Đà Nẵng: “Tham vọng” là thành phố tuần hoàn vào năm 2045

Lan Anh| 14/09/2022 15:15

(TN&MT) - Là thành phố đầu tiên của Việt Nam xây dựng lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH), Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 2-3 khu công nghiệp (KCN) sinh thái theo tiêu chuẩn quốc gia, đến năm 2045 cơ bản đạt được các tiêu chí của thành phố tuần hoàn. Hiện, nhiều doanh nghiệp trong các KCN đã chuyển đổi các mô hình kinh tế xanh, xây dựng ý thức về lối sống xanh cho người lao động.

Xây dựng lối sống xanh

Người lao động là chủ thể thực hiện mục tiêu kinh tế tuần hoàn trong sản xuất công nghiệp Đà Nẵng. Hiện nay, Công ty TNHH Murata Manufacturing Việt Nam (KCN Hòa Khánh) đã xây dựng quỹ hỗ trợ công nhân, người lao động mà nguồn vốn của quỹ có được từ chính hoạt động thu gom, tái chế rác thải nhựa của người lao động.

Ông Đỗ Danh Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết đơn vị có hơn 3.500 người lao động, mỗi ngày có hàng nghìn vỏ lon thải bỏ ra môi trường sau khi người lao động sử dụng nước uống đóng chai (chai nhựa) trong quá trình làm việc. Từ thực tế đó, đơn vị đã có ý tưởng thu gom các chai nhựa, vận động người lao động phân loại rác tại công ty cũng như ở gia đình.

tuanhoan.jpg
Công nhân công ty TNHH Murata Manufacturing Việt Nam bỏ chai nước đã qua sử dụng vào các thùng thu gom rác

"Chúng tôi đã đặt các điểm thu gom chai lọ nhựa ở nhiều vị trí, cử người thu gom và bán. Số tiền bán được sẽ dùng để hỗ trợ đoàn viên, người lao động hoàn cảnh khó khăn", ông Hùng cho hay.

Theo ông Hùng, ý nghĩa lớn nhất của hành động này chính là hình thành cho người lao động ý thức, văn hóa, lối sống xanh hơn, bảo vệ môi trường. Ngoài hoạt động thu gom hằng ngày, mỗi tháng, Công ty còn phát động một ngày Chủ nhật xanh để người lao động thu gom rác thải nhựa đưa lên công ty để bán và gây quỹ.

Chị Nguyễn Thị Hằng Ny, (SN 1990, quê Quế Sơn, Quảng Nam), nhân viên bộ phận chế tạo công ty cho biết, thay vì mỗi lần sử dụng chai nước nhựa xong bỏ vào thùng rác để thải bỏ thì khi phân loại rác, thu gom rác thải nhựa sẽ góp một phần nhỏ vào quỹ cũng như bảo vệ môi trường.

“Mong công nhân trong công ty cũng như trong thành phố sẽ có ý thức tốt hơn trong việc sản xuất sạch hơn, lối sống xanh hơn để tương lai con em mình không phải gánh chịu hậu quả từ ô nhiễm môi trường”, chị Ny nói.

Tiên phong xây dựng kinh tế tuần hoàn

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết ở nước ta nói chung, Đà Nẵng nói riêng, hoạt động kinh tế từ trước đến nay vẫn chủ yếu dựa trên cách tiếp cận truyền thống, đó là kinh tế tuyến tính. Hàng hóa được sản xuất từ nguyên liệu thô, bán, sử dụng (tiêu dùng) và sau đó hầu hết được thải bỏ. Nhiều sản phẩm tiêu dùng không được sử dụng hết vòng đời của chúng và một số được mua chỉ để sử dụng một lần đã gây áp lực lên môi trường.

Đánh giá hiện trạng và phân tích các cơ hội, thách thức để phát triển KTTH tại Đà Nẵng cho thấy việc chuyển đổi và áp dụng mô hình KTTH cho Thành phố là cần thiết. Từ đó, Đà Nẵng triển khai nghiên cứu xây dựng và phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn.

rac3.jpg
Người dân Đà Nẵng mang rác, sản phẩm không dùng tham gia Ngày hội đổi rác lấy quà để gia tăng vòng đời của chúng

Lộ trình phát triển KTTH tại Đà Nẵng được cập nhật trên cơ sở tiếp thu các văn bản liên quan gắn với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, bổ sung bài học kinh nghiệm từ thử nghiệm chính sách về kinh tế tuần hoàn tại Đà Nẵng và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, nhận thức tầm quan trọng của hệ thống thu gom rác phi chính thống trong quá trình chuyển đổi sang mô hình KTTH.

Ông Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP. Đà Nẵng cho biết, trong giai đoạn 2015 - 2019, Đà Nẵng đã phối hợp với các chuyên gia thuộc Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho 29 doanh nghiệp. Các chuyên gia của dự án đã đề xuất 334 giải pháp sản xuất sạch hơn. Trong đó, 228 giải pháp đã được thực hiện, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm hơn 14.000 tỷ đồng/năm, giảm hơn 50.000 m3 nước thải, 7.000 tấn CO2 và 2.700 tấn chất thải rắn/năm.

Theo lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn, TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng được 2-3 KCN sinh thái theo tiêu chuẩn quốc gia. Từ sau năm 2030, kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng chủ đạo, nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, mục tiêu đến cuối năm 2045, Đà Nẵng cơ bản đạt được các tiêu chí của một thành phố tuần hoàn.

7 lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế tuần hoàn tại thành phố Đà Nẵng:

- Quản lý chất thải rắn (bao gồm chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn xây dựng và rác thải nhựa)

- Nguyên liệu. - Năng lượng. - Khu công nghiệp sinh thái

- Tuần hoàn lương thực thực phẩm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: “Tham vọng” là thành phố tuần hoàn vào năm 2045
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO