Mô hình cho và nhận sách giáo khoa là sáng kiến của chị Văn Nguyễn Thị Anh Hà, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Thanh Khê Đông nhằm giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn |
Mô hình cho và nhận sách giáo khoa là sáng kiến của chị Văn Nguyễn Thị Anh Hà, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng). Trong đợt dịch Covid vừa qua, chị Anh Hà tình cờ thấy thông tin có một cháu học sinh cấp 2 của phường mình đang cần sách giáo khoa để đi học, cháu có ý muốn xin lại sách cũ của các anh chị lớp trước. Chị đã nhanh chóng trả lời là sẽ hỗ trợ cho cháu có được một bộ sách giáo khoa để bước vào năm học mới.
Khi liên hệ với bạn bè, hội viên phụ nữ trong phường để xin một bộ sách giáo khoa cũ nhưng vẫn lành lặn, sạch sẽ để tặng cháu thì thấy có rất nhiều người có và còn có đầy đủ sách giáo khoa của nhiều lớp khác nhau. Nhiều người có con chuẩn bị bước sang năm học mới nhưng chưa mua sách giao khoa thấy chị Hà Anh tặng sách giáo khoa cũ cũng ngỏ ý muốn đăng ký cho con một bộ. Nhận thấy nhu cầu cần sách giáo khoa cho năm mới của mọi người cũng nhiều (trong đó chủ yếu là gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật...), nên chị quyết định triển khai mô hình cho nhận sách giáo khoa.
Mọi người đến nhận sách giáo khoa chủ yếu là gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật |
Để tiện cho người nhận cũng như người cho, chị Hà Anh đã lập một điểm cho nhận sách giáo khoa trước cổng UBND phường Thanh Khê Đông. Tại đây, có hai bàn học chứa đầy sách giao khoa các lớp ai cần đến nhận và ai dư đến cho. Điểm cho nhận sách giáo khoa nhanh chóng được truyền tai nhau nên người đến nhận ngày càng nhiều, người gửi sách tới cho cũng tăng lên.
Nhận thấy điểm cho nhận sách giáo khoa rất hữu ích và có ý nghĩa nên nhiều người không chỉ mang sách giáo tới tặng mà còn mang cả cặp sách, quần áo đồng phục còn mới để hỗ trợ.
Sách vở khi mọi người mang đến tặng sẽ được chị em hội viên phụ sắp xếp lại, lựa những sách còn dùng được, chia theo từng bộ, từng lớp học để xếp gọn gàng lên bàn. Ai muốn lấy sách chỉ cần ghé tới và lựa chọn bộ sách mình cần, bất kể giờ nào. Đến nay, đã có gần 1.000 bộ sách học, truyện tranh, đồ dùng, quần áo, cặp sách đã được trao cho các em và gia đình.
Các em tìm chọn cho mình những cuốn sách còn thiếu trong bộ sách giáo khoa của mình |
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Tuyết là công nhân môi trường đang có ba con đang đi học, mỗi năm bước vào năm học mới vợ chồng chị lại phải chi một khoảng tiền lớn để sắm sách vở, quần áo, đồ dùng cho các con. Những ngày đi làm khi thấy điểm cho và nhận sách giáo khoa chị đã rất vui mừng và vào lựa ngay sách lớp 7 và lớp 10 cho các con.
Cầm những cuốn sách lớp 10 trên tay chị chia sẻ, đây là bộ sách cô lựa cho con gái lớn. Con bé thi đậu vào trường THTP Thái Phiên (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê), nhưng một phần vì dịch chưa có dịp để mua sách cho cháu, một phần vì có nhiều thứ phải sắm nên đến giờ cô cũng chưa mua được sách giáo khoa, rất may mấy lần đi làm qua đây thấy có cho sách nên hôm nay xong việc sớm cô ghé vào lựa cho hai cháu.
Sống ở phường Hoà An, quận Cẩm Lệ, em Đặng Hoàng Long đến điểm cho nhận sách giáo khoa để xin bộ sách lớp 11 cho mình. Ba của Long làm nghề phụ xe ô tô, mẹ làm giúp việc theo giờ, đợt dịch vừa qua công việc của ba mẹ Long đều thất thường, hiểu được nỗi lo lắng của ba mẹ trước những khoản tiền phải chuẩn bị cho năm học mới nên Long không đòi hỏi gì trong năm học mới. Em tự đi xin sách của một số anh chị nhưng do vẫn còn thiếu nên em đến đây để xin thêm.
Những cuốn sách giáo khoa còn khá mới, lành lặn và sạch sẽ đã phần nào giảm bớt gánh nặng cho các gia đình khó khăn trong năm học mới |
Long tâm sự: “Sách giáo khoa thì mới cũ cũng như nhau chị ạ, chỉ cần không bị rách, thiếu trang để không bị mất nội dung bài học là được. Năm nào em cũng đi xin lại sách cũ từ các anh chị lớp trên để học. Sách ở đây tuy gọi là sách cũ nhưng vẫn còn rất mới và sạch sẽ lắm ạ”.
Chị Anh Hà cho biết, Lúc đầu cũng chỉ định xin vài bộ cho các cháu, nhưng không ngờ lại có quá nhiều hoàn cảnh khó khăn đến để nhận sách nên mô hình này cũng đã kéo dài cả tháng. Tôi chỉ mong ít sách vở này có thể giúp cho các cháu và các gia đình sẵn sàng cho năm học mới. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì hoạt động này đến khi nào các em không cần nữa thì mới thôi.
Nhiều phường trên địa bàn quận Thanh Khê cũng đã triển khai những mô hình tương tự để giúp trẻ em nghèo của phường chuẩn bị vào năm học mới. Tất cả chủ yếu hỗ trợ: vở, truyện tranh, sữa, đồ dùng học tập, quần áo đồng phục… Trung bình, các phường đã hỗ trợ gần 400 suất với tổng giá trị khoảng 300 triệu đồng được trao cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Hội Liên hiệp phụ nữ quận Thanh Khê cũng phát động mô hình “Sẻ chia yêu thương - Tiếp bước em đến trường”, qua đó, đã có hơn 78 triệu đồng số tiền được ủng hộ, hỗ trợ về. Quận cũng tiến hành trao 200 suất quà và học bổng cho các em đang theo học từ cấp một trở lên.