, tạo lập thị trường carbon chưa hoàn thiện dẫn đấn khó khăn trong tiếp cận…

ĐBQH Hà Sỹ Đồng- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị

Đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, một chính sách phát triển mô hình đô thị carbon hợp lý sẽ đem lại lợi ích trên nhiều phương diện: giảm tiêu thụ năng lượng, tăng hiệu suất sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường không khí, đảm bảo sức khỏe và nâng cao chất lượng sống cho người dân. Do vậy, để thực hiện cam kết tại COP 26 đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu… Tuy nhiên, cần phải quyết liệt hơn nữa trong công tác tổ chức thực hiện; các bộ ngành và địa phương cần sớm nghiên cứu, bổ sung định hướng giảm phát thải vào quy hoạch tổng thể và các công cụ quản lý, nhằm đảm bảo tính đồng bộ liên thông giữa các quy hoạch; trên cơ sở đó, xây dựng chương trình, kế hoạch, kịch bản carbon thấp phù hợp với khả năng, điều kiện, quy mô, trong đó tập trung vào tăng cường hiệu quả năng lượng, phát triển các công nghệ carbon thấp, chuyển đổi năng lượng xanh trong các lĩnh vực quan trọng, xác định cụ thể các lĩnh vực cần giảm phát thải và đưa ra lộ trình cắt giảm và các biện pháp tối ưu, phù hợp với điều kiện thực tiễn để phát triển các mô hình đô thị sinh thái, đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng: Cần tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo và tăng trưởng xanh trong phát triển nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO