Thế giới

Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán (17/6): Đoàn kết vì đất đai

Mai Đan 17/06/2024 - 10:44

(TN&MT) - Khi gần 40% đất đai trên thế giới bị suy thoái và mất thêm nhiều mẫu đất mỗi giây, các chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng phải thúc đẩy hành động để khắc phục thiệt hại và bảo vệ Trái đất.

Đó là lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres trong thông điệp mạnh mẽ nhân Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán (17/6/2024).

image1170x530cropped-24-.jpg
Canh tác nông nghiệp trên đất núi lửa ở Công viên địa chất toàn cầu UNESCO thuộc đảo Lanzarote và Chinijo ở Tây Ban Nha. Ảnh: UNESCO

Sa mạc hóa, suy thoái đất và hạn hán là một trong những thách thức môi trường cấp bách nhất của thời đại. Theo số liệu mới nhất của Liên hợp quốc, mỗi giây, diện tích đất lành bị suy thoái tương đương với 4 sân bóng đá và mỗi năm, diện tích đất bị suy thoái lên tới 100 triệu ha.

Người đứng đầu Liên hợp quốc cho biết: “An ninh, thịnh vượng và sức khỏe của hàng tỷ người dựa vào những vùng đất trù phú - những khu vực hỗ trợ cuộc sống, sinh kế và hệ sinh thái, nhưng chúng ta đang phá hủy Trái đất vốn nuôi sống chúng ta”.

Vì một thế giới không suy thoái đất

“Đoàn kết vì đất đai: Di ​​sản của chúng ta. Tương lai của chúng ta” là chủ đề được Liên hợp quốc chọn nhân 30 năm Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán (17/6/1994 – 17/6/2024) nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của hành động tập thể để bảo tồn tài nguyên đất đai. Chủ đề này nêu bật tương lai của công tác quản lý đất đai, vốn là nguồn tài nguyên quý giá nhất của hành tinh nhằm đảm bảo sự ổn định và thịnh vượng của hàng tỷ người trên thế giới.

Đất không chỉ cung cấp cho chúng ta gần 95% lượng thực phẩm trên khắp thế giới mà còn nhiều hơn thế nữa. Nó cung cấp quần áo và nơi ở cho con người, cung cấp việc làm và sinh kế, đồng thời bảo vệ cộng đồng khỏi tình trạng hạn hán, lũ lụt và cháy rừng ngày càng trầm trọng.

Nhắc lại chủ đề Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán năm nay, Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết: “Như chủ đề của Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán năm nay, chúng ta phải “Đoàn kết vì đất đai”. Các chính phủ, doanh nghiệp, học giả, cộng đồng và nhiều tổ chức khác phải cùng nhau hành động”.

Thúc đẩy quản lý bền vững tài nguyên đất và nước

Dân số ngày càng tăng cùng với mô hình sản xuất và tiêu dùng không bền vững thúc đẩy nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên, gây áp lực lớn lên đất đai đến mức suy thoái. Đồng thời, sa mạc hóa và hạn hán đang thúc đẩy tình trạng di cư bắt buộc, khiến hàng chục triệu người mỗi năm có nguy cơ phải di dời.

Trong số 8 tỷ dân trên thế giới, hơn một tỷ thanh niên dưới 25 tuổi sống ở các nước đang phát triển, đặc biệt ở các khu vực phụ thuộc trực tiếp vào đất đai và tài nguyên thiên nhiên để sinh sống. Tạo cơ hội việc làm cho người dân ở vùng nông thôn là một giải pháp khả thi giúp thanh niên tiếp cận các cơ hội kinh doanh sinh thái, đồng thời nhân rộng các phương pháp tiến bộ nhất.

Đây cũng là lý do vì sao chủ đề được chọn năm nay lại tập trung tìm cách huy động mọi thành phần trong xã hội hỗ trợ quản lý đất đai bền vững, cùng nhau hành động để các thế hệ mai sau có thể tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng. Việc quản lý bền vững tài nguyên đất và nước là cần thiết để tăng cường sản xuất lương thực, bảo tồn hệ sinh thái, cải thiện chất lượng đất và nước; đồng thời tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng nông thôn trước các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), để khôi phục và nâng cao khả năng phục hồi hệ sinh thái, cần ưu tiên trước hết đối tượng phụ nữ và thanh niên. Đây là những người có vai trò quan trọng trong vấn đề bảo vệ sức khỏe đất đai và chịu thiệt hại nặng nề do suy thoái đất. Nguyên tắc này cũng đảm bảo rằng việc phục hồi đất dựa trên cơ sở khoa học và lấy con người làm trung tâm, phấn đấu vì một thế giới không suy thoái đất, cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Người đứng đầu Liên hợp quốc cho biết: “Chúng ta biết mình cần phải làm gì. Điều này được quy định rõ ràng trong Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD). Khi chúng ta kỷ niệm 30 năm thành lập Công ước, thế giới phải tăng tốc đáng kể tốc độ thực hiện”.

Để làm được điều này, ông chỉ ra việc thúc đẩy động lực hướng tới Phiên họp thứ mười sáu của Hội nghị các bên (COP16) của Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD) sẽ được tổ chức tại thủ đô Riyadh của Vương quốc Ả Rập Xê Út vào cuối năm 2024 và đảm bảo tiếng nói của giới trẻ được lắng nghe tại các cuộc đàm phán.

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres kêu gọi: “Chúng ta hãy cùng nhau “gieo hạt giống” cho một tương lai thịnh vượng cho thiên nhiên và nhân loại”.

Theo Tổng hợp từ UN News
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán (17/6): Đoàn kết vì đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO