UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu rà soát cụ thể nhu cầu sử dụng nước dưới hạ du các hồ, chủ động xây dựng, bố trí kế hoạch, thời gian lấy nước cụ thể, phù hợp với lịch vận hành của các hồ chứa theo quy định của quy trình nhằm sử dụng hiệu quả và tránh lãng phí nguồn nước. Thời hạn hoàn thành, báo cáo kết quả rà soát trong tháng 12/2018. “Trường hợp không xảy ra mưa, lũ thì ưu tiên việc tích nước các hồ chứa để đảm bảo đủ nước cấp an toàn cho mùa cạn năm 2019. Đồng thời, xây dựng phương án khai thác nước, sử dụng nước tiết kiệm và có phương án khai thác, sử dụng các nguồn nước thay thế”, công văn nêu.
UBND TP. Đà Nẵng cũng đề nghị đóng kín các đập dâng An Trạch, Thanh Quýt, Bầu Nít và Hà Thanh (trừ trường hợp có lũ), đặc biệt là đập dâng An Trạch để đảm bảo việc khai thác nước từ Trạm bơm An Trạch nhằm cấp đủ nước cho Đà Nẵng. Lãnh đạo Đà Nẵng yêu cầu Công ty cổ phần cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) khai thác tối đa nguồn nước từ đập dâng An Trạch trong trường hợp nguồn nước tại Cầu Đỏ bị nhiễm mặn.
Cùng ngày, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn ký công văn gửi bốn Công ty thủy điện là A Vương, Đăk Mi, Sông Tranh, Sông Bung (Quảng Nam) đề nghị tạm dừng phát điện, tích nước lại trong hồ đến ngày 15/12 để tập trung phát điện, cấp nước cho hạ du Đà Nẵng và Quảng Nam trong năm 2019.
UBND TP. Đà Nẵng cũng đề nghị các chủ hồ chứa cung cấp giấy phép và đề án hoặc báo cáo khai thác, sử dụng nước mặt đã được Bộ TN&MT thẩm định, cấp phép về Sở TN&MT Đà Nẵng trước ngày 25/11 để phục vụ cho công tác giám sát, xây dựng, bố trí kế hoạch, thời gian lấy nước cụ thể, phù hợp với lịch vận hành của các hồ chứa nhằm sử dụng hiệu quả và tránh lãng phí nguồn nước. “Trường hợp xảy ra tình trạng thiếu nước ở hạ du, phối hợp chặt chẽ với UBND TP và Dawaco để điều tiết, xả nước các hồ chứa cho phù hợp, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả trên cơ sở phù hợp với thực trạng nguồn nước hiện có của các hồ”, công văn của UBND TP. Đà Nẵng đề nghị bốn công ty thủy điện.
Ngoài ra, UBND TP. Đà Nẵng cũng yêu cầu Sở Xây dựng sớm tham mưu UBND TP xem xét, quyết định phương án đầu tư bổ sung thêm tuyến ống dẫn nước thô từ đập dâng An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ. Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng Đà Nẵng có trách nhiệm khi xảy ra hạn hán, thiếu hụt nước phải ưu tiên cấp nước cho dân sinh, rồi mới đến chăn nuôi và cây trồng lâu năm và các mục đích sử dụng nước khác.
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn khẩn cấp gửi UBND TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, các chủ hồ thủy điện A Vương, Đăk Mi 4, Sông Bung 4, Sông Tranh 2, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng, các Công ty khai thác thủy lợi Quảng Nam và Đà Nẵng về việc “Đảm bảo nhu cầu sử dụng nguồn nước cho hạ du hệ thống Vu Gia - Thu Bồn”. Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá: Hiện nay đang thời kỳ cuối mùa mưa lũ, nhưng mực nước các hồ chứa đều đạt rất thấp và đã xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết. Do đó, tình trạng thiếu nước hạ du ngay trong mùa mưa lũ năm 2018 đã và đang xảy ra với diễn biến phức tạp và khó lường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhận định, trong các tháng cuối năm 2018, lượng mưa trên khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên thấp hơn trung bình hàng năm từ 20 đến 50%, nguy cơ các hồ chứa nước không đảm bảo mực nước tối thiểu vào đầu mùa khô năm 2019 là rất cao. Đề nghị UBND TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và các đơn vị nêu trên có biện pháp đảm bảo nhu cầu sử dụng nguồn nước hạ du hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn.
Mới đây, Công ty TNHH-MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam cũng đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Nam, theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương: Khu vực Đà Nẵng - Quảng Nam, lượng mưa nửa cuối tháng 11/2018 thấp hơn trung bình năm cùng kỳ từ 10 đến 20%, tình trạng này sẽ kéo dài đến tháng 1/2019. Lượng dòng chảy trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn vẫn ở mức thiếu hụt so với trung bình năm từ 32 đến 50%. Tháng 12/2018 và tháng 1/2019, nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước ở Quảng Nam và TP. Đà Nẵng.
Trên địa bàn Quảng Nam hiện nay có 16 hồ chứa thủy lợi, trong đó 5 hồ chứa có dung tích lớn hơn 10 triệu m3, 11hồ chứa có dung tích nhỏ hơn 10 triệu m3, tổng dung tích nước tại tất cả các hồ chứa chỉ đạt 55,175 so với yêu cầu. Với thực trạng nguồn nước và dự báo như trên thì việc đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và đời sống khu vực Quảng Nam năm 2019 là rất khó khăn, kể cả vụ Đông Xuân năm 2018 - 2019. Công ty Khai thác thủy lợi Quảng Nam dự kiến, vụ Đông Xuân 2018 - 2019, diện tích đất nông nghiệp thiếu nước toàn tỉnh là 7.288 ha, diện tích cần chuyển cây trồng là 810 ha, diện tích thực hiện công trình chống hạn 6.448 ha, kinh phí thực hiện cần khoảng 9 tỷ đồng. Vụ Hè Thu 2019, diện tích thiếu nước khoảng 9.683 ha, diện tích chuyển đổi cây trồng 2.350 ha, diện tích thực hiện công trình chống hạn 7.300 ha, kinh phí thực hiện cần 16 tỷ đồng.