Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 ước tính sụt giảm ở mức 9,77% so với năm 2019. Khu vực dịch vụ giảm 8,21%, chiếm 5,28 điểm% trong mức giảm chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 12,23%, chiếm 1,91% điểm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 15,55%, chiếm 1,79 điểm; riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là khu vực duy nhất tăng trưởng ở mức 2,4%, tăng 184 tỷ đồng so với 2019. Tuy chiếm tỷ trọng thấp nhưng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có thể xem là điểm sáng góp phần kiềm chế sụt giảm kinh tế trong năm 2020.
Quy mô nền kinh tế ước đạt 100 nghìn tỷ đồng, thu hẹp hơn 10 nghìn tỷ đồng so với năm 2019. GRDP bình quân đầu người 85,5 triệu đồng/người. Mặc dù có mức tăng trưởng âm nhưng quy mô kinh tế và GRDP bình quân đầu người vẫn giữ ổn định.
Cục Thống kê TP. Đà Nẵng công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2020 |
Là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, năm 2020 lực lượng doanh nghiệp chịu rất nhiều tổn thất bởi dịch bệnh Covid – 19 (tới 90,55% tỷ lệ DN chịu tác động tiêu cực bởi Covid-19), đặc biệt là các nhóm ngành bị ảnh hưởng trực tiếp như: dịch vụ du lịch, vận tải, hậu cần du lịch, nhà hàng, khách sạn, giáo dục… Có 4.112 DN và đơn vị trực thuộc thành lập mới, giảm 28,3% so với cùng kỳ với tổng vốn đăng ký đạt 21,412 tỷ đồng, giảm 22,1%. Có 1.216 DN giải thể, 2.054 DN tạm ngừng hoạt động và 1.211 DN chi nhánh, văn phòng đại diện quay trở lại hoạt động.
Khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn và bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Những ngành giảm sâu nhất có dịch vụ lưu trú và ăn uống; dịch vụ vận tải, bưu chính và chuyển phát; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (riêng hoạt động lữ hành và hỗ trợ dịch vụ chỉ bằng 28% năm 2019). Khách du lịch giảm hơn 64% so với năm 2019. Điểm sáng của khu vực dịch vụ và cũng là trụ đỡ chính nhằm kìm chế sự sụt giảm nghiêm trọng của toàn ngành kinh tế bao gồm: Hoạt động thông tin và truyền thông; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; y tế và trợ giúp xã hội; khoa học công nghệ; giáo dục – đào tạo.
Lĩnh vực đầu tư đạt kết quả ấn tượng ở việc vốn đầu tư thực hiện khu vực kinh tế FDI với mức tăng 37,7% so với năm 2019, bên cạnh đó, lĩnh vực đầu tư công cũng có những bước chuyển biến tích cực. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2020 đạt 34,8 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ vốn đầu tư trên GRDP vẫn theo xu hướng thu hẹp, từ 35,7% năm 2019 xuống còn 34,8% năm 2020, thấp nhất trong giai đoạn 2016- 2020.
Tuy chiếm tỷ trọng thấp nhưng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có thể xem là điểm sáng góp phần kiềm chế sụt giảm kinh tế trong năm 2020 |
Việc giải ngân vốn đầu tư công được tăng cường và đạt kết quả khả quan, tuy nhiên một số dự án vẫn chậm triển khai do ảnh hưởng từ công tác đền bù, giải tỏa, nhiều hộ dân chưa chấp nhận mức đền bù của nhà nước. Ngoài ra, do dự án chia nhiều hợp phần nên mất nhiều thời gian để mời thầu, đấu thầu, cộng với thời tiết mưa bão làm chậm trễ tiến độ triển khai dự án, công trình.
Thu hút đầu tư nước ngoài vào Đà Nẵng đạt 220 triệu USD, giảm 49,8% so với 2019; trong đó 83 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 128,9 triệu USD, giảm 50% dự án. Thu hút đầu tư trong nước, TP đã cấp Quyết định cho 07 dự án với tổng vốn đầu tư 16.663 tỷ đồng, gấp 1,9 lần so với 2019.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn đạt 2.750 triệu USD, giảm 7,5% so với 2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 1.538 triệu USD, giảm 5,6% và kim ngạch nhập khẩu đạt 1.212 triệu USD, giảm 9,8%.
Về các chỉ tiêu xã hội, năm 2020, Đà Nẵng có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong vòng 10 năm qua, ước tính 8,78%. TP cũng đã triển khai các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch, TP đã chi hỗ trợ cho 317,8 nghìn lượt đối tượng với tổng kinh phí gần 297,8 tỷ đồng.