Đà Nẵng: Phát triển bền vững với kinh tế tuần hoàn

An Nhiên| 18/12/2020 22:38

(TN&MT) - Trước thách thức tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, nhiều quốc gia và khu vực kinh tế trên thế giới đã thay đổi chiến lược phát triển, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn. Việc xây dựng kinh tế tuần hoàn sẽ giúp Đà Nẵng hướng đến một nền kinh tế phát triển bền vững và tăng khả năng cạnh tranh.

Kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho thấy, mỗi ngày có khoảng 1.100 tấn chất thải rắn được phát sinh và con số này được dự báo sẽ tăng hơn gấp đôi chỉ trong vòng 4-5 năm. Khoảng 90% chất thải này được đổ vào bãi rác, gây gánh nặng lớn cho quy hoạch của thành phố, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dân địa phương.

Nhằm mục đích thúc đẩy thực hiện mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững tại Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 5638/KH-UBND ngày 24 tháng 8 năm 2020 về thực hiện “Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”; trong đó, xác định mục tiêu thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam nói chung.

Việc xây dựng kinh tế tuần hoàn sẽ giúp Đà Nẵng hướng đến một nền kinh tế phát triển bền vững và tăng khả năng cạnh tranh.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhận định trước thách thức tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường ngày một trầm trọng, nhiều quốc gia và khu vực kinh tế trên thế giới đã thay đổi chiến lược phát triển, hướng đến một nền kinh tế bền vững – nền kinh tế tuần hoàn. Việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sáng mô hình kinh tế tuần hoàn là cần thiết, để hướng đến một nền kinh tế phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên - năng lượng, ít carbon, vững mạnh và cạnh tranh.

“Mô hình kinh tế tuần hoàn được hiểu là hệ thống kinh tế có tính tái tạo và khôi phục, thông qua việc thay đổi hàng hóa, dịch vụ từ khâu thiết kế, sản xuất và tiêu dùng. Từ đó, kéo dài tuổi thọ của nguyên vật liệu, năng lượng trong chuỗi giá trị vòng đời của sản phẩm, giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường”, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay.

Ngoài ra, đặc tính của kinh tế tuần hoàn là biến rác thải của ngành này thành nguồn tài nguyên của của ngành khác, đồng thời, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, biến đổi khí hậu.

Theo ông Hồ Văn Tuấn, Phó giám đốc VCCI Đà Nẵng, nếu áp dụng triệt để "tư duy tuần hoàn” trong hoạt động thiết kế, sản xuất và tái chế hàng hóa, nền kinh tế tuần hoàn sẽ mở ra cơ hội thị trường trị giá ít nhất 4,5 nghìn tỷ USD cho doanh nghiệp, tạo ra hàng trăm triệu việc làm mới, giúp doanh nghiệp giảm thiểu bớt các rủi ro đến từ việc khan hiếm nguyên liệu và biến động giá tài nguyên. Đồng thời, việc áp dụng tư duy này sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp đón đầu chính sách khi các nhà lập pháp xây dựng thêm nhiều chính sách mới để định hướng hoạt động của doanh nghiệp theo chiến lược tăng trưởng xanh, bền vững.

Mô hình cá Bống khổng lồ thu gom rác thải nhựa tại bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng)

Đổi mới công nghệ

Theo các chuyên gia, hiện nay mô hình kinh tế tuần hoàn vẫn chưa có được sự phát triển như mong đợi do còn gặp nhiều rào cản, cụ thể như, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đòi hỏi doanh nghiệp phải tốn thêm các chi phí đầu tư ban đầu, điều này giảm khả năng cạnh tranh, giảm lợi nhuận. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cấu trúc tổ chức quản lý, điều hành doanh nghiệp kinh doanh theo kiểu truyền thống sang mô hình kinh tế tuần hoàn có thể dẫn đến rối loạn, rủi ro cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, thách thức về công nghệ cũng là một trong những rào cản lớn đối với mô hình kinh tế tuần hoàn.

Nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng bắt đầu sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường thay thế nhựa 

Hướng đến xây dựng kinh tế tuần hoàn tại thành phố Đà Nẵng, các chuyên gia đề xuất, thành phố cần xây dựng lộ trình chi tiết, cụ thể cho quá trình chuyển đổi, phát triển doanh nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, trong đó ưu tiên giảm thiểu chất thải nhựa và túi nilon phát thải ra môi trường. Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn như áp dụng công nghệ sạch, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, xem chất thải phải là nguồn tài nguyên cả về mặt sản xuất và tiêu dùng.

PGS.TS Bùi Quang Bình, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng đưa ra giải pháp thành phố cần ưu tiên trước hết là giảm thiểu chất thải nhựa và túi nilon phát thải ra môi trường và đưa vào quy hoạch, kế hoạch 5 năm (2021-2025). Ngoài ra, thành phố cần có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển theo mô hình này áp dụng công nghệ sạch, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải; trong đó, chất thải phải là nguồn tài nguyên xét cả khía cạnh sản xuất và tiêu dùng. Bên cạnh đó, thành phố định hướng doanh nghiệp phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn gắn liền với phát triển công nghệ, kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0.

“Đổi mới công nghệ là cốt lõi, là yếu tố quan trọng quyết định thành công khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Công nghệ mới sẽ giúp việc thực hiện mô hình này hiệu quả, giảm thải ô nhiễm, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, tránh khai thác quá mức tài nguyên, đồng thời tạo được cơ hội việc làm mới.”- PGS.TS Bùi Quang Bình chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Phát triển bền vững với kinh tế tuần hoàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO