Hội thảo có sự góp mặt của khoảng 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương; các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia; đại diện Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh thành; các sở, ban, ngành và các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn thành phố.
Thông qua Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực CNTT trình bày tham luận chuyên sâu, cung cấp, trao đổi các công nghệ, giải pháp để góp phần xây dựng Thành phố thông minh (TPTM) tại Đà Nẵng thành công, hiệu quả.
Theo Đề án Xây dựng thành phố Đà Nẵng Thành phố thông minh mục tiêu đến 2020 là sẵn sàng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh. Giai đoạn này là giai đoạn hình thành hạ tầng, nền tảng và cơ sở dữ liệu thông minh (A bit Smater City) đóng vai trò là nền tảng dùng chung cho các ứng dụng thành phố thông minh.
Mục tiêu đến 2025 là Thông minh hóa các ứng dụng. Giai đoạn này sẽ hoàn thiện, thông minh hóa các ứng dụng đã hình thành, thí điểm ở giai đoạn trước để phục vụ doanh nghiệp, người dân, du khách; chuyển quản lý đô thị từ truyền thống thành quản lý trên dữ liệu số. Và đến 2030 sẽ thông minh hóa ứng dụng cộng đồng. Với hạ tầng CNTT-TT đa dạng, rộng khắp, và những kho dữ liệu thu được trong quá trình triển khai giai đoạn trước làm động lực chính thúc đẩy phát triển TPTM, khởi nghiệp sáng tạo dựa trên dữ liệu, các công nghệ phân tích như: máy học, trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo,... được ứng dụng sâu, phổ biến để hỗ trợ chính quyền, doanh nghiệp, công dân nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành ở các lĩnh vực của đời sống xã hội, tinh gọn bộ máy, nâng cao sức cạnh tranh và tạo động lực mới cho phát triển.
Theo khung kiến trúc TPTM của Đà Nẵng, Kiến trúc tổng thể TPTM của Đà Nẵng được tổ chức theo mô hình cấu trúc phân lớp gồm: Môi trường tự nhiên (Natural Environment): Đồi núi, biển, sông ngòi, hồ nước, công viên, cây xanh,… ; Hạ tầng kỹ thuật: Cầu cống, nhà cửa, hệ thống cung cấp điện, nước, phương tiện giao thông, đường giao thông,… ; Hạ tầng CNTT-TT (ICT-based Hard Infrastructure): Trung tâm dữ liệu, mạng lưới viễn thông, máy tính, thiết bị di động, thiết bị IoT, mạng cảm biến,… ; Dịch vụ thông minh (Smart Services): Các dịch vụ, ứng dụng CNTT-TT phân chia theo các lĩnh vực chuyên ngành; Hạ tầng mềm (Soft Infrastructure): Nhân lực, cơ chế, chính sách, quy tŕnh nghiệp vụ, phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu,... để thực hiện các dịch vụ thông minh.
Thành phố Đà Nẵng ưu tiên triển khai TPTM cho 06 trụ cột với 16 lĩnh vực chuyên ngành: Quản trị thông minh (Trung tâm Giám sát điều hành thông minh, Dịch vụ công thông minh, Dữ liệu mở); Kinh tế thông minh (Du lịch, thương mại và nông nghiệp thông minh); Môi trường thông minh(Quản lý năng lượng, quản lý cấp thoát nước và quản lý chất thải thông minh); Đời sống thông minh (Giáo dục, y tế và vệ sinh an toàn thục phầm, an ninh công cộng và ưng cứu khẩn cấp, Phòng chống thiên tai và tìm kiểm cứu nạn thông minh); Giao thông thông minh; Công dân thông minh.
Tổng kinh phí thực hiện: Giai đoạn đến năm 2020 là 941 tỷ đồng; Giai đoạn 2021-2025 dự kiến 1.197 tỷ đồng. Các nội dung Giai đoạn 2026-2030 được cụ thể sau khi có đánh giá kết quả triển khai đến năm 2025, các chương trình và nguồn kinh phí giai đoạn này là dự kiến.
Ngoài ra, Hội thảo lần này, Hội tin học Việt Nam tiến hành trao giấy chứng nhận 10 năm dẫn đầu chỉ số Vietnam ICT Index (2009-2018) cho UBND thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông ký kết hợp tác với các đối tác trong việc triển khai xây dựng TPTM tại thành phố Đà Nẵng.