Đà Nẵng: Thu gom hơn 1.500 tấn rác tài nguyên sau phân loại rác tại nguồn

Lan Anh| 26/11/2021 22:48

(TN&MT) - Chiều 26/11, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng phối hợp với Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Saitama (Nhật Bản), Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hội thảo trực tuyến với hơn 50 điểm cầu trong, ngoài nước nhằm đánh giá công tác triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt (rác) tại nguồn trên địa bàn thành phố phục vụ mục tiêu quản lý chất thải bền vững.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng, sau hơn 2 năm thực hiện phân loại rác tại nguồn, thành phố đã thu gom được 1.500 tấn rác tài nguyên, mang về hơn 3 tỷ đồng cho các hội, đoàn thể từ bán rác tài nguyên. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị, hội, đoàn thể đã thu được 3,34 tấn rác nguy hại và 1.100 tấn rác có kích thước lớn, vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định. Hiện đã có 63% tổng số hộ gia đình, 83% tổng số tổ dân phố trên địa bàn thành phố đã tham gia phân loại rác.

Người dân ở quận Thanh Khê tích cực phân loại rác thải tại nguồn

Trong năm 2022, các đơn vị, địa phương, hội, đoàn thể trên địa bàn thành phố tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn và tổ chức phân loại rác tại nguồn; xây dựng và nhân rộng các mô hình về phân loại rác, quản lý rác thải nhựa; sớm hoàn thiện nghiên cứu về phương thức tổ chức phân loại rác tại nguồn tại các quận, huyện...

Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng Tô Văn Hùng cho rằng, việc thực hiện phân loại rác tại nguồn đã đạt được những kết quả tích cực t

Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng Tô Văn Hùng cho rằng, qua hơn 2 năm thực hiện, việc thực hiện phân loại rác tại nguồn đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, vấn đề quản lý, xử lý chất thải rắn xây dựng đang là vấn đề “nóng”, chưa được giải quyết cơ bản ở các đô thị nói chung và ở thành phố Đà Nẵng nói riêng.

“UBND thành phố đã phê duyệt nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp thành phố năm 2021 đối với việc nghiên cứu, xây dựng mô hình quản lý và tái chế chất thải rắn xây dựng nhằm bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025. Thành phố Đà Nẵng mong muốn các nhà khoa học, chuyên gia đề xuất phương án xử lý, đặc biệt là những chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong công tác quản lý, hướng dẫn phân loại chất thải rắn xây dựng, làm cơ sở trình UBND thành phố phê duyệt, triển khai thời gian tới.”- ông Hùng chia sẻ.

Đại diện Đại học Xây dựng Hà Nội trao báo cáo nghiên cứu chất thải rắn xây dựng cho Sở TN&MT

Đại diện Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, chất thải rắn xây dựng được xem là một nguồn tài nguyên, nên cần có biện pháp thu gom, xử lý, tái chế, đặc biệt là tái chế thành các vật liệu xây dựng nền đường có chức năng thấm nước để giảm thiểu tình trạng ngập úng ở đô thị và giữ được mực nước ngầm. Hiện nay, đơn vị đang phối hợp với JICA và Trường Đại học Saitama nghiên cứu thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng hiệu quả và khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng ở Đà Nẵng.

Được biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ký kết hợp tác với Trường Đại học Xây dựng Hà Nội triển khai dự án Thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng hiệu quả nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế (Dự án SATREPS) tại thành phố Đà Nẵng. Dự kiến khi Dự án kết thúc, thành phố sẽ hoàn thành: Quy hoạch bãi chứa CTR xây dựng phù hợp; hướng dẫn quản lý phế thải xây dựng; vận hành được một hệ thống quản lý tiên tiến về CTR xây dựng; ít nhất một mô hình thí điểm trung tâm xử lý và tái chế từ CTR xây dựng; phát triển được hai công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Thu gom hơn 1.500 tấn rác tài nguyên sau phân loại rác tại nguồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO